"Biết là giá cả hàng hóa đang trên đà tăng giá nhưng mỗi lần đi chợ thanh toán tiền tôi đều không khỏi ngỡ ngàng. Hôm thì cô em hàng rau thẽ thọt, hôm nay rau cải tăng giá lên 18.000 đồng/kg chị nhé. Hôm thì chị hàng thịt thông báo, thịt heo đợt này tăng giá 30.000 đồng/kg rồi đấy, cô mua nhiều để tủ lạnh ăn dần, không mấy nữa giá lại lên tiếp"- chị Minh Thu (Hà Nội) chia sẻ.
Chị Thu tâm sự thêm, khu nhà chị thuộc quận Ba Đình, là quận trung tâm của thành phố Hà Nội, nên giá cả hàng hóa luôn đắt hơn vài giá so với các khu chợ vùng ven, vùng ngoại ô. Với 6 miệng ăn đều trong độ tuổi đi học, đi làm, trung bình mỗi ngày chị đi chợ hết khoảng 300.000 đồng. "Đấy là cũng co kéo lắm, chỉ dám mua những thực phẩm bình dân quen thuộc. Với đà tăng giá như hiện tại, tôi cũng cố điều chỉnh thực đơn, nhưng luôn đau đầu với định mức ngân sách dành cho việc đi chợ".
Thực tế, thị trường thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng tại Hà Nội đã qua nhiều lần điều chỉnh giá bán kể từ đầu năm đến nay. Trong đó, hầu hết các mặt hàng đều điều chỉnh theo xu hướng tăng.
Cụ thể, rau xanh các loại điều chỉnh tăng từ 5.000 đồng – 7.000 đồng/kg, hiện trung bình ở mức 18.000 đến 25.000 đồng/kg. Thịt lợn đang ở mức 120.000 - 150.000 đồng/kg, đắt hơn từ 30.000 - 50.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm. Gà công nghiệp làm sẵn ở mức 75.000 đồng – 80.000 đồng/kg; gà ta làm sẵn từ 180.000 đồng/kg. Giá các mặt hàng thủy hải sản như tôm, mực, cá biển… cũng tăng từ 30.000 đồng tới 70.000 đồng/kg. Ví dụ, tôm sú hiện có giá 280.000 đồng – 370.000 đồng/kg, tăng nhiều so với thời điểm cách đây khoảng 2 tháng (giá bán từ 220.000 đồng – 280.000 đồng/kg).
Giá các loại thực phẩm tăng cao không chỉ tác động trực tiếp đến bữa cơm hàng ngày của mỗi gia đình, mà những người bán hàng ăn, cũng phải đau đầu tính toán mức giá để có thể giữ chân khách hàng. Chị Nguyễn Thị Trà (quán cơm bình dân tại Q. Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, bình thường chị bán một suất cơm văn phòng giá 30.000 đồng. Dù mặt hàng nào cũng tăng giá, từ mắm muối, dầu ăn đến thực phẩm tươi sống, chị cũng chỉ dám tăng giá lên 35.000 đồng/suất. Nếu tăng giá lên 40.000 đồng hoặc cao hơn thì mất khách ngay.
Tương tự, chị Thanh Uyên (Bếp cô Uyên) cho biết, chị đang bán món vịt quay Bắc Kinh. Chị chọn loại vịt ngon làm nguyên liệu, chỉ tính tiền lấy vào đã 220.000 đồng/con; sau khi quay thành phẩm, bán ra kèm các loại nước sốt, rau thơm, rau củ muối chua ăn kèm, thì với giá 280.000 đồng/con, chỉ đủ lấy công làm lãi.
Giá thực phẩm, hàng hóa tăng chóng mặt khiến nhiều người nội trợ xoay sở, tìm kiếm những nguồn cung cấp phù hợp hơn so với mua tại siêu thị hay chợ. Chị Nguyễn Thanh Chi (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, quê nhà chị ngay huyện Thường Tín, nhà lại có sẵn vườn trồng rau, nuôi gà nên chị thường tranh thủ cuối tuần về quê thăm bố mẹ, hái rau và đi chợ quê mua thịt, cá, trứng… để mang lên thành phố sử dụng trong tuần.
Đặt mua thực phẩm gửi từ quê ra cũng đang trở thành "mốt" của nhiều chị em văn phòng hay các hộ gia đình sống ở chung cư tại Hà Nội.
Chị Thảo Hương (khu đô thị Linh Đàm) chia sẻ, trong khu chung cư của gia đình chị có rất nhiều người quê ở các vùng khác nhau, nên thường rủ nhau gom đơn hàng để đặt mua từ quê. Ví dụ, chị quê ở Thái Bình sẽ nhận mua hải sản, chị khác quê ở Hà Nam đặt mua thịt lợn, người quê Phú Thọ đặt mua gà đồi… Nếu nhiều người cùng mua, có thể mua được với giá bán sỉ và tiền phí vận chuyển sẽ không bị đội lên quá cao.
"Đôi khi, chúng tôi còn đặt cả con lợn hay con dê, thuê người nhà ở quê giết mổ, làm sạch sẽ, đóng túi hút chân không để chia cho các nhà. Gom nhau mua chung thực phẩm từ quê vừa được ăn đồ ngon mà quan trọng hơn là giá rẻ hơn so với mua tại Hà Nội, phần nào tiết kiệm chi tiêu trong thời điểm giá cả tăng cao như hiện tại"- chị Thảo Hương nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn