Rất ít lao động Việt ở nước ngoài tham gia BHXH

11:12 | 19/09/2016;
Chị Nguyễn Hồng Oanh, đi làm giúp việc gia đình ở Saudi Arabia từ đầu năm 2016. Chị khá ngạc nhiên khi được hỏi về quyền lợi đóng BHXH bắt buộc của mình. “Tôi không biết là mình được đóng BHXH khi đi lao động xuất khẩu, cũng không được công ty phổ biến".
lao-dong-viet-o-nuoc-ngoai.jpg
 Tỷ lệ rất nhỏ người lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động có tham gia bảo hiểm xã hội để đảm bảo an sinh cho chính mình trong tương lai.

Theo Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), hiện nay chỉ có khoảng 3.500 lao động Việt làm việc ở nước ngoài có tham gia BHXH bắt buộc. Trong khi đó, theo Cục quản lý lao động ngoài nước, riêng 8 tháng đầu năm 2016,  tổng số lao động Việt đi làm việc ở nước ngoài lên gần 77.000 lao động (có gần 29.000 lao động nữ). Như vậy, số lao động Việt tham gia BHXH bắt buộc là rất nhỏ so với tổng số lao động Việt đang làm việc ở nước ngoài.

Chị Nguyễn Hồng Oanh, đi làm giúp việc gia đình ở Saudi Arabia từ đầu năm 2016. Chị khá ngạc nhiên khi được hỏi về quyền lợi đóng BHXH bắt buộc của mình. “Tôi không biết là mình được đóng BHXH khi đi lao động xuất khẩu, cũng không được công ty đưa đi phổ biến gì”, chị Oanh cho biết.

Theo quy định của Luật BHXH có hiệu lực từ 1/1/2016, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cục quản lý lao động ngoài nước đã có công văn 2590 (29/12/2015) hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện về BHXH bắt buộc đối với lao động nước ngoài. Trong đó nêu rõ: đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài; với doanh nghiệp trúng thầu có đưa lao động đi làm ở nước ngoài; với doanh nghiệp đưa lao động đi theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề; và theo hợp đồng cá nhân.

Mức đóng và phương thức đóng BHXH bắt buộc với người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng khá linh hoạt. Cụ thể, có thể đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng/lần hoặc đóng trước 1 lần cho cả quãng thời gian đi lao động. Người lao động có thể đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm tại nơi cư trú trước khi đi lao động hoặc đóng qua doanh nghiệp đưa đi xuất khẩu lao động.

Các trường hợp đi lao động nước ngoài đóng BHXH bắt buộc chỉ thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất (trừ lao động đi theo hợp đồng doanh nghiệp trúng thầu, hoặc có đầu tư ra nước ngoài có đưa lao động đi làm việc là đóng BHXH bắt buộc với đầy đủ chế độ BHXH).

Phần lớn lao động đi làm việc nước ngoài chỉ hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội, khẳng định: các chế độ hỗ trợ khác như tai nạn lao động, ốm đau đã được thực hiện theo chế độ tại nước sở tại. Còn chế độ tử tuất và hưu trí nhằm đảm bảo cuộc sống sau này của người lao động. Nhất là khi họ hết độ tuổi lao động trở về nước vẫn đảm bảo cuộc sống.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn