Rốn có thể tiết lộ nhiều điều về sức khỏe của bạn dựa trên màu sắc, kích thước, mùi,.. và dưới đây là những thông tin mà bạn cần biết.
Rốn không có chức năng sinh lý đặc biệt nào sau khi sinh. Thực chất, lỗ rốn là vết sẹo còn lại của dây rốn - bộ phận kết nối giữa thai nhi và nhau thai của người mẹ. Và vết sẹo này sẽ giữ nguyên cho đến hết phần đời còn lại của bạn.
Trong cuộc sống sau khi sinh, rốn trở thành một phần của cơ thể mà không có chức năng rõ ràng ngoài việc là một đặc điểm cơ thể.
Vậy rốn lồi hay rốn lõm là bình thường?
Phần lớn mọi người đều có rốn lõm; rốn lồi có thể được tìm thấy ở khoảng 10% dân số - cũng như việc thuận tay trái. Theo Healthline, có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới hình dạng rốn của bạn khi sinh ra chẳng hạn như cách vết sẹo liền lại như thế nào sau đó và yếu tố có khả năng quyết định nhất là khoảng không gian giữa da và cơ thành bụng của bạn. Vì thế mà hình dạng rốn lồi hay rốn lõm không được coi như một sự bất thường hay dị tật - đây chỉ là khác biệt về bên ngoài, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Lưu ý, các tình trạng bất thường của rốn đều cần được thăm khám thay vì tự chẩn đoán bệnh và chữa theo mẹo dân gian hay tự mua thuốc điều trị mà không có đơn của bác sĩ.
Đỏ, sưng và đau quanh rốn, rốn mẩn đỏ và tấy lên, đôi khi kèm theo mùi hôi có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Vô số mầm bệnh, bao gồm nấm, nấm men và vi khuẩn, có thể xâm nhập vào rốn và gây viêm, dẫn đến nhiễm trùng. Nếu nhiễm trùng không được điều trị, nó có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể và dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra nhiễm trùng rốn là do xỏ khuyên hoặc vệ sinh kém khiến vi sinh vật có điều kiện xâm nhập và gây bệnh.
Rốn chảy dịch cũng là một triệu chứng cảnh báo nhiễm trùng phổ biến. Nguyên nhân của việc chảy dịch ở rốn bao gồm:
+ Nhiễm trùng: Nếu không vệ sinh kỹ lưỡng, các vi khuẩn có thể gây ra nhiễm trùng ở rốn. Đặc biệt, vi khuẩn có thể gây ra dịch chảy mùi hôi có màu vàng hoặc xanh. Bạn cũng có thể cảm thấy sưng, đau và có vảy hoặc vết bầm quanh rốn.
+ Nhiễm nấm men: Nấm Candida, một loại nấm men thường phát triển ở những khu vực ẩm ướt và kín trên cơ thể, có thể gây nhiễm trùng gọi là nấm men Candidiasis. Loại nấm cũng có thể phát triển trong rốn, đặc biệt nếu bạn không giữ gìn rốn sạch sẽ và khô ráo thường xuyên. Nấm men Candidiasis ở rốn có thể gây ra phát ban đỏ, ngứa và dịch trắng đặc.
+ Phẫu thuật: Nếu bạn mới trải qua phẫu thuật ổ bụng, như chữa thoát vị, bạn có thể thấy mủ chảy ra từ rốn. Nếu điều này xảy ra, hãy liên hệ với bác sĩ vì đó có thể là dấu hiệu của một nhiễm trùng vết thương cần được điều trị.
+ Nang niệu rốn: Trong quá trình phát triển trong bụng mẹ, bàng quang của bạn được kết nối với dây rốn bằng một ống nhỏ gọi là ống niệu rốn. Thông thường, ống niệu rốn sẽ "đóng lại" và xơ hóa trước khi bạn chào đời, trở thành dây chằng rốn - bàng quang.
Nhưng đôi khi nó không được "đóng lại" một cách đúng đắn. Một loại u nước gọi là nang có thể hình thành trên niệu rốn và nang này có thể bị nhiễm trùng. Một trong những triệu chứng của nhiễm trùng nang niệu rốn là dịch đục hoặc có dịch lẫn máu rỉ ra từ rốn.
+ U bã đậu rốn: Là một khối u có thể hình thành trong rốn cũng như ở các bộ phận khác của cơ thể. Đây là loại u phổ biến nhất được tìm thấy trên da. Thành u giống như bề mặt da hoặc phần trên của nang lông. Buồng u bã đậu được lấp đầy bằng keratin, một loại protein thường được tìm thấy trong móng tay, tóc và da.
U bã đậu đôi khi được gọi nhầm là nang bã nhờn, nhưng điều này không chính xác, vì u bã đậu không liên quan đến tuyến bã nhờn. Có thể có một cái đầu đen ở trung tâm của u. Nếu khối u bị nhiễm trùng, dịch đặc màu vàng và mùi hôi sẽ chảy ra từ nó. Khối u cũng có thể đỏ và sưng.
Rốn chảy dịch khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Rốn bị chảy dịch, đặc biệt là khi vừa phẫu thuật, cần thăm khám bác sĩ sớm nếu bạn gặp các triệu chứng kèm theo bao gồm: sốt, đau bụng, rốn sưng đỏ và cảm giác đau khi tiểu tiện.
Điều trị rốn bị nhiễm trùng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm trùng là gì. Nhưng điều quan trọng nhất là bạn cần giữ cho vùng rốn bị tổn thương được sạch sẽ và khô ráo.
- Nếu nhiễm trùng rốn do nấm men, cần sử dụng bột hoặc kem bôi chống nấm
- Đối với nhiễm trùng rốn do vi khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh dạng thuốc mỡ bôi ngoài. Một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có thể cần điều trị bằng kháng sinh đường uống, rạch và dẫn lưu u nang hoặc cả hai.
Rốn phồng/lồi lên hơn so với bình thường có thể là dấu hiệu của:
- Thoát vị rốn xảy ra khi nội tạng trong ổ bụng chui ra ngoài, tạo thành một khối lồi tại vùng rốn. Khối thoát vị có thể chứa dịch, một phần nội tạng ví dụ như: Ruột, hoặc các tổ chức khác từ ổ bụng. Thoát vị rốn xảy ra thường xuyên nhất ở các bé sinh non hoặc có cân nặng khi sinh thấp.
Trẻ bị thoát vị rốn có thể phình lên khi trẻ ho, khóc, cười, đại tiện, hắt hơi hoặc các hoạt động tăng áp lực lên vùng bụng. Cha mẹ cần cho trẻ thăm khám sớm nếu phát hiện trẻ bị thoát vị rốn kèm theo các triệu chứng như:
+ Trẻ khóc quằn quại
+ Đau đớn tại khối thoát vị kèm sưng nề, đỏ
+ Trẻ bị sốt
+ Nôn mửa
+ Gặp khó khăn trong việc đại tiện, khi đại tiện có thể lẫn máu trong phân
+ Bụng trẻ nhìn có vẻ to hơn, tròn hơn và đầy hơn so với bình thường.
- Phụ nữ béo phì hoặc mang thai cũng có thể khiến lồi ra hơn bình thường. Sau khi giảm cân hoặc sinh em bé, rốn sẽ trở lại hình dạng bình thường.
- Về mặt bệnh lý, sự tích tụ chất lỏng trong bụng được gọi là cổ trướng cũng có thể được biểu hiện bằng rốn phồng (lồi) lên.
Nghe có vẻ vô lý nhưng một số trường hợp lạc nội mạc tử cung hiếm gặp ở nữ giới có thể khiến họ có kinh nguyệt ở rốn. Lạc nội mạc tử cung là sự phát triển bất thường của nội mạc tử cung ở những khu vực không phải tử cung và dù có "lạc đến đâu" thì nội mạc tử cung vẫn có thể "nghe thấy tiếng gọi" của hormone kinh nguyệt và gây rò kinh nguyệt nếu những tế bào đó nằm trong rốn.
Nếu gặp phải tình trạng này, bạn nên thăm khám bác sĩ để có biện pháp xử lý.
Giữ rốn sạch sẽ và ngăn ngừa mọi vấn đề sức khỏe đòi hỏi phải chăm sóc rốn đúng cách. Nấm men, vi khuẩn hoặc nấm có thể gây bệnh nếu khu vực thường xuyên bị bỏ quên này không được vệ sinh sạch sẽ.
Sử dụng nước và xà phòng dịu nhẹ để vệ sinh rốn thường xuyên giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng bằng cách loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn.
Giữ rốn khô là rất quan trọng, đặc biệt là sau khi tắm, vì điều này giúp ngăn ngừa vi khuẩn phát triển trong môi trường ấm áp và ẩm ướt. Điều này cũng bao gồm việc không nên bôi bất kì loại kem hoặc chất dưỡng ẩm nào vào rốn bởi kem có thể gây tắc rốn và tạo môi trường cho vi khuẩn và nấm men phát triển.
Tránh mặc các loại quần áo chật có thể dẫn tới kích ứng rốn mà thay vào đó nên ưu tiên lựa chọn quần áo rộng rãi, thoải mái làm từ cotton.
Tránh xỏ khuyên rốn, nếu xỏ bạn nên thường xuyên vệ sinh và giữ sạch sẽ rốn để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn