Quyền làm việc bình đẳng thì phụ nữ mới được bình đẳng thực sự

10:46 | 09/05/2019;
“Tôi cho rằng, chỉ khi vấn đề quyền làm việc được bình đẳng thì phụ nữ mới có được bình đẳng giới thật sự. Chính vì tuổi nghỉ hưu sớm nên đã hạn chế sự phát triển của phụ nữ rất nhiều. Hạn chế ở tuổi quy hoạch, tuổi đề bạt…cho nên biểu đồ về số lượng phụ nữ làm cán bộ quản lý vẫn theo hình chóp, phụ nữ ở vị trí ra quyết định nhiều vẫn chưa nhiều”, nguyên ĐBQH Bùi Thị An nói.

Liên quan đến các nội dung góp ý cho Dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi, một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận, chuyên gia đó chính là tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ.

Trong ý kiến góp ý gửi tới Ban soạn thảo, Hội LHPN Việt Nam cũng nhấn mạnh vấn đề này và đưa ra quan điểm, cần điều chỉnh ngay mốc tuổi nghỉ hưu tương đương nam giới đối với nhóm lao động nữ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật chất lượng cao và giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ trong lĩnh vực độc hại, nguy hiểm.

lao-dong.jpg
Lao động nữ làm việc trong một xưởng chế biến.

 Chia sẻ với PV PNVN, bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội đồng tình với quan điểm trên của Hội LHPN Việt Nam. Bà An nhấn mạnh, tăng tuổi nghỉ hưu là rất cần thiết vì còn liên quan đến quỹ bảo hiểm xã hội. Mặt khác, đối với lao động nữ việc nghỉ hưu sớm là một sự lãng phí cho xã hội. “Phương án tiếp cận mới, đó là bình đẳng về quyền làm việc. Tôi muốn nhấn mạnh là quyền làm việc bình đẳng chứ không phải quyền nghỉ bình đẳng”, nguyên ĐBQH nói.

Mặt khác, bà An cũng cho rằng, cần có ưu tiên với lao động nặng nhọc, làm việc trong môi trường độc hại thì cho nghỉ sớm 5 năm (giữ nguyên như hiện nay) và giảm 5 năm bảo hiểm đối với họ.

Theo bà Bùi Thị An, từ thống kê của ngành y tế, tuổi thọ của phụ nữ Việt Nam đã tăng thêm 3 tuổi so với nam giới. Hiện nay, kinh tế, dịch vụ, chất lượng cuộc sống của Việt Nam đang được nâng lên đáng kể, đời sống của người dân nói chung và phụ nữ nói riêng đã thay đổi rõ rệt nên việc để tuổi nghỉ hưu sớm hơn 5 năm so với nam giới là không còn phù hợp nữa.

bui-thi-an.jpg
Bà Bùi Thị An cho rằng, bình đẳng trong làm việc thì phụ nữ mới thực sự bình đẳng giới.

 “Bình đẳng giới ở Việt Nam có một bước tiến dài trong vài chục năm qua, tuy nhiên vẫn chưa xứng với tiềm năng của phụ nữ Việt Nam có. Tôi cho rằng, chỉ khi vấn đề quyền làm việc được bình đẳng thì phụ nữ mới có được quyền bình đẳng giới thật sự.

Thực tiễn vừa qua cũng cho thấy, chính vì tuổi nghỉ hưu sớm nên đã hạn chế sự phát triển của phụ nữ rất nhiều. Hạn chế ở tuổi quy hoạch, tuổi đề bạt…cho nên phụ nữ phát triển theo hình chóp, phụ nữ vẫn chưa ở trong vị trí ra quyết định nhiều nên hạn chế sự phát triển của nữ”, nguyên ĐBQH Bùi Thị An chia sẻ.

Bà An cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền nên thực hiện ngay việc này vì đây thực sự là điều cần thiết.

Đồng quan điểm với bà Bùi Thị An, một chuyên gia về lao động phân tích thêm, việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với phụ nữ là rất cần thiết. Bởi lẽ, phụ nữ vốn thiệt thòi, nhiều trường hợp rất có năng lực, phẩm chất nhưng khi họ vừa ổn định xong việc con cái, gia đình thì cũng là lúc quá tuổi quy hoạch, đề bạt. “Như vậy vừa lãng phí nhân lực, chất xám mà lại khiến họ thiệt thòi”, vị này nói.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu là đúng. Có nhiều yếu tố tác động đến tuổi nghỉ hưu như tốc độ tăng trưởng kinh tế, việc làm, quỹ bảo hiểm xã hội, vấn đề già hóa dân số…

Ngoài ra, việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với nữ cũng là để đảm bảo bình đẳng giới. “Theo tôi thì giữa nam và nữ ta cứ công bố một tuổi nghỉ hưu, để đến tuổi đó họ được nghỉ hưu chứ không phải là bị nghỉ hưu. Ta đặt ngưỡng 60 tuổi là nghỉ hưu, nhưng nên cho mọi người có thêm quyền lựa chọn, chẳng hạn người ta có thể lựa chọn đến 55 tuổi có quyền được nghỉ hưu, chứ không phải đợi đến 60 tuổi...”, TS Nguyễn Hữu Dũng phân tích.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn