Rau sống không chỉ cung cấp cho cơ thể lượng lớn vitamin C, A, E, chất khoáng và một số yếu tố vi lượng. Tuy nhiên, nhiều khuyến cáo cho rằng ăn rau sống có nguy cơ cao dẫn đến nhiễm ký sinh trùng, nhất là rau sống không đảm bảo vệ sinh, được tưới bón phân tươi, phân chuồng chưa ủ kỹ, sử dụng thuốc trừ sâu không đúng quy định... Nghiên cứu của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho thấy, trong 8 mẫu rau sống thường dùng, tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng trên rau là hơn 90%.
Rửa rau sống đúng cách
Vì thế, nếu sử dụng rau sống, trước tiên người tiêu dùng cần chọn lựa rau an toàn tại các cửa hàng rau sạch có chứng nhận của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, phải rửa rau đúng cách để giảm lượng ký sinh trùng bám trên rau.
Nhiều người thường ngâm rau sống trong dung dịch thuốc tím hoặc nước muối loãng, song cách này không mang lại hiệu quả cao. Vì theo các nghiên cứu, môi trường nước muối loãng và thuốc tím không có công dụng gì với việc tiêu diệt trứng giun và một số vi khuẩn gây bệnh. Thực tế, lượng hóa chất bảo vệ thực vật và các ký sinh trùng bám trên rau chỉ giảm đi khi rửa lại nhiều lần. Do đó, để làm sạch rau, cách tốt nhất vẫn là rửa rau sống bằng nước sạch nhiều lần, rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước chảy rồi vẩy ráo trước khi ăn. Ngoài ra, với các món ăn có rau sống, nên ăn kèm giấm, tỏi và các gia vị cay, vừa làm tăng khẩu vị, vừa có tác dụng sát khuẩn cao.
Riêng với phụ nữ mang thai, người bị viêm đại tràng, người bị đau dạ dày và người dễ bị cảm cúm thì không nên ăn rau sống. Trong bảo quản, cần lưu ý không trữ rau quá lâu ở tủ lạnh vì cứ sau 1 ngày, rau xanh sẽ mất đi một lượng lớn chất dinh dưỡng.