Để đất nước hoà bình, phải đổi bằng xương máu của hàng nghìn Liệt sĩ
Cẩn trọng thắp từng nén hương tri ân lên các phần mộ Liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, Đại tá Hoàng Ngọc Thanh, Phó chính ủy Binh chủng Đặc công, trưởng đoàn công tác nghẹn lòng cho biết: "Binh chủng lựa chọn "địa chỉ đỏ" ở mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cho chuyến về nguồn lần này để tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ trẻ của Binh chủng hiểu rõ hơn về lịch sử, về những chiến công cũng như những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh đi trước. Từ đó hun đúc lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự hào dân tộc, cũng như khát vọng cống hiến sức trẻ, sức sáng tạo trong thế hệ trẻ của Binh chủng".
Với đôi mắt đỏ hoe, Thượng úy Phan Thị Thanh Tâm, Lữ đoàn Đặc công 429, Binh chủng Đặc công chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia chuyến về nguồn ý nghĩa này. Đặc biệt, khi đứng ở Đền thờ các Anh hùng Liệt sĩ tại điểm cao 468, xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, được phóng tầm mắt ngắm những vạt núi cao lừng lững trước mặt, nhưng ở vạt núi đá tai mèo kia, từng được phủ trắng bởi đạn pháo của quân xâm lược cày xới nhiều ngày đêm thời chiến tranh, nhuốm bao máu xương của hàng nghìn Anh hùng Liệt sĩ. Tôi soi lại bản thân mình và tự hứa với anh linh các Liệt sĩ, là nữ chiến sỹ đặc công, tôi sẵn sàng vượt mọi khó khăn, ngày càng hoàn thiện bản thân, để xứng đáng với những hy sinh lớn lao mà cha anh đã chiến đấu, giành lấy cuộc sống ấm no hôm nay".
Có chung cảm xúc khi được nghe kể về cuộc chiến đấu ác liệt năm xưa ở mặt trận Vị Xuyên, trung uý Quế Nguyễn Trường Khang, Trung đội trưởng Trung đội 2 - Đại đội 14 - Lữ đoàn 198, Binh chủng Đặc công cho biết: "Có đến đây mới thấy hết cái giá lớn lao, để đất nước ta được hoà bình như hôm nay đổi bằng xương máu của hàng nghìn Anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống. Bản thân tôi thấy tự hào khi là một người lính đặc công, được tiếp bước cha anh trên con đường cách mạng. Từ chuyến đi ý nghĩa này, tôi sẽ có thêm nhiều tư liệu để tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị về truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân ta".
Lau đi những giọt nước mắt lăn dài trên má, thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Thị Hương Liên, Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1, Binh chủng Đặc công: "Đến Hà Giang, tôi được nghe kể lại những chiến công và sự hy sinh mất mát của cha ông, tôi rất khâm phục tinh thần dũng cảm, ý chí chiến đấu ngoan cường và thấu cảm sự hy sinh mất mát vô cùng lớn của các thế hệ cha anh đi trước. Là cán bộ Hội Phụ nữ, tôi thấy cần phải làm tốt công tác tuyên truyền không chỉ riêng cán bộ, hội viên phụ nữ, mà các cán bộ chiến sĩ trong đơn vị hiểu biết thêm về sự hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh. Để mỗi chúng ta sống có trách nhiệm hơn với các hoạt động tri ân và nhiệm vụ ở đơn vị".
Còn với trung úy Lâm Ngọc Huỳnh, mũi trưởng, mũi 1, đội 4, liên đội 7, lữ đoàn 5, Binh chủng Đặc công: "Được tự tay thắp những nén hương tri ân các Liệt sĩ ở mặt trận Vị Xuyên, tôi và các đồng đội ai cũng nghẹn ngào tưởng nhớ những năm tháng hào hùng xen lẫn đau thương của dân tộc. Qua chuyến đi lần này, tôi mong muốn được lan toả tình yêu Tổ quốc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thanh niên Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ Binh chủng Đặc công nói riêng. Đây cũng là cơ hội cho tôi được hiểu biết sâu sắc về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, từ đó phát huy truyền thống anh hùng của bộ đội Đặc công, mà tôi đang từng ngày được cống hiến, phấn đấu".
Chung tay xoa dịu nỗi đau của mẹ Liệt sĩ
Trong hành trình về nguồn thăm "địa chỉ đỏ" tại Hà Giang, Đoàn công tác Binh chủng Đặc công đã đến thăm, trao tặng những món quà ý nghĩa cho 3 hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đó là gia đình bà Lý Thị Xoa, ở thôn Nà Toong, xã Thanh Thuỷ, là mẹ của Liệt sĩ Lý Văn Thàng. Anh Thàng hy sinh năm 1984 trong chiến tranh biên giới phía Bắc.
Tay run run đón nhận món quà của Binh chủng Đặc công trao tặng, bà Lý Thị Xoa, đã ngoài 80 tuổi, mắt đã mờ, chỉ rơm rớm nước mắt cảm động. Bà Xoa có 3 người con trai, trong đó 1 người con là Liệt sĩ, còn 1 người con không nhanh nhẹn. Nhiều năm bà sống với người con trai thứ 2, nhưng cách đây vài năm anh đã qua đời, bà hiện ở cùng con dâu và các cháu.
Gần đây bà Xoa bị đột quỵ, sức khoẻ càng yếu đi, thương con dâu còn trẻ đã goá bụa nuôi con, còn thêm gánh nặng chăm mẹ chồng già yếu, mỗi lần có người hỏi thăm, bà lại rơi nước mắt. "Với gia đình bà Xoa, là mẹ Liệt sĩ, chính quyền chúng tôi thường xuyên đến chia sẻ, động viên, thậm chí góp nhiều ngày công chăm sóc nhà cửa giúp mẹ con, bà cháu bà Xoa bớt khó khăn. Mỗi dịp ngày 27/7, hay ngày Tết, xã đều thăm hỏi, tặng quà tri ân gia đình có công với đất nước, để phần nào xoa dịu nỗi đau của mẹ Liệt sĩ" – bà Nguyễn Thị Tuyên, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên cho biết.
Gia đình ông Đặng Văn Điền, là thương binh 1/4, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thuỷ. Ông Điền từng bị thương ở đầu, dù chiến tranh đã qua đi hơn nửa thế kỷ, sức khoẻ của ông ngày càng yếu đi. Nhiều năm qua, mỗi khi thay đổi thời tiết, hàng xóm, con cháu lại chứng kiến ông la hét, thậm chí có lúc ông mất kiểm soát đập phá đồ đạc hoặc chạy ra đường, gia đình luôn phải cắt cử người trông nom ông.
Gia đình ông Điền có 4 người con, 3 người con gái và 1 con trai đã đi xây dựng gia đình ở xa, ông Điền hiện ở với người vợ là bà Nguyễn Thị Lả. Vì tâm tính của người bố thương binh không ổn định, bà Lả phải ở nhà vừa tranh thủ làm vườn, vừa chăm sóc ông hàng chục năm qua. Mỗi khi ông bệnh nặng, bà Lả gọi con cháu về đưa ông đi viện chữa trị, mà chưa một ngày kêu than vất vả với người chồng thương binh nặng.
Gia đình ông Bồn Văn Giàu, ở thôn Giang Nam, xã Thanh Thuỷ tham gia hoạt động kháng chiến, ông bị nhiễm chất độc da cam. Ông Giàu hiện có 2 người con trai, công tác tại Thành phố Hà Giang. Sức khoẻ ông Giàu rất yếu, đi lại khó khăn do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, thường xuyên được 2 con trai thay nhau đưa đi bệnh viện chăm sóc. Ông trầm giọng bảo: "Được Nhà nước, chính quyền địa phương chăm lo nhiều năm qua, còn được nhiều tổ chức, đơn vị động viên, tôi cảm ơn nhiều lắm".
Tiếp tục chia sẻ với các gia đình chính sách, phụ nữ khó khăn
Thời gian đã lùi xa, nhưng dấu tích của cuộc chiến bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, cùng những hy sinh, mất mát để gìn giữ từng tấc đất, từng mỏm đá ở mặt trận Vị Xuyên, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến ác liệt vẫn còn đó. Những dãy núi đá tai mèo trước đây từng là trận địa khốc liệt năm xưa ở vùng biên giới Vị Xuyên nay đã được phủ xanh bởi bạt ngàn cây cối, nương lúa, nương ngô. Cuộc sống của người dân nơi đây đang ngày một hồi sinh trên mảnh đất biên cương nhiều gian khó.
Đại tá Hoàng Ngọc Thanh, Phó chính ủy Binh chủng Đặc công khẳng định: Trong thời gian tới, Binh chủng chúng tôi tiếp tục lựa chọn những mảnh đất gắn với địa danh cách mạng, đặc biệt là những nơi ghi lại những chiến công của người lính đặc công để tri ân, tưởng nhớ công ơn của thế hệ cha anh đi trước. Từ đó xây dựng niềm tin, niềm tự hào trong mỗi cán bộ, chiến sĩ trẻ Binh chủng.
"Với tinh thần "tương thân tương ái", tại những vùng đất lửa, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chương trình đồng hành, chia sẻ với các gia đình chính sách, gia đình phụ nữ khó khăn, trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật vượt khó. Với mong muốn "mỗi chuyến đi - hàng nghìn sự chia sẻ" của cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Đặc công giành cho bà con nhân dân và chính quyền địa phương, nhằm triển khai hiệu quả phong trào " Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Quân đội chung tay vì người nghèo - không để ai vị bỏ lại phía sau".
Trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, mặt trận Vị Xuyên có hơn 4.000 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Hơn 9.000 người bị thương và hiện vẫn còn hàng nghìn hài cốt của chiến sĩ nằm rải rác trong khe đá, thung sâu chưa tìm thấy.
Riêng Điểm cao 468 là nơi diễn ra các trận đánh ác liệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Gần 5.000 Liệt sĩ đã anh dũng hy sinh khi chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biên cương Hà Giang. Tại đây, vẫn còn có hơn 2.000 Liệt sĩ ở lại chiến trường xưa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn