Rau sạch được các cửa hiệu giải thích rằng đó là rau được các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn do cửa hiệu yêu cầu để đảm bảo “sạch”, với các yếu tố: Không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khi bán đến tay người tiêu dùng; không sử dụng chất kích thích tăng trưởng; không sử dụng các loại giống biến đổi gene… Còn trái cây sạch thì bao gồm 2 loại: Loại có nguồn gốc nhập khẩu từ các nước có nền nông nghiệp phát triển như Úc, New Zealand, Mỹ, Canada...; Loại được trồng tại các nhà vườn trong nước và đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn tương tự như rau sạch.
Phục vụ khách hàng mọi lúc mọi nơi, sẵn sàng giải đáp để tháo gỡ các thắc mắc… nhiều cửa hiệu rau, quả sạch đã nhanh chóng phát triển lượng khách hàng. Ảnh minh họa: internet
Trước đây, trong khi các loại trái cây sạch nhập khẩu mặc dù thị trường khá hạn hẹp, nguồn hàng cũng không thật phong phú, nhưng lại được thị trường “tín nhiệm” và có những “kênh” khách hàng riêng khá “trung thành” – bao gồm chủ yếu là những người có thu nhập khá trở lên, với lượng tiêu thụ ổn định, thì thị trường rau sạch lại khó xác lập một kênh tiêu thụ ổn định. Nguyên nhân chính, theo nhiều người kinh doanh loại sản phẩm này, là do thông tin cung cấp cho khách hàng không đầy đủ; các hình thức tiếp thị, truyền thông không hiệu quả; có sự trà trộn, “đánh lận con đen” ở một số mặt hàng... khiến số đông người tiêu dùng chưa cảm thấy tin tưởng. Đối với mặt hàng trái cây có xuất xứ trong nước cũng vậy, các sản phẩm không đảm bảo “sạch” bán lẫn với trái cây sạch, thậm chí giá trái cây sạch nhiều khi phải bán với giá thấp hơn trái cây “không sạch”, do người tiêu dùng chưa hiểu đúng, đánh giá đúng giá trị các loại sản phẩm.
Chị Cẩm Nhung, chủ một cửa hiệu trái cây sạch (trên đường 30/4, P. 25, Q. Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, một trong những nguyên nhân khiến mặt hàng này gần đây dễ tiêu thụ hơn, thậm chí hàng nhập về không đủ bán cho khách, là nhờ nhiều cửa hiệu rau, quả sạch áp dụng nhiều cách thức để tác động trực tiếp tới đối tượng khách hàng tiềm năng. Đơn cử như cửa hiệu của chị, việc đầu tiên là gửi các thông điệp về những sản phẩm của mình tới những bạn bè, người quen qua hệ thống mạng xã hội vốn kết nối từng ngày từng giờ. Kế đến, chị thường xuyên liên lạc với các khách hàng tiềm năng để thông báo về các mặt hàng sắp xuất hiện trên kệ, nói rõ nguồn gốc xuất xứ và các đặc tính ưu việt... Qua đó, kêu gọi số khách hàng tiềm năng này đặt hàng. “Các sản phẩm trái cây sạch của tôi đều được đặt trồng tại các nhà vườn ở Đồng Nai, Đăk Lăk, miền Tây... theo quy trình kỹ thuật mà chúng tôi đưa ra. Chúng tôi thường xuyên cử người tới các nhà vườn để kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm đều đạt yêu cầu. Do đảm bảo về chất lượng và độ an toàn, nên mặc dù sản phẩm của chúng tôi đắt hơn vài chục phần trăm so với các sản phẩm “loại thường”, nhưng khách hàng rất yên tâm, hàng nhập về đến đâu bán hết đến đó. Lượng khách hàng trong 1-2 tháng gần đây cũng đã tăng gấp 2-3 lần” - chị Nhung cho biết.
Cũng với phương thức thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với khách hàng trên mạng xã hội, tổ chức dịch vụ chuyển hàng đến tận nhà, phục vụ khách hàng mọi lúc mọi nơi, sẵn sàng giải đáp để tháo gỡ các thắc mắc của khách hàng và kèm các hình thức tư vấn về chế độ dinh dưỡng, phương pháp chế biến... nên nhiều cửa hiệu rau, quả sạch ở TPHCM đã nhanh chóng phát triển lượng khách hàng. Vấn đề còn lại là họ phải tạo thêm nguồn hàng cho phong phú, đa dạng về chủng loại và duy trì bền vững chất lượng sản phẩm để giữ uy tín với khách hàng.