Theo BS Trương Hữu Khanh (nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM), thường xuyên cho trẻ nhỏ xem ti vi, điện thoại, iPad… đồ công nghệ nói chung là nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn Tic. Đáng nói, nhóm trẻ sống thường xuyên với ông bà, trong khi ông bà không kiểm soát được hành vi này của các cháu, được coi là có nguy cơ cao hơn.
Tình trạng này hiện nay lại rất phổ biến. Trong cuộc sống hiện đại, nhiều ông bố bà mẹ phải ngày đêm vật lộn ngoài đường mưu sinh. Họ rời khỏi nhà vào lúc sáng sớm, khi trở về nhà thì trời cũng tối mịt. Việc đưa đón con đi học có khi cũng là công việc của ông bà. Nói chung, con cái của họ sống với ông bà là chủ yếu.
Ở một khía cạnh khác, ông bà tuổi cao sức yếu, trong khi trẻ nhỏ đều rất hiếu động. Không thể chạy theo cháu trong mọi khoảnh khắc, nhiều ông bà chiều cháu bằng cách cho xem tivi, điện thoại… bất cứ khi nào cần. Chưa kể cháu hay mè nhèo, đòi hỏi, ông bà thương cháu nên sẽ dễ chiều hơn so với bố mẹ.
Hoặc đơn giản như việc ăn uống. Muốn cháu ăn nhanh sẽ phải mở ti vi, điện thoại... dần dần khiến đứa trẻ hình thành thói quen xấu, đòi hỏi bất cứ khi nào muốn. Nhất là ở không gian thành phố chật chội, ít chỗ để chơi đùa, giải trí, chiếc tivi, điện thoại lúc này càng dễ trở thành người bạn thân thiết của lũ trẻ.
Tình trạng này diễn ra thường xuyên, vô tình làm gia tăng nhiều hệ lụy tới sức khỏe, bao gồm cả rối loạn Tic ở trẻ nhỏ. BS Trương Hữu Khanh nhận định: "Đa số trẻ mắc rối loạn Tic hiện nay chủ yếu là do tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị công nghệ điện tử".
Đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho những bố mẹ đang thiếu thời gian dành cho trẻ, thường xuyên "đẩy" con cho ông bà chăm sóc.
"Rối loạn Tic là việc vận động hoặc phát âm xuất hiện các biểu hiện bất thường, lặp đi lặp lại một cách mất kiểm soát. Bệnh này gặp ở nhiều lứa tuổi. Nhiều nhất ở trẻ 4-5 tuổi trở lên. Nhóm trẻ sống ở thành phố, thường xuyên ở nhà với ông bà cần lưu tâm", chuyên gia nhận định.
Theo Mayo Clinic, trẻ bị Tic đơn giản có các dấu hiệu nhận biết như nháy mắt, giật đầu, nhún vai, nhắm mắt, co giật mũi, cử động miệng… Trẻ bị Tic phức tạp thường có các biểu hiện như chạm, sờ, ngửi đồ vật, lặp đi lặp lại các chuyển động quan sát được, uốn hoặc vặn người, tay chân, nhảy lò cò, phát ngôn tục tĩu…
Tic giọng nói thường thấy trong hội chứng Tourette. Ở đây, Tic giọng nói đơn giản là lẩm bẩm, ho, hắng giọng, phát ra tiếng sủa. Tic giọng nói phức tạp là lặp lại từ hoặc cụm từ của chính mình hoặc người khác, sử dụng từ ngữ thô tục, chửi thề…
Theo Mayo Clinic, rối loạn Tic có thể khác nhau về loại, tần suất và mức độ nghiêm trọng. Nó sẽ trở nên tồi tệ hơn khi trẻ bị ốm, căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi hoặc phấn khích. Tic có thể xảy ra khi ngủ, thay đổi theo thời gian. Đặc biệt, bệnh có xu hướng tồi tệ hơn trong những năm đầu tuổi thiếu niên và cải thiện dần trong quá trình chuyển sang tuổi trưởng thành.
Trước khi bắt đầu bị Tic vận động hoặc giọng nói, trẻ có thể cảm thấy cơ thể không thoải mái bình thường như xuất hiện ngứa, ngứa ran, căng thẳng. Lúc này, việc biểu hiện rối loạn Tic đem lại sự thoải mái, nhẹ nhõm.
Các chuyên gia Nhi khuyến cáo, hãy đưa trẻ đi khám nếu bạn nhận thấy con mình có những cử động hoặc âm thanh không tự chủ. Nếu để kéo dài dễ phát triển thành hội chứng Tourette, mất rất nhiều công sức, thời gian... điều trị.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý thêm, không phải tất cả các trường hợp bị rối loạn Tic đều phát triển thành Tourette. Trong thực tế, nhiều trẻ bị rối loạn Tic và biến mất sau vài tuần đến vài tháng. Mặc dù vậy, bất cứ khi nào trẻ có hành vi bất thường, điều quan trọng là xác định nguyên nhân, loại trừ các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bằng một cuộc hẹn với bác sĩ chuyên khoa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn