“Rớt tiếp, em đi thêm kiểu gì cũng có người hợp nhãn”
19:50 | 11/08/2017;
Để qua mắt cơ quan chức năng, cuộc gặp mặt được tổ chức như kiểu một tiệc cưới quy mô nhỏ. Các cô gái đã xem mắt thành công sẽ tổ chức một tiệc báo hỉ tại nhà hàng với những thực khách là các “dâu, rể” tương lai.
Kỳ 1: “Săn” vợ qua mạng và cuộc chạm mặt chớp nhoáng
Kỳ 2: Thâm nhập thủ phủ “xuất khẩu cô dâu” đất Cảng
Kỳ 3: Tìm chồng trong "một nốt nhạc"
Kỳ 4: Đám cưới “4 không” và những chuyện cười ra nước mắt
Kỳ 5: Cò hôn nhân như vòi bạch tuộc len lỏi khắp miền quê
Háo hức chờ chọn dâu, xem mắt
Từ 9h sáng, phòng tiệc đã dập dìu các nàng trang điểm tỉ mỉ, ăn mặc lộng lẫy bước đến. Địa điểm được chọn là một nhà hàng tiệc cưới nhìn khá sang trọng tên H.V.N.B nằm trên đường Hòa Bình, quận 11, TPHCM.
Nhìn các cô, không ai có thể nghĩ đó là một buổi tuyển vợ như người ta mua rau cá ngoài chợ. Bước vào phòng gặp mặt, tôi bị choáng ngợp bởi cảnh vài chục cô gái mặt búng ra sữa đang chờ đợi các anh rể Hàn Quốc U50, U60 lựa chọn.
Trong lúc chờ đến lượt phỏng vấn, các cô tranh thủ trang điểm, trò chuyện để trao đổi kinh nghiệm. Ngồi gần tôi là một cô gái tên Thủy (SN 1998, quê Trà Vinh). Tuy tuổi đời non nớt nhưng Thủy dày dạn kinh nghiệm xem mắt. Cô cho hay đây là lần thứ 6 cô đến tìm rể do những lần khác đều bị loại tại vòng sơ tuyển.
Thủy tâm sự: “Đa số chú rể thường căn cứ vào ngoại hình, tình trạng hôn nhân, tuổi tác để chọn vợ. Mỗi ông mỗi kiểu chị ạ. Có ông thích gái trẻ chưa lập gia đình. Có ông thích phụ nữ từng trải để được chiều chuộng. Người ta có tiền nên có quyền chọn lựa. Nếu rớt tiếp thì em cũng chịu khó đi thêm kiểu gì cũng có người hợp nhãn.
Em còn trẻ thì tranh thủ kiếm ông nào có tiền mà lấy, tội gì về quê cày ruộng cho cực. Những câu hỏi phỏng vấn cũng chỉ mang tính tượng trưng. Hầu hết dâu ở đây đều là gái quê, không học vấn, nghề nghiệp”.
Trong đoàn có một người đàn ông Hàn Quốc tự giới thiệu tên Sin, ông này khoảng hơn 40 tuổi, khuôn mặt có vẻ gian như “Mã Giám Sinh” là người phiên dịch, đồng thời giống như ông chủ. Sin lúc đầu vào ngồi một nơi, quan sát xung quanh và trao đổi với các chàng “rể” người Hàn. Một lúc sau có một phụ nữ tóc ngắn, đi quanh phòng chụp hình từng người rồi đến trao đổi với ông Sin bằng tiếng Hàn.
Sau đó, ông Sin đến bàn các cô gái dự tuyển, yêu cầu “ứng tuyển” và các cô gái khác tự giới thiệu về mình, họ tên, quê quán và anh em trong nhà. Lúc sau ông Sin dắt chú “rể” vào, giới thiệu sơ yếu lý lịch cho các cô.
Chọn dâu nhờ thầy tướng số
Qua giới thiệu của ông Sin, tôi được biết chú “rể” 43 tuổi, một người có hộ khẩu tại thành phố cảng Busan (Hàn Quốc) làm nghề lái xe tải. Ông Sin nói: “Anh này chưa vợ, chỉ lấy những cô gái chưa lập gia đình, không vướng bận gì hết. Anh này thu nhập hơn 60 triệu một tháng nhưng lấy về thì phải ở chung với bố mẹ chồng, vì anh ấy là con một”.
Như sợ mọi người ngần ngại, ông Sin nói thêm: “Dù ở với bố mẹ chồng nhưng bố mẹ anh này rất dễ tính, thương yêu con nên không có gì phải e ngại. Anh này là người mới sang đây lần đầu tiên, cũng nhanh chóng muốn lấy vợ để bay về đi làm. Bây giờ tôi nói thật, không thổi phồng lên để sau này các em khỏi trách móc”.
