Cô Hạnh, một giáo viên ở Hà Nội, kể: "Vào buổi kiểm tra giữa kỳ, một học sinh nữ lớp tôi vào muộn 1/3 thời gian trong giờ kiểm tra. Em thú nhận đã chơi bài ở quán cà phê với một nhóm bạn, mải vui nên quên. Theo quy định, học sinh, không làm bài kiểm tra mà không có lý do chính đáng thì em sẽ bị 0 điểm. Nhưng phụ huynh ngay sau đó đã đến gặp thẳng hiệu trưởng. Hiệu trưởng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn bố trí cho học sinh kiểm tra bổ sung bằng đề dự bị nhưng không kèm theo một hình thức chế tài nào với em học sinh đó. Tôi phản đối việc này không phải vì không ưa học sinh đó mà cần phải công bằng với những học sinh khác, cần phải để học sinh đó chịu trách nhiệm về lỗi sai của mình. Nhưng đề nghị của tôi bị từ chối chỉ vì phụ huynh đó có nhiều ảnh hưởng, từng khiếu kiện trường vài lần nên bỏ qua cho lành".
Cô Hạnh lo ngại nếu bỏ qua cho những trường hợp như thế sẽ tiếp tục còn những trường hợp tương tự xảy ra và điều quan trọng là khó giáo dục học sinh. Một trường hợp khác, khi tham gia học kỳ quân đội phải tập trung ở một doanh trại quân đội, nhiều học sinh không chịu được điều kiện thiếu thốn hơn ở nhà đã liên lạc với bố mẹ. Một số phụ huynh đăng đàn phê phán nhà trường và tạo "làn sóng" để nhiều phụ huynh khác đề nghị "lên đón con về, không học hành gì cả".
Cô Thanh, một hiệu trưởng trường THCS ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), tâm sự, khi những khái niệm "trường học thân thiện", "trường học hạnh phúc" được xem như khẩu hiệu truyền đạt đến mỗi nhà trường, mặt tích cực có nhưng tiêu cực cũng nhiều. "Để tìm được cách giáo dục tích cực rất cần sự thấu hiểu, đồng lòng của cha mẹ học sinh. Nhưng nhiều phụ huynh lại chiều chuộng, bênh con thái quá nên giáo viên rất áp lực. Chỉ không vừa lòng, phụ huynh có thể gọi cho giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng, hiệu phó để phản ánh gay gắt mà không cần tìm hiểu kỹ sự việc. Một số người lập tức đăng lên các nhóm cha mẹ, thậm chí viết facebook. Thông tin từ đó lan truyền. Hướng tới sự thân thiện, hạnh phúc là điều rất nên làm nhưng nếu nó được thực thi kiểu đối phó và tệ hơn là bị học sinh, phụ huynh sử dụng như một công cụ gây áp lực cho giáo viên thì sẽ khó khăn cho việc giáo dục học sinh", cô Thanh cho biết.
Theo thầy Tùng Lâm, Chủ tịch hội đồng giáo dục, trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), để giáo dục học sinh, nhà trường không thể tách rời vai trò của cha mẹ học sinh, nhất là với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Hằng năm ở trường Đinh Tiên Hoàng, thầy Tùng Lâm thường tổ chức hội nghị với tên gọi "Dạy con nên người". Tại sự kiện này, cha mẹ học sinh được lắng nghe, chia sẻ, để cùng với thầy cô giáo trao đổi, rút kinh nghiệm, tìm ra hướng để phối hợp giúp đỡ học sinh. "Thời nay, phụ huynh có quyền được biết những thông tin giáo dục học sinh của nhà trường, quyền được trao đổi, phối hợp trong việc giáo dục nhưng phải trên tinh thần tôn trọng, thiện chí, tránh việc phán xét, quy chụp, gây áp lực cho nhà trường chỉ vì muốn bao che lỗi của con mình. Đó là hành xử có hại cho đứa trẻ", thầy Tùng Lâm cho biết.
Hiện nay, nhiều trường phổ thông ở Hà Nội đã có những hình thức kéo phụ huynh vào cuộc, phối hợp cùng nhà trường giáo dục học sinh. Ví dụ, trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức ngày hội gia đình để cha mẹ, con cái có cơ hội làm chung một việc, có thời gian ở bên nhau. Hay những buổi họp phụ huynh ở trường THPT Phan Huy Chú tổ chức linh hoạt theo hình thức cha mẹ thảo luận nhóm để tìm ra giải pháp giúp đỡ con, cha mẹ và các con cùng viết ra những mong muốn để có thể thấu hiểu, chia sẻ…
Nhưng việc kéo phụ huynh vào cuộc đúng cách vẫn chưa phổ biến. Trong khi đó, việc lạm dụng mạng xã hội đang là yếu tố "tiếp tay" cho nhiều phụ huynh có hành xử quá khích, thiếu hợp tác.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn