Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) là vùng đất sâu hút giữa đại ngàn Trường Sơn, đời sống của đồng bào Ma Coong (dân tộc Bru -Vân Kiều) còn nhiều khó khăn. Từ xa xưa, người đồng bào dân tộc Ma Coong luôn coi măng rừng là món quà do mẹ thiên nhiên ban tặng, là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người họ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sản lượng măng rừng tự nhiên ngày càng giảm do sự khai thác không đi đôi với bảo tồn, chăm sóc, vì vậy một thách thức đặt ra với chính quyền địa phương là làm thế nào để hỗ trợ đồng bào vừa giữ gìn những giá trị đời sống tốt đẹp vừa giúp phát triển bền vững tài nguyên rừng, tạo ra các giá trị sản phẩm từ rừng tự nhiên.
Kỳ vọng tạo sinh kế lâu dài, bền vững cho bà con, chính quyền xã Thượng Trạch đã thành lập Hợp tác xã Cà Roòng, đầu tư máy móc sản xuất, sấy ép, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng bao bì, nhãn mác nâng cao giá thành. Với sứ mệnh phát triển bền vững tài nguyên rừng, tạo ra các giá trị sản phẩm từ rừng tự nhiên, hỗ trợ cho người đồng bào Ma Coong tại xã Thượng Trạch tham gia cung ứng nguyên liệu và tạo ra thu nhập, từng bước xây dựng thương hiệu các sản phẩm từ rừng tự nhiên của người Ma Coong đến với người tiêu dùng.
Là thành viên của Hợp tác xã Cà Roòng, bà Y Buốt (trú tại bản Nịu, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Trước đây bà con trong bản thường vào rừng để hái măng về phục vụ bữa ăn hàng ngày nhưng từ khi có Hợp tác xã thu mua măng rừng đem về phơi sấy, tạo sản phẩm ngon, sạch đưa về miền xuôi bán nên chúng tôi chăm đi hái măng về bán cho Hợp tác xã lắm".
Còn ông Đinh Tiếng (trú tại bản A Ky, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch) thì chia sẻ: "Từ khi hợp tác xã Cà Roòng được thành lập, tạo liên kết cho các hộ dân trong bản làm kinh tế từ măng rừng, từ đó, việc hái măng về không còn để ăn no cái bụng mà chúng tôi bán cho hợp tác xã kiếm tiền trang trải cuộc sống".
Cũng theo ông Tiếng, bà con trong bản tham gia vào Hợp tác xã sẽ được chia thành các nhóm: Khai thác măng rừng; sơ chế; đóng gói... để tạo ra sản phẩm xuất ra thị trường.
Bà con trong nhóm khai thác, từ sáng sớm đã rủ nhau đi hái măng rừng. Một ngày, có gia đình hái được hơn 100 kg măng rừng, sau đó, mang về bán cho Hợp tác xã với giá 4.000 đồng/kg măng tươi, 400.000 đồng/kg măng khô, thu về gần 500.000 đồng/ngày.
Sản phẩm măng khô Thượng Trạch là món ăn rất riêng và độc đáo ở địa phương này, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh với tên gọi măng khô Cà Roòng.
Ông Đinh Tiếng (trú bản A Ky, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch) cho biết, trước đây, việc hái măng rừng chỉ phục vụ bữa ăn hàng ngày, nhưng từ khi Hợp tác xã Cà Roòng được thành lập, thu mua măng rừng về chế biến tạo ra sản phẩm ngon, sạch đưa về miền xuôi bán thì bà con chăm chỉ đi hái măng hơn. Ông Đinh Tiếng phấn khởi, măng rừng đem lại thu nhập khá cho bà con đồng bào nơi biên giới.
Trao đổi với phóng viên, ông Định Cu - Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch cho biết: "Thượng Trạch hiện có 692 hộ dân với 3.11 nhân khẩu, trong đó người Ma Coong chiếm 98%. Từ xa xưa măng rừng đã trở thành đặc sản không thể thiếu trong bữa ăn của bà con nơi đây. Qua nghiên cứu, xác định lợi thế của địa phương, mong muốn tạo kế sinh nhai lâu dài cho bà con dân tộc, chính quyền địa phương đã quyết định thành lập Hợp tác xã Cà Roòng để chế biến măng, đầu tư máy móc sản xuất, sấy ép, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng bao bì, nhãn mác nhằm nâng cao giá thành. Bước đầu đã có những tín hiệu tích cực".
Nói về quy trình sản xuất măng, ông Cu cho biết, sau khi thu mua măng rừng của bà con trong bản, Hợp tác xã Cà Roòng đem về phơi sấy, tạo ra sản phẩm "Măng khô rừng Cà Ròong" với tiêu chí ngon, sạch rồi đưa về miền xuôi, bán cho các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch.
Nói về hiệu quả từ mô hình sản xuất măng khô, ông Nguyễn Cẩm Long – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch cho biết: "Mô hình măng khô rừng Cà Roòng là hướng đi mới cho bà con đồng bào Ma Coong vùng biên giới Quảng Bình, góp phần hỗ trợ sinh kế, hưởng ứng Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn