“Rau bẩn” vào trường, phụ huynh bức xúc

17:05 | 19/01/2016;
Nhiều phụ huynh bức xúc trước thông tin hàng trăm kg rau củ quả và thịt không rõ nguồn gốc vận chuyển vào các trường mầm non và tiểu học quận Tây Hồ (Hà Nội).

Phụ huynh mong con được chăm sóc tốt ở trường học - Ảnh minh họa: Bích Ngọc

Rạng sáng 14/1, Đội 4 Phòng cảnh sát môi trường Công an Thành phố Hà Nội phối hợp với lực lượng thanh tra Sở Nông nghiệp Hà Nội phát hiện lô thực phẩm không rõ nguồn gốc. Số thực phẩm được Công ty Trung Thành thu gom từ chợ đầu mối Vân Nội, Đông Anh, sau đó sơ chế và “đội lốt” thực phẩm sạch để cung ứng cho các nhà trường.

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết: Phòng đã họp với các trường mầm non để nghe báo cáo lại vấn đề. Đồng thời, chấn chỉnh rà soát lại tất cả các nguồn cung cấp thực phẩm.

Trước khi ký hợp đồng cung ứng thực phẩm với Công ty Trung Thành (thôn Đầm, xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội), các nhà trường đã kiểm tra rất kỹ các thông tin cần thiết để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo đó, Công ty Trung Thành có 2,5 ha trồng rau củ quả. Đơn vị này cũng có giấy phép kinh doanh thời hạn đến tháng 10/2016, có chứng nhận đảm bảo là đơn vị sản xuất, cung ứng thực phẩm sạch, là doanh nghiệp có mã số, có đóng thuế.

Giáo viên, phụ huynh và lãnh đạo nhà trường cũng đã xuống tận cơ sở sản xuất của Công ty Trung Thành để kiểm tra thực tế. Quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nêu rất rõ các nhà cung cấp phải viết cam kết và công ty Trung Thành cũng đã làm việc này. Nhưng khi thực hiện, công ty Trung Thành đã làm không đúng theo cam kết đã viết.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội cho hay: Trong vụ việc này, các trường cũng chỉ là các nạn nhân. Các cơ quan chức năng điều tra làm rõ những hành vi sai trái của Công ty Trung Thành, xử lý nghiêm để làm gương cho các đơn vị khác.

Trước vụ việc này, chị Nguyễn Thúy Hằng, một phụ huynh ở quận Tây Hồ bày tỏ: Cần xử lý nghiêm những người "đánh tráo" rau sạch với rau bẩn để đưa vào các trường học. Tôi thấy, hiện nay, việc quản lý các đơn vị cung cấp rau an toàn còn lỏng lẻo. Ví dụ khi ra chợ, nhiều gói rau chỉ được bỏ trong túi nilong, miệng túi để mở, bên ngoài in nhãn rau an toàn, nhưng đó có phải là rau an toàn không thì không biết. Vì thế, các cơ quan chức năng cần có quy định dán nhãn, niêm phong rau an toàn, có chế tài xử phạt những người đánh tráo rau, làm ăn không thật thà hoặc bất kỳ ai tiếp tay cho hành vi sai trái này phải bị xử lý hình sự vì tội xâm phạm sức khỏe người khác chứ không thể chỉ xử phạt hành chính.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn