Cơn bão số 10 mang theo sức tàn phá với cường độ quá lớn và kéo dài đã khiến nhiều cơ sở giáo dục, điểm trường ở nhiều địa phương miền Trung bị tan hoang, hư hỏng. Tuy nhiên, ngay sau khi bão vừa đi qua, các thầy cô đã cùng với lực lượng chức năng và học sinh đã có mặt tại trường để dọn dẹp đống đổ nát, khắc phục thiệt hại sau bão, đảm bảo việc học được diễn ra bình thường từ ngày 18/9.
Có mặt tại trường THCS Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh), chúng tôi nhận thấy nhiều công trình hạng mục bị hư hỏng, đặc biệt những dãy nhà tầng, nhà cấp 4 bị tốc mái, nhiều cửa kính bị đổ vỡ, nhà để xe của giáo viên và học sinh bị gãy đổ. Chia sẻ với phóng viên thầy giáo Trần Văn Sỹ – Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Lợi cho biết: “Bão số 10 đã làm thiệt hại lớn về cơ sở vật chất, cụ thể tốc mái 3 dãy nhà, trong đó có 2 dãy nhà tầng, làm vỡ hàng ngàn viên ngói, của kính, nhà xe của học sinh, giáo viên bị đổ sập hoàn toàn… Ngay sau ngày bão tan, hôm 17/9, nhà trường đã phối hợp với bộ đội biên phòng sửa chữa, lợp lại ngói và dọn dọn dẹp đống đổ nát, đảm bảo an toàn cho việc học của các em. Quyết không để học sinh phải nghỉ học do không có phòng học”.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, sau khi bão số 10 đi qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, tốc mái, hệ thống cây xanh trong trường học bị đổ ngã, đặc biệt là huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, do hệ thống điện lưới và mạng viễn thông bị mất sóng nên chưa thống kê được cụ thể thiệt hại của toàn ngành.
Hiện Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã ban hành công văn và điện khẩn cho các trường nhanh chóng thu xếp ổn định trường học để đầu tuần tới các trường tiếp tục dạy học. Đối với các trường bị ảnh hưởng chưa khắc phục xong thì vẫn tổ chức học 2 buổi.
Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), thầy Nguyễn Hữu Sum, cho biết:"Do trên địa bàn huyện hệ thống điện lưới chưa thể cung cấp điện, hệ thống sóng điện thoại cũng không ổn định nên cũng chưa thể thống kê được con số thiệt hại cụ thể tại các trường trên địa bàn. Tuy nhiên, theo nắm bắt sơ bộ ban đầu thì thị xã Kỳ Anh bị thiệt hại vô cùng nặng nề, nhiều trường học bị tốc mái gần như hoàn toàn như trường THPT Kỳ Anh, trường Kỳ Ninh... các công trình phụ khác cũng bị đổ sập, hư hỏng. Nhưng với tinh thần chỉ đạo chung của ngành, chúng tôi cũng đã phối hợp với các trường để cùng khắc phục hậu quả sau bão, sớm ổn định tình hình để việc học tập của các em trở lại bình thường.
Cùng như tỉnh Hà Tĩnh, nhiều trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bị thiệt hại hết sức nặng nề.
Theo thống kê sở bộ của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình, toàn ngành giáo dục có trên 40.000m2 mái nhà lớp học bị tốc mái; trên 5.700m hàng rào bị sập; trên 4.700m2 cửa kính bị vỡ; trên 2.600 cây xanh bị gãy đổ.
Bên cạnh đó, gần 600 bộ máy vi tính và 78 máy chiếu bị hỏng; gần 600 phòng học bị hư hỏng nặng và 11 phòng học bị sập hoàn toàn; trên 10.500 bộ sách vở; gần 1.200 bộ bàn ghế học sinh bị hư hại do mưa bão. Tổng thiệt hại ước tính trên 205 tỷ đồng.
Thiệt hại nặng nề nhất là Trường THPT Quang Trung (huyện Quảng Trạch) và trường THCS xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) với toàn bộ hệ thống các dãy nhà lớp học bị tốc mái, hầu hết cửa kính bị vỡ nát; cây xanh trên sân trường gãy, đổ trơ trụi; hệ thống tường rào đổ sập hàng trăm mét.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình cho biết: "Ngay sau khi bão tan, chiều 15 và ngày 16/9 lãnh đạo Sở đã đã đến kiểm tra, thăm hỏi, động viên cán bộ, giáo viên một số trường thuộc địa bàn thành phố Đồng Hới, huyện Bố Trạch, thị xã Ba Đồn và đặc biệt là các trường nằm trong tâm bão thuộc huyện Quảng Trạch, huyện Tuyên Hoá lên phương án, khẩn trương khắc phục hậu quả, tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường. Trước mắt, các trường ưu tiên tu sửa lại các khu nhà nội trú cho giáo viên, sớm ổn định cuộc sống để giáo viên yên tâm công tác".
Ngoài ra, theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình cũng lưu ý các trường học cần khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra để đưa học sinh sớm trở lại trường học. Tuy nhiên, quan điểm chỉ đạo của tỉnh là phải đảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh chứ không phải đưa các em trở lại sớm bằng mọi giá. "Chỉ khi các trường đã tu sửa, dọn dẹp xong xuôi mới gọi học sinh đi học lại", lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình cho biết.