Theo Bộ Y tế, những ngày giá rét, con người có thể gặp một số vấn đề sức khỏe, dễ mắc các bệnh như cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cúm, đột quỵ, ngộ độc khí than do sưởi ấm, đun nấu. Trước tình hình đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp dự phòng phù hợp.
Theo đó, để dự phòng lạnh, người dân cần hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh. Trường hợp phải ra ngoài, người dân nên mặc đủ ấm, luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt, nhất là vùng cổ, tay, chân để hạn chế các bệnh do cảm lạnh…
Những người phải làm việc nặng trong thời tiết giá lạnh cần giữ ấm cơ thể và làm việc với cường độ chậm; giữ người, tay chân khô ráo, tránh ẩm ướt…; đeo khẩu trang trong khi làm việc để bảo vệ đường hô hấp. Khi ra ngoài trời lạnh, nhất thiết phải mặc ấm, nhất là giữ ấm cổ và ngực. Trong lúc lao động, nếu thấy người nóng lên thì nên cởi bớt áo dần dần; bổ sung lượng tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin nhiều hơn so với những mùa khác nhằm tăng cường nhiệt lượng cho cơ thể chống rét. Đồng thời, bổ sung Vitamin A, vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Đối với những người mắc các bệnh tim mạch, các bệnh hô hấp mạn tính, cơ xương khớp cần tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý, rèn luyện thân thể, tập thể thao thường xuyên giúp làm ấm cơ thể.
Ngoài ra, người dân hạn chế tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than; không nên uống rượu, bia vì uống rượu càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong. Không nên tắm sau 22 giờ, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt.
Thời gian qua, đã có nhiều trường hợp phải cấp cứu do dùng than củi sưởi ấm trong phòng kín. Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín. Nếu thời tiết quá lạnh, buộc phải sử dụng than thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, mở hé cửa và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức.