Theo bà Nguyễn Việt Huệ: Các doanh nghiệp, đặc biệt là Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ (DNVVV-PNLC), sử dụng nhiều lao động nữ đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, giảm đói nghèo, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo Chỉ số Nữ doanh nhân của Mastercard (MIWE) được công bố vào năm 2020, Việt Nam xếp thứ 23 trên tổng số 58 quốc gia được chọn để đánh giá về tỉ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, phụ nữ sở hữu 26,5% tổng số doanh nghiệp, tương đối cao so với các nước trong khu vực. Ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tập trung nhiều nhất ở các ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, chiếm khoảng 75%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 14,6%; khoa học công nghệ là 7,3%. Có thể nhận thấy, trong lĩnh vực kinh tế, việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ trong kinh tế chính là động lực cho phát triển bền vững và phát huy sức sáng tạo, thế mạnh, khả năng cạnh tranh và tăng trưởng cho doanh nghiệp.
Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để phát triển DNVVV-PNLC, thông qua các khung pháp lý toàn diện tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia nền kinh tế rộng mở hơn. Trong đó Luật Bình đẳng giới có rất nhiều quy định bảo vệ phụ nữ mà không phổ biến ở các nước khác trong khu vực hoặc trên thế giới như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ nói chung; chính sách ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi số theo pháp luật về hỗ trợ DNNVV; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội ban hành tháng 6/2017.
Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DNNVV-PNLC đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động bởi đại dịch Covid-19. Điều này đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc doanh nghiệp phải thay đổi và thích ứng. Vì vậy, nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.
Nắm bắt được thực trạng và nhu cầu của doanh nghiệp, trong các năm 2022-2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai các nội dung hỗ trợ về đào tạo, tư vấn về chuyển đổi số, giải pháp về chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số theo các quy định tại Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV. Trong đó, nội dung đặc biệt được chú trọng là công tác hỗ trợ đào tạo về chuyển đổi số cho DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến do nữ làm chủ, DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ
Đến nay, có khoảng 28% DNNVV-PNLC thực hiện một hoặc nhiều hình thức "chuyển đổi số" và chưa đến một nửa trong số đó có "kế hoạch chuyển đổi số". Việc thực hiện chuyển đổi số này thường diễn ra nhiều nhất ở các DNNVV-PNLC quy mô vừa, phổ biến ở các doanh nghiệp ở miền Bắc hơn so với ở miền Nam. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số diễn ra tương đối đồng đều giữa tất cả các ngành. Điểm thú vị là có gần 9.000 DNNVV-PNLC đang phát triển các mô hình thương mại điện tử hoặc kinh doanh trực tuyến.
Mặc dù vậy, chuyển đổi số DNNVV-PNLC còn vướng rào cản về việc hạn chế về tiếp cận thông tin hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, chỉ xếp sau rào cản về thời gian cần dành cho gia đình. Họ có ít thông tin về cơ chế hỗ trợ và quy trình phát triển kinh doanh nói chung. Điều này ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch kinh doanh dài hạn và quản lý công việc hàng ngày. Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng có rất ít DNNVV-PNLC tham gia vào các khóa đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực do Nhà nước triển khai.
Cùng với đó, những hạn chế trong việc tiếp cận tài chính và tín dụng; kỹ năng quản lý, tiếp thị và quản trị kinh doanh; thiếu cơ hội đào tạo và nâng cao năng lực dành riêng cho các doanh nhân nữ đang tìm cách cải thiện kỹ năng quản lý; hạn chế về tiếp cận công nghệ cũng được coi là những rào cản khác đối với tăng trưởng của doanh nghiệp.
Với những rào cản đặt ra trong việc chuyển đổi số DNNVV-PNLC, bà Nguyễn Việt Huệ đề xuất một số giải pháp như: (1) Các cơ quan nhà nước, bản thân DNNVV-PNLC cần thực hiện lồng ghép vấn đề Giới vào các Văn bản pháp luật liên quan đến DNNVV, trong đó nên đề cập rõ ràng và hợp lý đến bình đẳng giới; (2) Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ DNNVV-PNLC; (3) Trực tiếp hỗ trợ DNNVV-PNLC phát triển dịch vụ chuyên gia tư vấn gắn với các nhóm trợ giúp và mạng lưới kinh doanh nên được hỗ trợ phát triển; (4) Tăng cường Năng lực và Kiến thức của DNNVV-PNLC; (5) Tăng cường Khả năng Tiếp cận Tài chính của DNNVV-PNLC; (6) Tiếp cận các xu hướng chuyển đổi kép.
DNNVV-PNLC cần bám sát các Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050" và "Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030" đề ra các mục tiêu: Giảm thiểu cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn