Với mẹ, điều quan trọng nhất là gì? Khi đã có con, mẹ nào cũng mong cho con khoẻ mạnh, trưởng thành trở thành người tử tế, hạnh phúc. Với chị Nhung (sinh năm 1989), các con là điều tuyệt vời nhất chị có được trong cuộc sống này.
Để có tiền cho các con ăn học, người mẹ ấy đã chịu khó bươn chải khắp mọi nơi, làm từ sáng sớm cho tới tối mịt. Thế nhưng đổi lại, thời gian dành cho các con chẳng là bao. Cho đến một ngày, câu nói của con khiến người mẹ ấy thức tỉnh.
Cô con gái nhỏ Quỳnh Anh của chị Nhung là một em bé khiếm thính bẩm sinh ở mức độ nặng, chỉ nghe được chút âm thanh ở tần số cao khi mẹ nói thật to, giống như người ta hét vào tai nhau vậy. Vì con không nghe được nên con không biết nói, dù chỉ là hai tiếng "mẹ ơi"...
Bao nhiêu năm ở trọ thành phố, mỗi lần chuyển trọ là một lần chị Nhung cố gắng tìm nơi nào gần trường tiện cho con theo học, mẹ đi làm xa chút cũng không sao. Vì để tiện đưa đón nên chị Nhung đã xin luôn cho 2 chị em học chung một trường, trường có lớp cho trẻ khiếm thính và trẻ hòa nhập. Ngày nào cũng vậy, mẹ đi làm xa nên buổi sáng luôn phải đưa con đến trường sớm nhất, buổi chiều lúc về muộn nhất. Về đón con lúc nào cũng chỉ còn hai chị em chơi tha thẩn ở sân trường. Hôm nhờ bác bảo vệ, hôm lại nhờ cô lao công trông giúp.
"Một ngày, con trai bảo mẹ "Mẹ ơi, sao hôm nào mẹ cũng đón chúng con muộn thế", nghe xong bỗng dưng mình òa khóc vì thương con, và thế là mình đã đưa ra một quyết định thật táo bạo, "bỏ phố về quê" để có nhiều thời gian dành cho con hơn. Đó là một ngày đầu tháng 8 năm 2020, thời điểm dịch Covid cũng vẫn còn phức tạp.
Bỏ phố về quê thì biết làm gì để sống? Đó là câu hỏi của bố mẹ chồng khi mình nói rằng con sắp về quê. Để thuyết phục bố mẹ, mình "vẽ" ra một khung cảnh đầy tương lai cho ông bà tin tưởng, và rồi, bắt đầu từ việc cải tạo cái chuồng gà cũ thành phòng làm việc chỉ trong 1 tháng, do bố mẹ chồng tự làm từ A tới Z", chị Nhung nhớ lại.
Với một người phụ nữ, việc làm lại từ đầu chẳng bao giờ là điều dễ dàng. Nhưng khi ấy vì con, mọi thứ đều có thể.
Về quê, chị Nhung đã có nhiều thời gian hơn cho các con, đồng thời khởi nghiệp từ những tích lũy đã có được sau nhiều năm lăn lộn ở thành phố. Chị bắt đầu làm những món đồ nho nhỏ, và tuyệt nhất là sau mỗi buổi học, con gái phụ mẹ gói hàng, trang trí, mỗi ngày cũng túc tắc có được 2, 3 đơn hàng đủ tiền cho mấy mẹ con sống qua ngày.
"Dần dần, đơn hàng ngày một đều đặn hơn, mình có đủ tiền để cho con học thêm một lớp can thiệp ngôn ngữ theo giờ ở gần nhà. Song song đó hai mẹ con cũng tìm học thêm về ngôn ngữ ký hiệu. Con học tới đâu, mẹ học tới đó để có thể giao tiếp và thuận tiện cho việc dạy con học nói. Bây giờ, con không những gọi "mẹ ơi" suốt ngày mà còn gọi được tất cả mọi người trong gia đình. Nói được 1 câu ngắn như "Mẹ ơi ăn cơm, Bố đi làm, Mẹ cho con đi chơi....". Mẹ cứ mải làm dưới bếp, thi thoảng lại nghe được tiếng í éo trên nhà rồi cả tiếng con mách mẹ "em Tôm hư, em Tôm hư".
Bây giờ, ước mơ của mẹ không chỉ là được bên con, được đồng hành cùng con mà mẹ muốn xây dựng một công việc dành cho con và cả các bạn của con sau này. Mẹ muốn con được lớn lên tự tin hơn, có thêm bạn bè đồng cảnh ngộ có thể đồng cảm và chia sẻ cùng con. Trong tương lai gần, sẽ có một lớp học dạy nghề miễn phí cho các con khiếm thính. Hành trình vạn dặm cũng chỉ bắt đầu từ một bước chân, và mẹ cũng có quyền mơ, và hiện thực hoá ước mơ của mình con gái nhỉ?", chị Nhung chia sẻ.
Bà mẹ trẻ mong rằng, câu chuyện đầy thăng trầm của bản thân sẽ là động lực cho các mẹ đang mất phương hướng trên con đường sự nghiệp và hành trình làm mẹ của mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn