Rác thải nông thôn ở Nghệ An: Những mô hình xử lý cần nhân rộng

16:44 | 08/05/2020;
Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Nghệ An), các ngành và chính quyền địa phương các cấp ở Nghệ An cần vào cuộc quyết liệt hơn, triển khai các giải pháp cụ thể, nâng cao hiệu quả xử lý rác thải khu vực nông thôn.

Sạch nhà nhưng chưa sạch ngõ

Đời sống người dân được cải thiện, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm càng nhiều, điều này cũng đồng nghĩa với lượng rác thải sinh hoạt trong cộng đồng dân cư ngày càng gia tăng. Và khi không có bãi tập kết rác thải công cộng thì chính những con đường, bờ mương, bãi đất trống trong khu dân cư,g cánh đồng trở thành "địa điểm lý tưởng" để tập kết rác thải.

Nỗi lo xử lý rác thải ở nông thôn ở Nghệ An Bài 3: Cần các giải pháp đồng bộ! - Ảnh 1.

Rác ngập đường tràn ra cả bờ đê

Bởi thế, không khó để chúng ta bắt gặp cảnh rác thải tràn ngập khắp nơi tại nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Một bằng chứng khá rõ là dọc trên tuyến Tỉnh lộ 8B, ở các xã Hưng Mỹ, Hưng Tiến, Hưng Thắng (huyện Hưng Nguyên) đủ loại rác thải được người dân vứt bỏ ngổn ngang, chất đống nằm bên đường như một bãi rác tập trung.

Thống kê ở 431 xã, thị trấn của tỉnh Nghệ An, mỗi ngày phát sinh khoảng 700 tấn rác. Hiện nay, trên địa bàn có 2 nhà máy xử lý rác thải lớn gồm Nhà máy xử lý rác thải T-TECH Nghĩa Đàn và Hoàng Mai và Khu xử lý rác thải liên hợp (ECOVI) ở xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc. Việc sử dụng các lò xử lý rác ở các địa phương như huyện Yên Thành cũng đã mang lại hiệu quả, giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Nỗi lo xử lý rác thải ở nông thôn ở Nghệ An Bài 3: Cần các giải pháp đồng bộ! - Ảnh 2.

Kế hoạch bảo vệ môi trường nông thôn đến năm 2025, tầm nhìn 2030 của tỉnh Nghệ An

Nói về những bất cập, hạn chế trong việc xử lý rác thải nông thôn trên địa bàn tỉnh, một lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN&MT Nghệ An) lý giải: Cơ sở để xử lý rác thải còn thiếu và yếu (thiếu số lượng và yếu kỹ thuật). Bên cạnh đó, kinh phí để thu gom, vận chuyển, xử lý rác cũng là vấn đề khó giải quyết, giá thu từ người dân mới chỉ đáp ứng được việc thu gom, còn vận chuyển và xử lý thì chưa thể đáp ứng được. Thêm nữa, phải thừa nhận là sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng chưa đúng mức.

Nỗi lo xử lý rác thải ở nông thôn ở Nghệ An Bài 3: Cần các giải pháp đồng bộ! - Ảnh 3.

Người dân phân loại rác tại gia

"Nếu 3 vấn đề trên mà giải quyết được thì việc siết chặt kỷ cương pháp luật sẽ dễ hơn. Bây giờ hạ tầng kỹ thuật quan trọng mà chưa giải quyết được thì việc siết chặt ở cơ sở cũng rất khó. Năm vừa rồi chúng tôi phối hợp với Văn phòng điều phối Nông thôn mới của tỉnh quyết liệt tập trung thực hiện việc này và hiện nay hiệu quả cũng tương đối rõ rệt", lãnh đạo Chi cục bảo vệ môi trường nhấn mạnh.

Những mô hình hiệu quả

Phân loại, xử lý rác thải tại nhà để giảm gánh nặng rác thải ra cộng đồng, từ hiệu quả các đơn vị điểm đến việc phát triển thành phong trào sâu rộng, Hội LHPN các cấp ở Nghệ An đã góp phần thực hiện tiêu chí môi trường một cách bền vững ở các vùng quê nông thôn mới.

Điển hình như xã Thanh Liên (Thanh Chương), trước đây vấn đề rác thải trở nên nhức nhối khi người dân có thói quen xả rác bừa bãi bên bờ kênh, ven ruộng, ao hồ… gây mất mỹ quan thôn xóm và ô nhiễm môi trường. Để khắc phục tình trạng này, xã đã xây dựng mô hình lò chứa rác tại hộ gia đình do Hội Phụ nữ cơ sở làm nòng cốt. Đến nay, việc phân loại rác thải tại nhà và xử lý rác đã trở thành thói quen của mỗi người phụ nữ trong gia đình. Sau một thời gian triển khai, mô hình đã mang lại cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho địa phương.

Nỗi lo xử lý rác thải ở nông thôn ở Nghệ An Bài 3: Cần các giải pháp đồng bộ! - Ảnh 4.

Mô hình lò chứa rác, phân loại và xử lý rác thải tại gia đình ở xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương

Bà Nguyễn Thị Hoa, người dân xã Thanh Liên, chia sẻ: "Nay đã thành thói quen, nhà tôi luôn có 2 giỏ đựng rác phân hủy và không phân hủy. Hố rác ủ phân bằng chế phẩm hatimic được xây dựng để xử lý rác hữu cơ, giúp gia đình có thêm nguồn phân xanh phục vụ cho khu vườn mẫu. Rác thải nhựa được gom, đem bán nên lượng rác phải đưa ra bãi rác tập trung không còn đáng kể. Tạo được thói quen phân loại và xử lý rác nên nhà cửa, vườn tược gọn gàng, sạch sẽ".

Chị Phạm Thị Hợi, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Liên, cho biết: "Việc xây dựng hố xử lý rác thải tại gia nhằm hạn chế vứt rác thải bừa bãi và giảm tải cho các bãi rác tập trung, xã phát động phong trào nhân dân tích cực xây lò chứa rác, phân loại và xử lý rác thải tại gia đình. Thông qua mô hình, nhiều xã đã hạn chế được lượng rác phát sinh ra môi trường".

Mô hình thu gom và xử lý rác thải ở xã Nam Xuân (Nam Đàn) được đánh giá mang lại hiệu quả cao. Năm 2012, xã đã đầu tư xây dựng các bể bê tông chứa rác dọc theo tuyến giao thông nội đồng khắp 12 xóm để tiện cho người dân bỏ những chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Bể chứa có cấu tạo như các ống cống bằng xi măng, cao khoảng 1,5m, đường kính rộng khoảng 80cm; bình quân kinh phí mỗi bể là 230.000 đồng.

Nỗi lo xử lý rác thải ở nông thôn ở Nghệ An Bài 3: Cần các giải pháp đồng bộ! - Ảnh 5.

Rác thải sinh hoạt được người dân thu gom chờ đơn vị đến lấy

Mỗi cánh đồng bố trí 1 hố nằm tại các vị trí trung tâm. Xã hỗ trợ trên 200 nghìn đồng/hố, bà con đóng góp 18.000 đồng/khẩu/năm, tương đương 1.500 đồng/tháng. Ngoài ra xã còn hỗ trợ xây mới 1.532 hố rác 2 ngăn cho các hộ dân (chiếm 95% số hộ). Để vận chuyển lượng rác thải khó đốt trong sinh hoạt và rác thải hóa chất ngoài đồng, xã quy hoạch bãi rác tập trung quy mô 1.500m2 tại xứ đồng Lùm Băng (vùng trước đây quy hoạch lò gạch thủ công) với tổng vốn đầu tư 134 triệu đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 40 triệu đồng, còn lại là nguồn ngân sách địa phương và dân đóng góp.

Đến nay, toàn xã Nam Xuân đã xây dựng 166 hố rác ngoài đồng, 100 hố rác tại gia (tập trung chủ yếu ở xóm 7, xóm 10 ). Đặc biệt, khi bãi rác tập trung hoàn thiện và đi vào hoạt động đã góp phần giảm tải lượng rác thải, đem lại cho xã một diện mạo mới, đường làng, ngõ xóm phong quang sạch sẽ…

Việc thu gom và xử lý rác thải ở nông thôn sẽ không quá khó nếu chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc, đưa ra các chủ trương, giải pháp tích cực, đồng bộ. Trong 19 tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới, có nhiều tiêu chí phải dựa vào sức dân, trong đó có tiêu chí về môi trường. Bởi vậy, để hoàn thành tiêu chí này là việc không hề dễ dàng với chính quyền các địa phương. Khi ý thức tự giác của người dân chưa cao thì vấn đề vệ sinh môi trường vẫn đang là một trở ngại lớn trong việc xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn