Nghề thời vụ
Gặp chú Nguyễn Tân đang cặm cụi làm lồng đèn ở số nhà 401 đường Chi Lăng, chúng tôi liền dừng xe bắt chuyện. Sau khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về nghề thủ công độc đáo này, chú cười hiền, vui vẻ nhận lời khi vẫn miệng nói, tay làm.
Theo chú Tân, nghề làm lồng đèn là một nghề thủ công dễ làm, chỉ cần chăm chỉ và chịu khó học hỏi. Chú Tân kể, chú bán lồng đèn ngay tại nhà hoặc thuê xích lô chở lên các chợ, các tuyến đường chính của thành phố Huế, nơi đông người qua lại, để bán. Khách mua của chú là các Phật tử và các chùa. Họ mua lồng đèn về để treo lên ở mái hiên, các hàng cây và nơi thờ tự Phật. Giá mỗi chiếc, tùy loại, từ 10 đến 60 nghìn đồng. “Tính sơ sơ, bỏ ra 20 triệu đồng tiền vốn làm sản phẩm này sẽ thu lại 30 triệu đồng. Lời lãi được 10 triệu đồng”, chú Tân cho hay.
Nằm sâu trong kiệt 399 đường Chi Lăng, hộ o Phạm Thị Bình là cơ sở làm lồng đèn lớn nhất, lâu năm nhất. Các loại lồng đèn o Bình đang làm là đèn ú, đèn sen to, đèn sen chậu, đèn sen vải, đèn nhựa, đèn thùng lục giác. Theo o Bình, muốn làm một chiếc lồng đèn phải trải qua nhiều công đoạn: Chẻ tre, uốn sườn, lên sườn, phất và trang trí. “Ai chưa biết thì khó làm, vì nhiều công đoạn. Nhưng làm nhiều sẽ quen tay”, o Bình chia sẻ.
Suy giảm
Cách đây vài năm, trung bình mỗi năm các hộ ở kiệt 399, 401 đường Chi Lăng làm được 3-5 ngàn chiếc lồng đèn. Có hộ làm được 10 ngàn chiếc. Tuy nhiên, hiện nay số lượng sản phẩm làm ra ngày một suy giảm. Đặc biệt, số hộ làm lồng đèn cũng giảm mạnh. “Nhiều hộ mấy năm nay không làm lồng đèn nữa. Nhiều năm trước có trên chục hộ làm nghề này. Nay chỉ còn 5-6 hộ theo nghề”, chú Tân cho hay.
Hộ chú Nguyễn Văn Thanh Vinh và hộ o Nguyễn Thị Hồng là ví dụ. Từ 20 năm trước, chú Vinh đều làm vài trăm chiếc lồng đèn để bán. Nhưng 5 năm trở lại đây, chú phải bỏ nghề vì bận phụ vợ bán quán ăn… Bởi theo chú, đây là nghề có thu nhập thường xuyên hơn. Hộ o Hồng có khác hơn. Năm nay o đã hơn 70 tuổi, hiện ở một mình, các con đều lập gia đình và ra ở riêng nên o không thể tiếp tục làm lồng đèn. “O không còn có sức chẻ tre nên mấy năm nay o không làm lồng đèn nữa. Nhiều khách mua đến hỏi không có hàng cũng thông cảm cho o. Mấy năm nay o chuyển sang làm thợ mã cho phù hợp với điều kiện sức khỏe”, o Hồng buồn bã cho biết.
Được biết, không phải riêng hộ chú Vinh, hộ o Hồng, do việc xuất hiện loại lồng đèn bằng vải, bằng nhựa, sử dụng được nhiều năm nên các loại lồng đèn làm bằng giấy, bằng nylon của các hộ ở kiệt 399, 401 đường Chi Lăng không thể cạnh tranh nổi. Tuy nhiên, nhiều hộ dân nơi đây vẫn quyết định gắn bó với nghề. “Mặc dù lồng đèn có năm bán đắt, có năm bán ế nhưng đây là nghề phục vụ lễ Phật đản nên gia đình mệ quyết tâm duy trì!”, mệ Nguyễn Thị Thương (76 tuổi), mẹ chồng của o Bình, quả quyết.