Rồi sau đó ông Sin hỏi tuổi, để xem có hợp tuổi hay không. Trong đoàn rể có một người phụ nữ gốc Hàn đi cùng. Người này lại gần từng cô dâu xem mặt mũi, sờ nắn chân tay và nhìn cả lòng bàn tay, móng tay. Người này không nói nhiều, chỉ xem và sau đó tôi được biết đó là bà thầy tướng số, đi theo để xem tướng cô dâu sẽ hợp với người nào mới làm mai được.
Khi hỏi kỹ các thông tin chi tiết về những cô gái đến tham dự, sau đó ông Sin chỉ định tôi và một cô gái nữa đi sang một phòng khác, còn những cô gái còn lại xuống sảnh dưới ngồi chờ đến lượt những chú rể khác xem.
Sau khi sang phòng bên tôi mới biết, chú rể kia đã chọn tôi với cô gái đi cùng. Khi tôi hỏi vì sao lại chọn hai người, ông Sin bảo: “Tại vì chúng tôi cho phép chọn 2, nếu cô nào ưng thì hai người sẽ tìm hiểu, đi chơi với nhau mấy ngày rồi tiến hành cưới luôn. Nhưng nếu cô nào không ưng thì sẽ để lần sau gặp người khác, không ai ép uống cả. Còn rất nhiều cơ hội để làm mai cho mọi người, chỉ là có duyên với nhau hay không thôi”.
Sau khi trao đổi qua lại một lúc, tôi lấy lý do không hợp nên rút lui. Người đàn bà tóc ngắn lại bảo tôi xuống tầng dưới để chờ gặp người khác. Khi tôi xuống tầng dưới thì thấy các cô gái lúc nãy đã ngồi chờ, lúc đó lại có một người đàn ông Hàn khoảng hơn 60 tuổi đang chụp hình các cô gái, lấy thông tin và trao đổi gì đó.
Sau đó người đàn ông này đến dắt tôi ra góc phòng, hỏi lại thông tin của tôi, bắt tôi đứng làm dáng đủ kiểu để chụp hình rồi nói với người phiên dịch đại ý là bảo tôi ngồi chờ, sẽ có người đến coi mắt.
Tại đây, người phiên dịch nói: “Đẹp như em thì không bao giờ phải ngồi lâu, chỉ là em thích hay không thích thôi. Có nhiều anh vừa trẻ vừa đẹp trai lắm, thu nhập cũng ổn, nên em cứ tha hồ chọn. Mình phải biết cách mà lấy chồng, chứ đừng có lấy chồng Việt chi cho khổ, người Hàn người ta hiền lành lắm, lại thương vợ nữa nên em cứ tha hồ mà lựa chồng ngon lành”.
Trong lúc ngồi chờ chàng rể thứ 2 xem mắt, tôi lân la hỏi chuyện và được biết anh này được giới thiệu là sếp phòng quảng cáo, lương trên 100 triệu đồng, có nhà có xe, là “con mồi” quan trọng của hầu hết các cô dâu hôm nay. Do vậy, số lượng cũng như chất lượng nhan sắc phòng này nhỉnh hơn phòng trên khá nhiều.
Ngồi cạnh tôi là một cô bé khá xinh đẹp tên Kiều (20 tuổi, quê An Giang). Cô bé mách nước: “Chị muốn tìm được rể tốt thì phải chọn cò có máu mặt. Không phải cò nào cũng biết được các mối ngon lành để cho chị có cơ hội đổi đời. Ông phiên dịch đó cũng không phải tay vừa, em đã phải móc túi 500 ngàn đồng, hắn mới không hạch sách thêm. Em biết mối này nhờ được nhỏ bạn cùng quê giới thiệu vào. Anh này sống riêng không làm dâu nên em mới ưng ý”.
Trên sân khấu, nhà hàng tranh thủ tổ chức một buổi đính hôn không chú rể vì lý do bận việc không về Việt Nam kịp. Các cô gái vừa ngồi chờ vừa tiếp tục bàn tán, nhìn cô dâu trẻ với ánh mắt ngưỡng mộ, ao ước. Đối với họ, việc được anh rể Hàn lựa chọn kết hôn là niềm hãnh diện và khát khao giúp họ thoát khỏi cuộc sống nghèo khó nơi thôn dã…
Đi chơi kèm phiên dịch
Sau buổi phỏng vấn chớp nhoáng, hai bên sẽ có một buổi đi ăn uống vui chơi kèm theo phiên dịch. Nhờ anh này, hai bên sẽ tìm hiểu về nhau mà không cần giao tiếp bằng “tứ chi”. Tiếp đó, môi giới lập tức tiến hành phần thủ tục giấy tờ để hai người thành vợ chồng hợp pháp. Nếu anh rể nào điều kiện quá kém, không cô nào ưng thuận thì “cò” sẽ phù phép bằng cách chuyển qua đoàn khác với vỏ bọc “mỹ miều” hơn để nâng giá thị trường cho chàng.
Mời độc giả đón xem Kỳ 7: Cò hôn nhân lộng hành, ai chịu trách nhiệm?