Rộn ràng mùa cắt lá actiso ở nơi gặp gỡ đất trời

18:17 | 20/03/2018;
“Đây là lần thứ 6 gia đình mình cắt lá actiso trong vụ trồng năm nay. Lần cắt này, chắc phải được gần 7 tấn lá. Với giá bán hiện nay, gia đình mình sẽ thu về trên 15 triệu đồng từ lần cắt lá này”.
Chị Hạng Thị Sung, ở thôn Suối Hồ, xã Sa Pả, huyện Sa Pa (Lào Cai) vừa nói vừa nở nụ cười hiền, rồi chuẩn bị đeo địu lên nương cắt lá actiso. Nụ cười tươi rói của chị Sung để lộ khéo chiếc răng bịt vàng, mà chị mới đi làm đẹp để làm duyên như nhiều phụ nữ Mông có điều kiện kinh tế. “Chi phí làm răng là từ tiền bán actiso đấy”, anh Thào A Từ, chồng chị Sung trêu yêu vợ.

Nhà anh Từ trồng actiso từ năm 2011, đến nay, mỗi năm gia đình anh trồng hơn 3.000m2 loại cây có giá trị kinh tế cao này. Tính từ lúc trồng actiso từ tháng 10 năm 2017, đến nay, gia đình anh đã 6 lần thu hoạch lá. Tính chung, mỗi lần cắt lá bán cho công ty, gia đình anh thu về trên 10 triệu đồng.
anh-3.jpg
Niềm vui của phụ nữ Mông trong ngày mùa cắt lá actiso

“Cộng cả tiền bán hoa và củ, trừ chi phí sản xuất, mỗi năm gia đình mình thu lãi trên 70 triệu đồng từ diện tích actiso trên. Nếu so sánh với việc trồng ngô, cây lúa thì 1ha cây actiso cho doanh thu gấp 6 lần cây lúa và 10 lần trồng ngô”, anh Từ tính toán.

Nhờ trồng actiso mà vợ chồng anh Từ đã làm được ngôi nhà khang trang gần như nhất xã. Ngôi nhà được ốp hoàn toàn bằng gỗ thông. Anh Từ bảo, chỉ riêng tiền gỗ này, đã hết khoảng 300 triệu đồng.

anh-2.jpg
Vợ chồng anh Từ trong ngôi nhà khang trang

Gia đình anh trai anh Từ là Thào A Cáng, cũng trồng 3.000m2 actiso. Anh Cáng cho biết, không chỉ được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái, Công ty TNHH một thành viên Traphaco Sa Pa còn bao tiêu sản phẩm nên anh an tâm sản xuất. Với nguồn thu mỗi năm trên 70 triệu đồng từ actiso, cùng nhiều nguồn thu khác, gia đình anh đã thoát nghèo và có chi phí nuôi 4 con ăn học.

Cũng như gia đình anh Từ và anh Cáng, tại xã Sa Pả, có hàng trăm hộ dân khác trồng actiso. Vì thế, cứ đến dịp thu hoạch, Sa Pả như vào hội cắt lá loại cây đã giúp người dân nơi đây thoát nghèo và làm giàu này. Năm nay, ngày mùa cắt lá actiso tại Sa Pa, được tổ chức vào ngày 19/3 vừa qua.
 anh-1.jpg
Cây atiso giúp nhiều người dân ở Sa Pa xóa đói, giảm nghèo


Cùng Sa Pả, cây actiso cũng được đưa vào trồng tại một số xã khác ở nơi được mệnh danh là nơi gặp gỡ đất trời-Sa Pa và Bắc Hà (Lào Cai). Hiện 2 địa phương này có gần 200 hộ trồng actiso, với diện tích gần 100ha. Trung bình, 1ha actiso cho doanh thu 300 triệu đồng, trừ chi phí, người dân thu lãi trên 150 triệu đồng, gấp nhiều lần trồng lúa hoặc ngô.

Cây actiso được trồng tại Lào Cai từ năm 2000 và giai đoạn phát triển nhất là từ năm 2010 đến nay. Từ 10 năm qua, Công ty Cổ phần Traphaco đã vào cuộc phát triển vùng dược liệu actiso tại Sa Pa, giúp bà con người Dao, người H'Mong nơi đây… có nghề trồng dược liệu với thu nhập ổn định và bền vững.
 
anh.jpg
Người dân thu hoạch lá actiso

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai, hiện tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là gần 50%. Trồng actiso nói riêng, cây dược liệu nói chung đang là hướng đi để xóa đói, giảm nghèo cho nhiều người dân trong tỉnh. Ông Tuấn mong Công ty Traphaco tiếp tục mở rộng vùng trồng actiso thêm bên cạnh diện tích actiso hiện có ở Sa Pa và Bắc Hà.

Ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Traphaco cho biết, với thông điệp Con đường sức khỏe xanh, Traphaco chú trọng vào phát triển vùng dược liệu sạch. Bởi nếu có vùng dược liệu đảm bảo chất lượng thì sẽ chủ động được nguyên liệu cho sản xuất, kinh doanh, tránh được sự thao túng của thị trường. Điều này không chỉ giúp công ty chủ động về nguồn nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm mà quan trọng hơn qua đó giúp người bệnh giảm gánh nặng chi phí điều trị, đảm bảo chất lượng thuốc, đồng thời tạo việc làm thu nhập cao cho hàng trăm nông dân, đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa.

Actiso là thành phần cơ bản của thuốc bổ gan Boganic. Hiện Công ty Cổ phần Traphaco đã chủ động được gần 90% nguồn dược liệu sản xuất dược phẩm. Trong bối cảnh ngành dược Việt Nam phải nhập 90% số dược liệu, Công ty được đánh giá là đơn vị đi đầu trong phát triển vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn