Con rồng trong thần thoại phương Tây được xem là hiện thân của sự xấu xa, độc ác và cần bị trừng phạt. Trong các câu chuyện của Thiên Chúa giáo, sự khuất phục rồng của các vị thánh thể hiện chiến thắng của cái thiện trước cái ác. Câu chuyện huyền thoại về Thánh kỵ sĩ giết rồng đã được Raphael, bậc thầy vĩ đại của làng hội họa thời Phục hưng, tái hiện trong bức tranh "Saint George and the Dragon" (1506) mô tả Thánh George dùng thương giải cứu công chúa từ một con rồng đáng sợ. Sự chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết và bố cục của Raphael đã nâng cao câu chuyện đầy kịch tính, giúp bức tranh trở thành sự biểu tượng vượt thời gian.
Rồng cũng xuất hiện trong tranh (tượng) Phật giáo, phổ biến là với hình ảnh Quan Âm Bồ Tát cưỡi rồng. Một cách giải thích cho điều này là rồng tượng trưng cho giận dữ và Quan Âm cưỡi rồng thể hiện sự chiến thắng sân hận (phù hợp với quan niệm của Phật giáo về 3 phiền não của tâm là tham, sân, si).
Ngoài ra, một cách giải thích khác cho rằng rồng thể hiện năng lượng mạnh mẽ và may mắn, đặc biệt là khả năng kiểm soát nước, mưa, bão và lũ lụt. Vì vậy, Quan Âm cưỡi rồng tượng trưng cho việc kiểm soát biển cả, điều này gắn với vai trò bảo vệ ngư dân và thủy thủ của Ngài.
Tượng rồng có ở khắp nơi trên thế giới, từ châu Âu đến châu Á và châu Mỹ. Chúng thường được coi là những người bảo vệ các thành phố và đền thờ. Những bức tượng này không chỉ tăng thêm tính thẩm mỹ cho những nơi chúng được đặt mà còn đóng vai trò như một lời nhắc nhở về di sản văn hóa phong phú và thần thoại gắn liền với loài rồng.
Ở châu Âu, rồng thường được miêu tả là sinh vật hung dữ và phun ra lửa. Tượng rồng Wawel nằm ở chân đồi Wawel ở Kraków (Ba Lan) gắn với truyền thuyết về rồng Wawel vốn đã ăn sâu vào văn hóa dân gian của đất nước. Chuyện kể về một con rồng đáng sợ đe dọa thành phố Kraków cho đến khi bị người thợ sửa giày thông minh đánh bại bằng một con cừu chứa đầy lưu huỳnh. Một tác phẩm điêu khắc khác về rồng nằm ở đài phun nước của Quảng trường Tòa thị chính ở Copenhagen (Đan Mạch). Đài phun nước này có tượng một con bò đang chiến đấu với một con rồng.
Ở châu Mỹ, dù ít phổ biến hơn nhưng tượng rồng cũng không kém phần ấn tượng. Có thể thấy các tác phẩm điêu khắc rồng bằng kim loại ở Borego Springs (California) và tượng rồng trong trường Đại học Drexel ở Philadelphia (Pennsylvania) của Mỹ. Ngoài ra, tượng rồng cũng thường xuyên xuất hiện ở các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Văn hóa châu Á thường coi rồng là sinh vật nhân từ và khôn ngoan.
Trong series "Harry Potter", rồng được miêu tả là những sinh vật to lớn, hung ác và phun ra lửa. Những con rồng trong truyện gắn liền với nguy hiểm và những thử thách mà nhân vật chính phải vượt qua, đặc biệt là trong cuộc thi đấu Tam Pháp Thuật ở phần thứ tư: "Harry Potter và Chiếc cốc lửa" (Harry Potter and the Goblet of Fire). Tương tự, ở phim "Anh chàng Hobbit" (The Hobbit), phần tiền truyện của "Chúa tể những chiếc nhẫn" (The Lord of the Rings), rồng Smaug được miêu tả là mạnh mẽ, đáng sợ và tham lam. Nó xâm chiếm vương quốc Erebor của người lùn và chiếm lấy kho báu.
Tuy nhiên, hình ảnh loài rồng lại được thể hiện rất khác trong một số tác phẩm nổi tiếng khác. Với "Tây du ký", bên cạnh các vị thần cai quản vùng biển là Long Vương, rồng còn được nhìn thấy qua nhân vật Bạch Long Mã, con ngựa Đường Tăng cưỡi đi Tây Trúc thỉnh kinh. Bạch Long Mã là tam thái tử của Tây Hải Long Vương, người đã ăn thịt ngựa của Đường Tăng nhưng sau được Bồ Tát quy phục và hóa thành ngựa. Ở cuối tác phẩm, Bạch Long Mã được phong làm Bát Bộ Thiên Long Quảng Lực Bồ Tát.
Hay với "Cậu bé cưỡi rồng" (Eragon), tiểu thuyết ăn khách hàng đầu thế giới của nhà văn người Mỹ Christopher Paolini, đó là câu chuyện về một cậu bé ở nông thôn phát hiện ra một quả trứng rồng. Sự ra đời của rồng Saphira đánh dấu khởi đầu của một cuộc hành trình phi thường đầy phép thuật và phiêu lưu. Bộ phim phá vỡ hình ảnh truyền thống về loài rồng, coi chúng chỉ là những con thú đơn thuần và thể hiện mối liên kết độc đáo giữa người và rồng.
Mối quan hệ này lại càng được thăng cấp trong "Bí kíp luyện rồng" (How to Train Your Dragon). Câu chuyện lấy bối cảnh thế giới thần thoại của người Viking và loài rồng, xoay quanh cậu bé Hiccup sống tại đảo Berk, nơi chiến đấu với loài rồng là một phần của cuộc sống. Cậu tình cờ kết bạn với một chú rồng và đặt tên là Toothless. Tình bạn này đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Hiccup khi cậu đấu tranh để thuyết phục bộ tộc rằng việc giết rồng là không cần thiết và loài người có thể chung sống hòa thuận với chúng.
Rồng không chỉ xuất hiện trong hội họa, văn học hay điêu khắc mà còn được tìm thấy trong âm nhạc, nơi các nhà soạn nhạc và nhạc sĩ đã tìm thấy cảm hứng để tạo ra những bản nhạc. "Puff, the Magic Dragon" - bài hát thiếu nhi quen thuộc và nổi tiếng ra mắt vào năm 1963 - kể về câu chuyện của chú rồng không tuổi Puff và người bạn Jackie Paper, một cậu bé lớn lên và bước tiếp từ những cuộc phiêu lưu tưởng tượng thời thơ ấu, để lại Puff chán nản một mình. Lời bài hát tuy có vẻ ngây ngô và vui tươi nhưng lại truyền tải một thông điệp sâu sắc về sự ngắn ngủi của tuổi thơ.
Trong khi đó "I See Fire" của Ed Sheeran, bài hát trong phần credit cuối phim "Người Hobbit: Đại chiến với rồng lửa" (The Hobbit: The Desolation of Smaug) năm 2013 gợi lên bản chất hung hăng và hủy diệt thường gắn liền với loài rồng. Lời bài hát chứa đầy hình ảnh lửa và khói, phản ánh sức mạnh hủy diệt của rồng và mối đe dọa rình rập mà nó đặt ra.
Cả "I See Fire" và "Puff, the Magic Dragon" đều có hình ảnh rồng nhưng được thể hiện theo những cách rất khác nhau. Trong khi "I See Fire" sử dụng rồng như biểu tượng của sự hủy diệt thì "Puff, the Magic Dragon" lại giới thiệu rồng như một người bạn đồng hành trong những cuộc phiêu lưu thời thơ ấu. Cả 2 bài hát đều để lại dấu ấn đáng kể trong văn hóa đại chúng, thể hiện sức hấp dẫn lâu dài của thần thoại rồng trong nghệ thuật kể chuyện và âm nhạc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn