Đá xếp chồng hay còn gọi là cân bằng đá là trào lưu tồn tại từ khá lâu. Những hình ảnh tưởng chừng ảo diệu nhờ công nghệ chỉnh sửa nhưng thực tế chúng được xếp từ các hòn đá, viên sỏi lại với nhau. Chúng gắn kết với nhau mà không cần sự trợ giúp của chất keo dính nào. Theo những người theo đuổi thú vui này, họ dựa trên định luật về tính cân bằng của trọng lực mà thôi.
Chính vì nhìn đẹp mắt và đặc biệt như vậy, nên dạo quanh mạng xã hội, bạn sẽ bắt gặp không ít những bức ảnh “sống ảo” ghi lại các chồng đá được xếp lên nhau một cách điêu nghệ. Dĩ nhiên, điều đó thu hút dân du lịch khắp thế giới thực hiện ở bất cứ nơi nào cơ hội, đặc biệt là bờ biển hay con suối.
Rock Balancing - Đá thăng bằng là trào lưu được nhiều người thực hiện trong những năm gần đây. Tuy nhiên, quay ngược thời gian thì đây là hoạt động hoặc nghi thức cổ xưa. Không có tài liệu nào cho biết ai là người đã khởi xướng hoạt động này nhưng xếp chồng đá được cho là có từ thời thượng cổ.
Có khá nhiều người theo đuổi bộ môn Rock Balancing này ở thời đại hiện nay, chẳng hạn như Andy Goldsworthy, Michael Grab,...
Bằng cách cân bằng nội tuyến của một tảng đá, một viên sỏi, đây có thể là bước nhập môn cho những người theo đuổi trào lưu cân bằng đá.
Phong cách này có kỹ thuật nâng cao một chút và mở ra các độ cao khác nhau của chồng đá. Những viên đá bên dưới cùng phụ thuộc vào trọng lượng của những gì đặt lên trên chúng để giữ được sự cân bằng. Phong cách đối trọng này được chia làm hai loại. Loại đầu tiên là đối trọng nội tuyến, nghĩa là hai viên đá sẽ tiếp xúc nằm trong một trục. Kiểu thứ hai là các điểm tiếp xúc chạm vào nhau và cách xa nhau một cách rõ ràng. Nghe có vẻ hơi phức tạp, nhưng các điểm tiếp xúc được dịch chuyển theo cấu trúc tuyến tính. Nếu bạn hợp nhất được cả hai kiểu trên, bạn sẽ có được “Twister” hoặc “S-balance”.
Vòm đá cổ điển chính là một cách xây dựng cổ xưa bằng đá, và cho đến nay bạn khó có thể tìm được kiến trúc này tại đâu nếu không có keo dính. Để xây dựng vòm đá, người ta phải đặt một tập hợp các viên đá giữa hai điểm vững chắc, chúng phải rộng hơn khoảng cách giữa hai điểm đó với nhau.
Ngược với vòm đá cổ điển, vòm đá cân bằng này có phần khó khăn hơn. Người ta chỉ dùng tay và đá để tạo vòm, độ nặng nhẹ sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại đá mà người ta sử dụng. Đá càng phẳng và nhám thì càng dễ giữ chúng ở đúng vị trí.
Cọc đá, hay cột đá một số dạng khác còn được gọi là thùng đá được tìm thấy nhiều nơi trên thế giới. Một trong cách sử dụng cột đá này là để đo mặt trời cho thời gian Hạ Chí và Xuân Phân. Chúng được xây dựng cho nhiều mục đích như đánh dấu đường mòn, nghi lễ, xác định vị trí các vật phẩm bị chôn, làm cột mốc hoặc đơn giản chỉ để trang trí.
Các đống đá xếp chồng lên nhau được gọi là tháp đá (cairn), ở khu chôn cất thì chúng cũng được phân loại khác nhau, chẳng hạn như tumuli (gò đá), barrow (mộ đá) và stupa (bảo tháp) - nơi tưởng niệm, cất giữ xá lợi và tro hỏa táng của Đức Phật cùng các vị cao tăng.
Xét về mặt văn hóa, việc xếp đá được ứng dụng nhiều trong quan điểm tâm linh, thẩm mỹ và cách đánh dấu. Mặc dù vậy, không phải lúc nào chúng cũng mang ý nghĩa đúng lúc cho người thế hệ sau.
Bởi nếu tảng đá đặt sai chỗ có thể gây ảnh hưởng và tổn hại cho các hệ sinh thái mỏng manh hoặc vô tình thúc đẩy sự xói mòn đất.
Cột đá đánh dấu một con đường
Trong nhiều nền văn hóa trên thế giới, cột đá được xây dựng bởi dân du mục cho đến các bộ lạc nguyên thủy. Người Mông Cổ cổ đại hay cư dân bản địa Nam Mỹ cùng thường dùng cột đá để làm ký hiệu đánh dấu con đường an toàn. Điều này có lẽ cần thiết với cuộc sống của họ ở những nơi khó phân biệt hướng như sa mạc hay núi tuyết - nơi mà ít cây cối để đánh dấu. Những cột đá này được thấy nhiều trên cao nguyên Tây Tạng, thảo nguyên Mông Cổ và đường mòn Inca trên dãy Andes.
Các tháp đá có kích thước lớn đến cực lớn từng là “hải đăng” cho người dân Bắc Âu, Celtic và Scotland cổ đại.
Đài tưởng niệm, nơi hành hương
Nếu đi sâu vào văn hóa tâm linh, bạn sẽ thấy các tháp đá có vai trò quan trọng với đức tin của các tín đồ. Tháp đá được dùng làm bùa hộ mệnh. Chẳng hạn như trên đường đi bộ dài đến 500 dặm, người hành hương chất đầy những tháp đá hình nón trên đường đến mộ Thánh James.
Đặc biệt hơn nữa, các tín đồ Do Thái giáo thường để lại một viên đá trên bia mộ để tưởng nhớ người đã khuất. Một số nền văn hóa bản địa khác ở vùng Tây Nam nước Mỹ, người ta đặt một viên đá lên tháp đá để nhận năng lượng trẻ hóa bản thân.
Những người đã qua đời cũng được chôn cất dưới những tảng đá, nổi tiếng nhất là vòng tròn đá Clava Cairn ở Scotland. Ngoài ra còn có ngôi mộ lâu đời từ thời kỳ đồ đồng được phát hiện bên ngoài Inverness được bao bọc bởi những tảng đá nguyên khối xếp chồng lên nhau.
Tương tự như vậy, sa mạc Jebel Qurma tại Jordan tìm thấy các gò chôn cất có niên đại 8.000 năm ở “vùng đất của lửa chết” này.
Trang trí
Mọi người đều yêu cái đẹp, người cổ xưa cũng thế. Chẳng hạn như công trình đá Opus 40 nằm sâu trong rừng Saugerties, Mỹ. Với thời gian xây dựng đến hơn 37 năm bởi nhà điêu khắc Harvey Fite, đây được coi là công trình phức tạp có độ khó cao.
Năm 1970, Robert Smithson - nghệ sĩ người Mỹ đã sử dụng đến 6.000 tấn đá bazan đen để tạo ra đê chắn xoắn ốc tuyệt đẹp vẫn giữ được vẻ đẹp sau thời gian dài.
Bên ngoài ngôi làng Arnarstapi ở phía tây Iceland, tượng đài Bárður Snæfellsás của Ragnar Kjartansson là một tảng đá có kích thước bằng một ngôi nhà để tưởng nhớ người nửa người nửa quỷ được cho là người bảo vệ khu vực.
Loại hình cân bằng đá này người ta xếp chồng một lượng lớn các viên đá phẳng lên nhau tạo thành một cấu trúc tròn. Tuy vậy, nhiều hình dạng khác cũng có thể được tạo hình. Bí quyết là chiều rộng cần có sự tương đối giữa các tác phẩm xếp chồng đá.
Tưởng chừng chỉ là vài viên sỏi, hòn đá nhưng theo nhiều nhà sinh thái học, việc thay đổi vị trí những hòn sỏi này dẫn tới thay đổi lớn về môi trường sống của nhiều loài.
Nick Clemann - nhà sinh thái học đến từ Viện khoa học môi trường Arthur Rylah (Úc) nói rằng: “Đây thực sự là một hiện tượng trên toàn cầu. Bất kỳ nơi nào có nhiều đá, người ta lại xếp chúng lại với nhau. Nhưng năm 2019, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về môi trường sống của một số loài vật đang nguy cấp tại những khu vực này. Và kết quả thì thật đáng báo động”.
Như vậy, theo nhà sinh thái Nick Clemann, khi các tảng đá, viên sỏi bị thay đổi vị trí và cách sắp xếp dù ở biển, sa mạc hay bất kỳ đâu thì thứ ảnh hưởng đến không chỉ là cảnh quan. Ngoài tự nhiên, bên dưới những tảng đá, hòn sỏi đó thực chất là môi trường sống của nhiều loài sinh vật.
Và khi con người xáo trộn điều đó chỉ để thỏa mãn đam mê chụp ảnh sống ảo, chúng ta đã lấy đi môi trường sống của nhiều loài, thậm chí cả giống loài ấy rơi vào nguy hiểm.
Clemann cho rằng nghe thì thật vô hại, nhưng nhiều loài đã lấy đá làm nhà, làm nơi trú ẩn trước kẻ thù: “Có những sinh vật sống ở đó, và mọi xáo trộn gây ra sẽ đẩy chúng ra ngoài. Có cả những loài thằn lằn đang trong tình trạng nguy cấp mà chúng tôi đang nghiên cứu. Chúng lấy những tảng đá nhỏ làm nơi sinh sống, việc xếp đá lại khiến nơi ở bị xáo trộn, thậm chí là bị phá hủy hoàn toàn”.
Câu chuyện chưa dừng ở đó. Ngay cả khi con người xếp lại tảng đá hay viên sỏi trên chỗ họ đã lấy đi thì sự xáo trộn đã xảy ra rồi, các loài sinh vật cũng sẽ từ bỏ nơi cư trú của mình. Hơn nữa, sỏi đá bị lấy đi, đất sẽ lộ ra, dễ bị dòng chảy, mưa gió cuốn mất, độ màu mỡ không còn được như trước, thậm chí còn gây ra xói mòn đất.
Hiệp hội sông ngòi Ausable cũng lên tiếng về vấn đề này như sau: “Việc xếp chồng đá có thể gây hiệu ứng hết sức không tốt cho hệ sinh thái của sông và suối - thứ vốn khá nhạy cảm với sự thay đổi”.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng việc lấy đá dưới sông sẽ gây xáo trộn nghiêm trọng hệ thống sinh thái dành cho cá và các loài thủy sinh. Nhiều loài cá đẻ trứng dưới các kẽ đá. Việc di dời những tảng đá sẽ làm thay đổi dòng chảy, khiến trứng bị cuốn trôi làm mồi cho loài khác. Đây chẳng phải là kết cục rất đau lòng hay sao?
Việc chụp ảnh với những chồng đá xếp lên nhau chẳng phải “tội ác” nhưng trào lưu ấy như hiệu ứng cánh bướm. Một du khách có thể không tạo ra sự thay đổi, nhưng hàng nghìn, hàng triệu du khách có hành động như vậy thì môi trường sống của sinh vật sẽ ra sao? Có lẽ mẹ thiên nhiên sẽ không vui vì điều này xảy ra.
Thực tế, nhiều người thực hiện trào lưu này vì họ không ý thức được những gì có thể gây ra cho môi trường. Cũng có người cho rằng, mọi thứ đều có vị trí của nó. Sáng tạo là điều tốt, sáng tạo cho thiên nhiên cũng là điều tuyệt vời, nhưng khi tất cả mọi người sáng tạo một cách không cần thiết thì có lẽ không ổn. Nếu không hiểu, hãy để tự nhiên được yên.
Nguồn: Gravitymeditation, Rhythms of Play
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn