Vừa bước vào phòng làm việc, chị Bình, đồng nghiệp của tôi, quẳng bịch chiếc túi xuống bàn, giọng đầy tức tối: "Chị phát điên với thằng Thịnh (con trai chị - PV) rồi. Càng ngày nó càng ngang ngạnh, nói một câu, cãi một câu. Còn 3 tháng nữa thi vào lớp 10 mà nhất định không chịu nghỉ tập ở câu lạc bộ bóng đá quận. Đã thế, còn ôm việc ở nhóm truyền thông của trường. Nhiều hôm, đi học thêm đến gần 10 giờ tối mới về, nó còn hì hụi viết tin bài, thu âm bản tin nội bộ. Mắng nó thì nó kêu mẹ áp đặt, can thiệp quá sâu vào quyền cá nhân của con. Hai mẹ con cãi nhau, tí thì chị cho cái bạt tai".
Chị Bình nói một chặp không ngớt rồi ngồi thở dốc. Rồi chị tiếp tục càm ràm, lôi cả chồng ra mắng sau lưng vì tội chiều con. Tôi nhẹ nhàng: "Thôi chị bớt giận, con nó thích thì cứ để nó tham gia các hoạt động ngoại khoá, coi như một cách xả stress. Chị thống nhất với con, cho con làm những việc con thích nhưng không được lơ là học hành là được chị ạ". Chị phản ứng: "Mình nhượng bộ, nó dễ được đằng chân lân đằng đầu lắm. Giờ không đưa vào khuôn khổ, ít nữa đủ lông đủ cánh có mà làm giặc"… Đến nước này, biết không đồng quan điểm trong cách giáo dục con giữa tôi với chị, tôi lặng lẽ rút lui.
Tôi cũng có cô con gái học trên con trai chị Bình một lớp. Ở độ tuổi chẳng còn bé nhưng chưa hẳn đã trưởng thành, lúc nào cũng muốn khẳng định mình nên con bé rất bướng và cá tính. Khi cháu đã tin và cho rằng mình không làm gì sai thì nhất định sẽ bằng mọi cách bảo vệ chính kiến của mình. Tôi luôn ủng hộ con thể hiện và bảo vệ suy nghĩ, hành động đúng của mình.
Cũng có lúc, quan điểm bất đồng, tôi bị con gái gân cổ cãi lại; thậm chí thể hiện thái độ "anti" mẹ kịch liệt. Dẫu trong lòng rất bực nhưng tôi không nổi cáu hoặc đôi co, lên án ngay lúc ấy vì biết rõ, trong trái tim và cái đầu non nớt kia đang ngùn ngụt "cái tôi". Cố đợi đến khi cả hai mẹ con cùng bình tĩnh lại, tôi đề nghị một cuộc trò chuyện riêng chỉ có 2 mẹ con. Lúc này, tôi mới nghiêm túc nói chuyện, phân tích cái sai của con, cái chưa được của mẹ để cùng rút kinh nghiệm. Nhờ vậy mà những cuộc xung đột giữa hai mẹ con luôn được giải quyết kịp thời. Giữa chúng tôi có một cam kết: Mẹ tôn trọng quyền riêng tư, quyền được phản biện của con nhưng con phải lắng nghe và tiếp thu những ý kiến của mẹ trên tinh thần cầu thị, xây dựng. Chính nguyên tắc bất thành văn giữa hai mẹ con, tôi đã giúp con rèn luyện, trau dồi, hình thành nhân cách, trở thành cô gái dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Còn nhớ, trong bài văn viết về người có sự ảnh hưởng lớn đối với con, khi các bạn trong lớp dùng ngôn ngữ đẹp đẽ, bóng bẩy để viết về bố mẹ, về thần tượng của mình thì con gái tôi lại tả bà nội như "quái vật": "Ngày bé tí xíu, tôi vô cùng sợ hãi bà vì đôi bàn tay sần sùi, biến dạng cùng khuôn mặt nhiều vết sẹo thâm. Trong ký ức non nớt của tôi, bà xấu xí, đáng sợ như một mụ phù thuỷ già. Bà là nỗi ám ảnh cực độ năm tháng tuổi thơ tôi. Mẹ tôi kể, tôi không bao giờ cho bà bế hay ngồi vào lòng bà. Hồi học mẫu giáo, thi thoảng, tôi hay lén nhìn trộm những ngón tay còng queo như củ gừng của bà. Tôi sợ bà đến nỗi, từng mong bà… chết đi để không nhìn thấy hình hài đáng sợ ấy. Sau này, khi tôi đủ nhận thức để biết rằng, đôi bàn tay và hình hài xấu xí của bà là hệ quả của căn bệnh phong cùi gớm ghiếc, tôi đã khóc nức nở vì thương bà. Năm tôi lên 8 tuổi, lần đầu tiên tôi lấy hết can đảm để dám cầm bàn tay của bà. Lần đầu tiên, tôi để bà ôm tôi vào lòng, nước mắt bà rơi đẫm má tôi. Giây phút ấy, tôi cảm nhận được hơi ấm từ trái tim bà, tình yêu bao la từ đôi bàn tay của bà. Từ khi gần gũi bà, tôi thành ra nghiện đôi bàn tay ấy xoa lưng cho tôi ngủ. Cảm giác những ngón tay gồ ghề, gập ghềnh chà lên lưng tôi mới tuyệt vời làm sao. Mẹ tôi có đôi bàn tay búp măng mềm mại, đẹp như diễn viên nhưng tôi lại yêu nhất trên đời này là đôi bàn tay dị dạng của bà".
Tôi đã khóc khi đọc bài văn của con. Và tôi tự hào khi con tôi dám viết về sự thật, sẵn sàng chia sẻ cảm xúc tâm can của mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn