Rối loạn nhịp tim là khi tim đập không đều. Rối loạn nhịp tim không chỉ là tim đập quá chậm hay quá nhanh mà còn bao gồm cả những nhịp không đều.
Có thể là mất một nhịp đập hoặc thêm một nhịp đập trong chu kì tim, hoặc có thể là quá nhanh hoặc quá chậm. Rối loạn nhịp tim thường xảy ra trong im lặng và được phát hiện khi đi khám về một bệnh lý khác.
Rối loạn nhịp tim có thể là tình trạng cấp cứu khẩn cấp hoặc không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Ngoại tâm thu nhĩ: là dạng rối loạn nhịp tim có các nhịp thêm vào các chu kỳ tim. Các điểm xuất phát của nhát bóp thêm vào nằm ở tầng trên của tim hay còn gọi là tâm nhĩ. Đây là những dạng rối loạn không gây hại cho cơ thể và không cần điều trị nếu không có các bệnh lý khác kèm theo.
Ngoại tâm thu thất: đây có thể xem là một dạng rối loạn nhịp tim thường gặp. Đây là những dạng rối loạn nhịp tim có thể cảm nhận được bằng một nhịp hụt khi tim đập. Ngoại tâm thu thất thường liên quan đến stress hoặc sử dụng các chất như caffeine hoặc nicotine.
Tuy nhiên đôi khi các rối loạn nhịp tim dạng ngoại tâm thu thất lại có nguyên nhân từ các bệnh lý tim mạch thực thể hoặc rối loạn điện giải. Ngoại tâm thu thất có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, do đó cần phải có sự can thiệp của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
Rung nhĩ: cũng là một dạng rối loạn nhịp tim thường gặp và có nguồn gốc từ tâm nhĩ.
Cuồng nhĩ: thường gặp ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch có sẵn và xảy ra ở tuần đầu tiên sau phẫu thuật tim mạch. Các cuồng nhĩ có thể chuyển thành rung nhĩ.
Nhịp nhanh kịch phát trên thất (Paraxysmal supraventricular tachycardia - SVT): thuộc nhóm nhịp nhanh, có nguồn gốc từ tâm thất. Nhịp nhanh kịch phát trên thất bắt đầu và kết thúc rất đột ngột.
Nhịp nhanh với đường dẫn truyền phụ (accessory pathway tachycardias): nhịp tim đập nhanh hơn bình thường do có một đường dẫn truyền phụ từ tầng trên của tim (hay tâm nhĩ) và tầng dưới của tim (hay tâm thất). Có thể ví dụ như có thêm một đường tắt từ nơi làm việc về nhà và đây là đoạn đường ngắn hơn mỗi ngày, vì vậy bạn có thể đi nhanh hơn. Khi điều này xảy ra, tim đập nhanh hơn hay còn gọi là nhịp nhanh tim.
Nhịp nhanh vào lại nút nhĩ thất: đây cũng là một loại nhịp tim nhanh. Tại vị trí nút nhĩ thất có một đường dẫn truyền phụ. Rối loạn nhịp tim này thường có triệu chứng đánh trống ngực, ngất hoặc nặng hơn là suy tim. Trong một vài trường hợp, có thể tự cắt cơn tại nhà bằng cách hít thở hoặc nằm xuống.
Nhịp nhanh thất: có nguồn gốc từ phần dưới của tim (tâm thất). Bởi vì tim đập quá nhanh, nên khả năng đổ đầy tâm thất là không hoàn toàn. Đây là một loại rối loạn nhịp rất nguy hiểm, đặc biệt ở những người bệnh nhân có bệnh lý tim mạch do gây ra hàng loạt các triệu chứng khác liên quan.
Rung thất: xảy ra khi 2 tâm thất của tim bị 'rung' và không thể co bóp hoặc bơm máu cung cấp cho cơ thể. Là một tình trạng cấp cứu, bệnh nhân cần được điều trị với CPR hoặc khử cực thất càng sớm càng tốt.
Hội chứng QT kéo dài: có thể gây đột tử. Điều trị bằng thuốc hoặc khử cực tim.
Nhịp tim chậm: do tổn thương hệ dẫn truyền trong tim. Nguyên nhân gây nhịp chậm tim có thể do thuốc. Điều trị bằng đặc máy tạo nhịp pacemaker.
Suy nút xoang: do tổn thương tại nút xoang của tim.
Block dẫn truyền trong tim: chậm dẫn truyền hoặc block hoàn toàn đường dẫn truyền từ nút xoang đến các vùng của tâm thất. Nhịp tim có thể chậm và không đều. Điều trị bằng cách đặt máy tạo nhịp pacemaker.
Rối loạn nhịp tim có thể im lặng và không có triệu chứng hoặc bạn không để ý đến sự xuất hiện của các triệu chứng đó. Thông qua bắt mạch hoặc đo ECG (electrocardiogram), bác sĩ phát hiện được sự bất thường về nhịp đập của tim.
Một vài triệu chứng có thể xuất hiện:
- Đánh trống ngực, cảm thấy nhịp hụt, ..
- Cảm thấy nặng ngực
- Chóng mặt hoặc đau đầu nhẹ
- Ngất
- Khó thở, thở nhanh nông.
- Đau ngực hoặc cảm giác ngực bị bóp nghẹt
- Mất sức hoặc mệt mỏi.
Một vài xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán rối loạn nhịp tim:
- Điện tâm đồ: còn được gọi là ECG hoặc EKG. Test này sẽ ghi lại tất cả hoạt động điện của cơ tim. Đây là một xét nghiệm khá đơn giản, nhanh chóng, không đau và có thể thực hiện được tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh. Để thực hiện phương pháp đo ECG, nhân viên y tế sẽ đặt những điện cực nhỏ trên ngực và 2 tay, 2 chân để ghi lại hoạt động điện học cơ tim.
- Đo Holter: đây cũng là một dạng khác của đo ECG. Nếu đo ECG bình thường chỉ thực hiện tại 1 thời điểm nhất định trong ngày thì đo Holter sẽ ghi lại tất cả hoạt động điện của cơ tim trong suốt từ 1-2 ngày, tùy theo chỉ định của bác sĩ.
- Siêu âm tim: sử dụng máy siêu âm để đánh giá hoạt động cơ tim và các van tim.
Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim như:
- Tình trạng nhồi máu cơ tim
- Biến chứng của nhồi máu cơ tim hình thành nên các vùng giảm động cơ tim.
- Thay đổi cấu trúc cơ tim: ví dụ trong bệnh phì đại cơ tim
- Bệnh lý mạch vành gây hẹp mạch vành
- Cường giáp
- Suy giáp
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Một vài nguyên nhân khác hiếm gặp hơn gây rối loạn nhịp tim:
- Hút thuốc lá
- Sử dụng quá nhiều rượu hoặc các chất kích thích.
- Sử dụng các chất gây nghiện: ma túy, ma túy đá,..
- Stress hoặc trầm cảm
- Tác dụng phụ của các thuốc hoặc thực phẩm chức năng: các thuốc cảm, thuốc chữa dị ứng, hoặc các thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng.
- Do di truyền.
Bệnh lý tim mạch có sẵn:hẹp động mạch vành, nhồi máu cơ tim, bệnh van tim, tiền căn phẫu thuật tim, suy tim, bệnh cơ tim phì đại. Các tổn thương khác tại cơ tim đều là những yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn nhịp tim.
Tăng huyết áp: làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Tăng huyết áp lâu ngày dẫn đến dày thất trái., dẫn đến thay đổi đường dẫn truyền trong tâm thất và gây loạn nhịp tim.
Bệnh tim bẩm sinh: có bệnh tim từ khi mới sinh ra cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến loạn nhịp tim
Bệnh tuyến giáp: cường giáp hoặc suy giáp cũng có thể khiến nhịp tim bị thay đổi.
Đái tháo đường: đái tháo đường gây rối loạn nhịp do đái tháo đường làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành và tăng huyết áp.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ: tăng nguy cơ bị nhịp chậm tim, rung nhĩ hoặc các rối loạn nhịp khác.
Rối loạn điện giải: điện giải là các chất như kali, natri, canxi, magie. Đây đều là những chất có vai trò khởi phát hệ dẫn truyền trong cơ tim. Nồng độ các chất điện giải quá cao hoặc quá thấp cũng có thể gây rối loạn nhịp tim.
Khi có rối loạn nhịp tim, điều trị hay không điều trị tùy thuộc vào loại rối loạn nhịp có gây ra các triệu chứng thực thể gì hay không, có ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng hoặc xảy ra các biến chứng của rối loạn nhịp tim.
Nếu tim bị chậm nhịp và không tìm ra được nguyên nhân cụ thể, bác sĩ có thể điều trị bằng các đặt máy tạo nhịp - pacemaker dành cho tim. Vì hiện nay không có loại thuốc nào có thể tăng tốc độ của nhịp tim.
Pacemaker là một thiết bị rất nhỏ được cấy vào trong cơ thể gần xương đòn. Có rất nhiều sợi điện thế rất nhỏ trong pacemaker được truyền vào các mạch máu bên trong của tim. Khi tim đập quá chậm hoặc dừng lại, pacemaker sẽ gửi tín hiệu điện và kích thích tim đập lại theo đúng tần số đã được định sẵn.
Liệu pháp phế vị: thường được sử dụng trong nhịp nhanh kịch phát trên thất. Có nhiều cách: tập thở, ngâm mặt trong nước đá lạnh hoặc ho. Những thao tác này sẽ kích thích lên các hệ thống thần kinh kiểm soát nhịp tim và làm tim đập chậm lại. Liệu pháp này không sử dụng được cho tất cả các loại rối loạn nhịp.
Sử dụng thuốc: một vài loại nhịp tim nhanh có thể sử dùng thuốc để kiểm soát nhịp tim về mức bình thường. Các nhóm thuốc này cần được cho dưới chỉ định của bác sĩ để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra.
Trong trường hợp có rung nhĩ, các bác sĩ sẽ kê thêm đơn thuốc chống đông giúp giảm thiểu tối đa sự hình thành các cục máu đông.
Shock điện chuyển nhịp: trong một vài loại rối loạn nhịp đặc biệt, ví dụ như rung nhĩ, bác sĩ có thể sử dụng máy shock điện để chuyển nhịp tim bệnh nhân từ bất thường về bình thường.
Pacemaker: Là một dụng cụ được cấy vào cơ thể bệnh nhân để kiểm soát nhịp bất thường. Một thiết bị nhỏ được cấy vào vùng dưới xương đòn. Khi có bất kì một bất thường gì về nhịp đập của cơ tim, pacemaker sẽ phóng thích các dòng điện vào tim và chuyển nhịp tim trở về bình thường.
Đặt máy ICD (implantable cardioverter - defibrillator): các máy ICD được chỉ định sử dụng trong các tình huống bệnh nhân có nguy cơ cao diễn tiến đến một tình trạng tim đập nhanh quá mức hoặc nhịp đập bất thường có nguồn gốc từ tâm thất: nhịp nhanh thất hoặc rung thất.
Một vài biến chứng rối loạn nhịp thường gặp như:
Rối loạn nhịp tim thường đi gia tăng nguy cơ huyết khối. Nếu cục huyết khối bị vỡ ra, có thể di chuyển từ tim đến não và gây tắc mạch máu não, dẫn đến đột quỵ. Tần số mắc đột quỵ càng gia tăng nếu người bị rối loạn nhịp có bệnh lý tim mạch khác tồn tại hoặc lớn hơn 65 tuổi.
Một vài loại thuốc như thuốc chống đông có thể giảm nguy cơ đột quỵ hoặc tổn thương các cơ quan khác do huyết khối. Bác sĩ sẽ là người quyết định loại thuốc người bệnh được sử dụng tùy thuộc vào loại rối loạn nhịp và nguy cơ hình thành cục máu đông.
suy tim là diễn tiến của nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm khiến các bơm của tim hoạt động không hiệu quả, ví dụ như trong bệnh rung nhĩ. Khi kiểm soát được tần số tim sẽ cải thiện chức năng bơm máu cơ tim.
Để phòng tránh rối loạn nhịp tim cần thay đổi lối sống lành mạnh và tốt cho hệ tim mạch. Lối sống đó bao gồm:
- Có chế độ dinh dưỡng tốt cho tim.
- Tập thể dục thể thao đều đặn và giữ cân nặng phù hợp.
- Không hút thuốc lá
- Hạn chế hoặc không sử dụng caffeine và rượu
- Hạn chế stress
Sử dụng thuốc cẩn thận đặc biệt là các nhóm thuốc trị cảm cúm hoặc ho. Các thuốc này chữa các thành phần khởi phát đợt nhịp nhanh.
Để phòng ngừa rối loạn nhịp, người bệnh cần có một chế độ ăn lành mạnh, đặc biệt ưu tiên sử dụng các thực phẩm tốt cho hệ tim mạch.
Ăn nhiều rau xanh và trái cây
Rau xanh và trái cây là một nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào. Rau xanh và trái cây chứa rất ít calo và giàu chất xơ, bên cạnh đó còn chứa nhiều hoạt chất khác có tác dụng phòng ngừa bệnh lý tim mạch.
Bổ sung rau và trái cây trong chế độ ăn hàng ngày tương đối đơn giản. Rửa sạch rau và cắt nhỏ cho vào tủ lạnh, ăn dần thay thế cho món snack. Trái cây cắt nhỏ cho vào tủ lạnh, để nơi dễ thấy.
Lựa chọn các thực phẩm nguyên hạt
Thực phẩm nguyên hạt chứa một lượng lớn chất xơ và các chất dinh dưỡng khác đóng vai trò kiểm soát huyết áp và giúp bạn có một trái tim khỏe mạnh.
Hạn chế sử dụng các chất béo không tốt cho sức khỏe
Hạn chế sử dụng càng nhiều các chất béo bão hòa và các chất béo dạng trans là một bước quan trọng giúp giảm cholesterol máu và hạn chế các bệnh lý mạch vành. Cholesterol máu cao tăng nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa mạch máu, dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ
Hạn chế sử dụng các chất béo bão hòa bằng cách loại bỏ phần mỡ ra khỏi thịt, hoặc lựa chọn phần thịt nạc với ít hơn 10% mỡ.
Khi sử dụng chất béo, nên chọn các chất béo chưa bão hòa (monounsaturated fats), như dầu olive hoặc dầu hạt cải. Polyunsaturated fats được tìm thấy trong cá, quả bơ, các loại hạt,.. Mặc dù các chất béo không bão hòa có thể giúp giảm lượng cholesterol trong máu, tuy nhiên các nhóm chất béo này cũng chứa một lượng lớn calo.
Lựa chọn các nguồn cung cấp protein ít béo
Thịt nạc, thịt gia cầm, cá, sản phẩm sữa ít béo và trứng là những nguồn cung cấp protein tốt cho sức khỏe.
Cá là một loại thịt cung cấp rất nhiều acid béo nhóm omega 3. Omega 3 giúp giảm mỡ máu, cụ thể giảm triglyceride máu. Omega 3 có nhiều trong các loại cá sống ở vùng nước lạnh như cá hồi, cá thu và cá trích. Một vài nguồn cung cấp omega 3 khác như: hạt lanh, quả óc chó, đậu nàng, dầu hạt cải.
Các loại đậu chứa rất nhiều protein nhưng lại ít béo và không chứa cholesterol, đây là nguồn thực phẩm rất tốt có thể thay thế thịt.
Hạn chế muối trong các bữa ăn hàng ngày
Sử dụng quá nhiều muối dẫn đến tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch. Giảm muối là một bước rất quan trọng.
Theo Hiệp hội Tim mạch học Hoa Kỳ (American Heart Association - AHA) khuyến cáo: người lớn khỏe mạnh nên sử dụng ít hơn 2,3mg natri mỗi ngày tương đương với khoảng 1 muỗng cà phê muối. Lý tưởng là sử dụng ít hơn 1,5g natri mỗi ngày.
Mặc dù có thể giảm được lượng muối bằng cách hạn chế cho muối trong các món ăn, tuy nhiên bạn vẫn có thể sử dụng muối từ các nguồn thực phẩm khác như thực phẩm chế biến sẵn, các món snack, bánh,.. Sử dụng thực phẩm tươi sống, và tự chế biến thức ăn tại nhà là cách tốt nhất giúp kiểm soát được nồng độ muối ăn vào.
Nguyên nhân thường gặp gây rối loạn nhịp bao gồm stress, caffeine, rượu, thực phẩm chức năng, thuốc ho và thuốc cảm cúm. Nếu tế bào cơ tim bị tổn thương do các bệnh lý mắc phải như nhồi máu cơ tim hoặc các bệnh lý bẩm sinh khác, đều là những yếu tố nguy cơ tiến triển thành rối loạn nhịp tim. Trong một vài trường hợp không tìm được yếu tố khởi phát cơn rối loạn nhịp.
Đầu tiên, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được hướng dẫn và tư vấn điều trị. Khi đến gặp bác sĩ, qua quá trình hỏi bệnh và thăm khám, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một vài xét nghiệm cần thiết.
Một vài trường hợp đánh trống ngực hoặc hụt nhịp, người bệnh có thể cảm thấy cực kì khủng khiếp và nặng nề, tuy nhiên những trường hợp này khá lành tính và ổn định. Những cơn đánh trống ngực thường do tim đập nhanh và có thêm vài nhát bóp ngoài chu kì, sau đó tim sẽ nghỉ khoảng từ 1 đến 2 giây trước khi có một nhát bóp cho chu kì mới.
Trong một vài trường hợp khác, rối loạn hoạt động điện của tim gây những bất thường về nhịp đập tim, đánh trống ngực mà không có bất kì bệnh lý tim thực thể trước đây.
Những bệnh nhân có những cơn đánh trống ngực thường ít nguy hiểm những cũng cần kiểm soát triệu chứng ổn định.
Nếu một bệnh nhân rối loạn nhịp tim với một vài bệnh lý tim mạch trước đây như tiền căn nhồi máu cơ tim, bệnh van tim, bất thường về cơ tim,.. có thể các triệu chứng rối loạn nhip là khởi đầu của một loạt các vấn đề tim mạch trầm trọng khác.
Nguồn tham khảo:
1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-disease/in-depth/heart-healthy-diet/art-20047702
2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-arrhythmia/symptoms-causes/syc-20350668
3. https://www.webmd.com/heart-disease/atrial-fibrillation/heart-disease-abnormal-heart-rhythm#4
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn