Rau hữu cơ cháy hàng

16:22 | 04/06/2016;
Những vùng trồng rau hữu cơ (không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật) luôn không có đủ hàng bán.
Chị Bùi Thị Dung trưởng nhóm sản xuất rau hữu cơ ở xóm Đầm Đa 1, xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) vào những ngày này quay như chong chóng. Hết liên hệ với khách hàng, tập kết hàng, rồi giao hàng cho mọi người, chị không còn thời gian nghỉ. Công việc bận rộn là vậy, nhưng chị cảm thấy rất vui vì việc làm của mình góp phần mang đến sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. 

Chị Dung làm trưởng nhóm sản xuất rau hữu cơ đã được 8 năm. Nhóm của chị có hàng trăm chị em người Mường khác cùng sản xuất rau. Chị không giấu được niềm tự hào: "Cái hay nhất của mô hình này là luôn cháy hàng. Các cá nhân, công ty ở Hà Nội lấy hàng rất đều và vui nhất với nhà nông là giá rau luôn ổn định". Giá rau do tổ hợp xuất đi luôn cao gấp 5 lần so với ngoài chợ. Giá bán tại vườn hiện tại là 17.000đ/kg. Giá bán cao là song hành với những tiêu chuẩn cao đặt ra cho người làm rau.
20160413_113433.jpg
Mô hình sản xuất rau hữu cơ ở Hợp Hòa đã mang lại thu nhập cao cho người trồng rau.
Theo chị Dung, làm rau hữu cơ vất vả hơn rất nhiều so với việc trồng các loại rau khác. Nó phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định như: Đất trồng phải là đất sạch, tức là trước khi trồng phải mang đất đi xét nghiệm. Đất đủ tiêu chuẩn là không ô nhiễm, không có hàm lượng kim loại vượt ngưỡng hay độ chua của đất cũng phải đảm bảo. Tiếp đó là nguồn nước tưới cũng phải đảm bảo sạch. Trước khi trồng rau phải trồng hàng rào thực vật thu hút thiên địch của rau. Phân bón cho rau chỉ dùng loại phân giun quế và mùn đã ủ hoại mục.
20160508_172657.jpg
Rau hữu cơ phải thực hiện nghiêm tiêu chuẩn 4 không: Không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc kích thích và không thuốc bảo quản.
Trong suốt quá trình chăm rau, người làm phải thực hiện 4 không: Không sử dụng bất cứ một loại phân hóa học nào cũng như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không chất kích thích và không chất bảo quản. "Cứ 5 giờ sáng là chị em phải dậy bắt sâu cho rau. Nếu không bắt sâu, chúng sẽ sinh sôi rất gớm, mình không giữ nổi luống rau. Việc này mà lơ là một hai ngày là không có thu", chị Dung cho biết. 

Do tuân thủ nghiêm ngặt quá trình trồng rau hữu cơ, nên sản phẩm của các tổ hợp sản xuất rau hữu cơ ở Lương Sơn luôn đắt khách. Tính chung cả huyện Lương Sơn cũng chỉ trồng được 20ha rau hữu cơ, mỗi năm cung cấp khoảng 200 tấn ra thị trường. Việc sản xuất của các nhóm luôn không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo tính toán của chị Dung, một 1ha trồng rau hữu cơ, 1 năm có thể cho thu từ 500-600 triệu đồng. Tuy nhiên, nó cũng "ngốn" rất nhiều công lao động trong việc chăm sóc. Chị chia sẻ, rau hữu cơ ăn bao giờ cũng ngon và đậm hơn so với các loại rau khác vì thời gian sinh trưởng dài hơn. 
20160413_112946.jpg
Trồng rau hữu cơ, sáng sớm người trồng phải đi vạch lá bắt sâu.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn