Sáng ngày 5/1, huyện Lai Vung, Đồng Tháp - quê hương của giống quýt hồng nức tiếng chính thức khai mạc Lễ hội Quýt hồng lần thứ I - năm 2023 với chủ đề "Khát vọng vươn lên". Lễ hội Quýt diễn ra từ ngày 5 đến ngày 8/1. Ngày càng có nhiều các lễ hội tôn vinh đặc sản quê hương được tổ chức, giúp định hình được nét đặc sắc của nền ẩm thực nước nhà.
Tại Lễ hội, mô hình trái quýt hồng khổng lồ được kết từ 800kg quả quýt tươi với hơn 4.000 trái đã được trưng bày. Từ đầu thế kỷ XX, Lai Vung đã nổi tiếng là vùng đất lành, có thổ nhưỡng tốt cho trái ngọt thơm, đặc biệt là giống quýt hồng vang danh khắp cả nước.
Giống quýt hồng ở Lai Vung quả to, vỏ mỏng, ít hạt và mọng nước. Không chỉ có ngoại hình màu vàng cam bắt mắt, quýt hồng còn có vị ngọt và thơm dịu, chua nhè nhẹ hấp dẫn. Vậy quýt hồng Lai Vung ngoài ăn trực tiếp thì còn làm được món gì ngon nữa?
Quýt hồng Lai Vung ăn trực tiếp rất ngon, thưởng thức được mùi thơm dịu của quả. Dùng làm nước ép giúp bổ sung dưỡng chất cho da, giúp làn da của chị em thêm mịn màng, săn chắc. Quýt hồng cũng là loại quả đẹp được bày biện trong mâm ngũ quả ngày Tết Nguyên đán.
Ngay trong ngày hội Quýt hồng đã có nhiều hoạt động đặc sắc như Cây quýt hồng đẹp, Vườn quýt kiểu mẫu, Ẩm thực quê em... Trong đó, nổi bật lên 2 món ngon làm từ quýt đó là bánh flan quýt và mứt quýt dẻo.
Nguyên liệu cần thiết để làm món bánh flan quýt là trứng gà 5 quả, đường cát 100g, tinh chất vani 1 thìa, sữa tươi 550ml, nước ép quýt hồng Lai Vung 100ml.
Cách thực hiện rất đơn giản, không khác cách làm bánh flan truyền thống nhiều. Trước tiên, cần làm caramel. Cho 50g đường trắng vào chảo, thêm nước lọc và đun lửa vừa, không cần khuấy. Khi đường chuyển màu cánh gián nhẹ thì tắt bếp ngay và cho nước ép quýt vào. Nhanh tay tráng caramel vào khuôn bánh flan.
Tách riêng lòng đỏ trứng gà, dùng phới đánh nhẹ cho tan đều. Cho sữa tươi, nước ép quýt và 50g đường vào nồi, khuấy nhẹ đến khi hỗn hợp quyện đều vào nhau. Bắc nồi sữa lên bếp đun đến ấm nhưng không đế sôi. Nếu sôi bánh flan sẽ bị rỗ.
Đổ hỗn hợp vào trứng gà vào nồi sữa, vừa đổ vừa nhớ khuấy đều để hỗn hợp không bị vón cục. Cho 1 thìa vani vào khuấy tan. Dùng rây lọc hỗn hợp thêm một lần để loại bỏ các bọt khí, giúp bánh mịn sau khi hoàn thành.
Tiếp đó, đổ hỗn hợp sữa trứng vào 3/4 khuôn caramel.
Sau cùng, cho vào xửng hấp chín hoặc lò nướng chín. Nếu dùng lò nướng, thì xếp khuôn vào khay, đổ nước nóng ngập nửa khay. Nướng ở 150 độ C khoảng 40 phút.
Nếu dùng nồi hấp thì lấy giấy bạc hoặc màng bọc thực phẩm chịu nhiệt bọc khuôn bánh để hơi nước không chảy xuống khiến bánh bị rỗ. Hấp cách thủy trong vòng 20 phút là được. Bánh flan quýt hồng sau khi hoàn thành thì để nguội, cho vào tủ lạnh khoảng 4 tiếng là có thể thưởng thức được rồi. Khi ăn, bạn có thể cho thêm đá bào lạnh, sữa đặc hoặc cà phê sẽ giúp tăng hương vị.
Nguyên liệu cần thiết để làm quýt ngâm đường phèn gồm có 20 trái quýt hồng Lai Vung, 80g đường phèn, 400ml nước.
Cách làm quýt ngâm đường phèn khá đơn giản. Đầu tiên bạn bóc lấy múi quýt - nhớ bỏ hết phần xơ. Trụng trong nước sôi khoảng 30 giây rồi vớt ra để ráo.
Cho 400ml nước vào nồi cùng 80g đường phèn, vừa đun vừa khuấy đều cho tan đường. Thả quýt vào, nấu nhỏ lửa trong 5 phút thì tắt bếp.
Lúc này bạn chỉ việc để nguội rồi cho vào hũ thủy tinh tiệt trùng là được. Quýt ngâm đường phèn rất thơm, bạn có thể dùng pha trà nóng uống buổi sáng cho ấm người hoặc pha cùng đá và chanh để có đồ uống giải khát vào những ngày nóng nực.
Nguyên liệu để làm món mứt quýt gừng gồm có 1kg quýt hồng Lai Vung, 800g đường trắng, 100g gừng tươi, 1,2 lít nước.
Quýt chia thành 3 phần: 2 phần tách múi, bỏ xơ, bỏ hạt. 1 phần còn lại cắt múi cau, bỏ hạt.
Gừng xắt sợi nhỏ.
Cho tất cả quýt và gừng xắt sợi vào một thố lớn, đổ đường vào, trộn đều. Để khoảng 2 tiếng cho đường tan.
Khi thấy đường đã tan hết, bạn cho hỗn hợp quýt ngâm đường vào chảo sâu lòng, sên ở lửa nhỏ đến khi hỗn hợp sánh đặc lại thì tắt bếp. Để nguội rồi lấy ra hũ thủy tinh, cất trong ngăn mát tủ lạnh để được tới 20 ngày.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn