Chị Nguyễn Hiền (36 tuổi, ngụ TPHCM) cho biết, vì cần việc làm linh hoạt thời gian để có thể chăm con nhỏ nên chị đã lên mạng tìm kiếm thông tin việc làm. Sau đó, chị được giới thiệu công việc cắt mác quần áo. "Đây là công việc rất đơn giản. Chỉ cần cắt theo đường chỉ có sẵn trên tem mác", chị Hiền được mời chào và được hứa hẹn thu nhập có thể từ 7 triệu đến 14 triệu đồng/tháng nếu chăm chỉ.
Trước khi nhận tem mác về nhà để làm, chị được yêu cầu gửi một số thông tin cá nhân và chuyển khoản trước 500.000 đồng để đặt cọc. Nhiều ngày sau khi chuyển khoản, chị Hiền mới biết mình bị lừa do không nhận được hàng và khi liên lạc lại với tải khoản Facebook trước đó thì cũng bị chặn.
Nắm bắt được tình hình sau Tết Nguyên đán, nhiều nhà máy bị giảm đơn hàng, các đối tượng đã bày ra chiêu lừa "bao đậu phỏng vấn" vào các nhà máy có lương, chế độ tốt. Nhiều công nhân ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… đã tin và bị lừa tiền.
Cụ thể, các đối tượng đã mạo danh nhân viên phụ trách tuyển dụng lao động ở các công ty, yêu cầu người lao động chuyển chi phí "cà phê" từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, thậm chí nhiều triệu đồng với lời hứa đảm bảo "chắc suất đậu phỏng vấn". Tuy nhiên, sau khi người tìm việc chuyển tiền xong thì các đối tượng liền chặn liên lạc, khóa tài khoản Facebook.
Theo các chuyên gia về lĩnh vực lao động việc làm, trong tình hình hiện nay, người tìm việc phổ thông cần hết sức tỉnh táo trước những tuyển dụng "việc nhẹ lương cao", "bao đậu phỏng vấn"… Khi tìm việc làm trên các nền tảng trực tuyến, người lao động nên truy cập vào những trang thông tin chính thống của đơn vị cung ứng dịch vụ việc làm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố hoặc vào trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ thông tin về nhà tuyển dụng thông qua địa chỉ trụ sở công ty, số điện thoại liên hệ, gặp trực tiếp ở công ty để liên hệ, phỏng vấn. Người lao động cần lưu ý rằng, hầu hết các nhà tuyển dụng không thu phí cũng như không yêu cầu ứng viên phải "đặt cọc" tiền để giữ chỗ làm dưới bất kỳ hình thức nào.
Việc người lao động trúng tuyển vào một vị trí nào đó phụ thuộc vào trình độ, tay nghề, sức khỏe… Do vậy, không nên tin vào những lời hứa hẹn trên mạng xã hội để rơi vào tình cảnh "tiền mất tật mang". Trong trường hợp bị lừa đảo thì người tìm việc cần mạnh dạn đứng ra tố cáo, gửi bằng chứng đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ; chặn đứng "vòi bạch tuộc" của những kẻ lợi dụng nhu cầu tìm việc làm chính đáng của người lao động để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn