Rửa tay giúp hạn chế sự lây truyền vi khuẩn và virus, đặc biệt là những loại gây bệnh nguy hiểm. Tất nhiên, bạn không thể giữ cho tay bạn không có vi khuẩn 100% mọi lúc, mọi nơi. Nhưng điều này hoàn toàn cần thiết sau khi chạm vào 10 thứ sau, đây được coi là ổ vi khuẩn, thậm chí có nơi còn được cho là bẩn hơn cả bồn cầu.
Có thể bạn không nghĩ đến nhưng tiền là nơi "ẩn náu" của khoảng 3.000 loại vi khuẩn. Mặc dù hầu hết là vô hại nhưng tiền mặt vẫn có thể chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm những tờ 1 đô la từ một ngân hàng ở Thành phố New York và phát hiện ra hàng trăm vi sinh vật, bao gồm vi khuẩn trong miệng và âm đạo, cũng như DNA từ vật nuôi và virus. Các nghiên cứu tương tự đã chỉ ra rằng một số loại tiền mặt và tiền xu thậm chí còn chứa các tác nhân gây bệnh như E.coli và salmonella.
Sở dĩ tiền có chứa nhiều loại vi khuẩn như vậy là do quá trình trao đổi hàng hóa, tiền sẽ được chuyển từ tay người này sang tay người khác một cách thường xuyên và rất ít khi được làm sạch hay khử trùng.
Hơn nữa, tiền có thể tiếp xúc với nhiều nguồn vi khuẩn khác nhau từ môi trường, cũng như khi chúng ta ho, hắt hơi, hoặc chạm vào vật dụng có vi khuẩn rồi sau đó chạm vào tiền.
Một trong những thời điểm quan trọng mà bạn cần nhớ rửa tay là sau khi đi phương tiện giao thông công cộng hoặc nơi nhiều người liên tục chạm vào cùng một bề mặt. Chẳng hạn như tay vịn trên thang cuốn, các cột trên tàu điện ngầm, tay nắm cửa...
Bề mặt công cộng như tay vịn hay tay nắm cửa là nơi tích tụ rất nhiều bụi bẩn, vi khuẩn do mọi người nói chuyện, hắt hơi, ho, chạm tay vào...
Trên thực tế, theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Colorado, bàn tay của một người trung bình mang hơn 3.000 vi khuẩn từ ít nhất 100 loài. Do đó, nếu khi mọi người không rửa tay và chạm vào các bề mặt công cộng, các vật dụng này sẽ bị nhiễm khuẩn và tiếp tục lan truyền sang người khác.
Một nghiên cứu năm 2016 tại Đại học Penn State cho thấy có 14 quần thể vi khuẩn khác nhau sống trên núm cửa ở quán cà phê. Mỗi quần thể chứa hơn một triệu vi khuẩn.
Năm 2014, một nghiên cứu khác do các nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona thực hiện đã chỉ ra rằng chỉ cần một tay nắm cửa cũng có thể lây lan vi khuẩn khắp các tòa nhà văn phòng, khách sạn và cơ sở y tế trong vòng vài giờ.
Nhà hàng có thể là nơi chứa rất nhiều loại vi khuẩn và virus nhưng thực đơn là nơi chứa nhiều vi khuẩn nhất. Thực đơn là thứ bất kể ai cũng sẽ cầm để gọi món. Lúc này, vi khuẩn từ bàn tay hoặc khi khách hàng ho, nói chuyện, hắt hơi... sẽ lây nhiễm sang thực đơn.
Đặc biệt, từ ngày này qua ngày khác, nếu thực đơn không được làm sạch hoặc sát khuẩn, lượng vi khuẩn tồn tại trên thực đơn sẽ rất lớn. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Arizona phát hiện ra rằng thực đơn có tới 185.000 vi khuẩn.
Hầu hết mọi thứ trong phòng khám bác sĩ đều chứa vi khuẩn hoặc vi trùng, đặc biệt là bút ký tên. Trên thực tế, có nhiều hơn 46.000 vi khuẩn trên cây bút đó so với trên bệ bồn cầu thông thường.
Ngoài ra, tay vịn ghế phòng chờ, tay nắm cửa... cũng là những thứ ở phòng khám chứa rất nhiều vi khuẩn, virus gây bệnh.
Vật nuôi thường được coi là thân thiện với gia đình, nên việc rửa tay đôi khi bị bỏ qua. Tuy nhiên, rửa tay sau khi chạm vào động vật hoặc tương tác với vật nuôi, dù là của bạn hay của người khác, là điều hoàn toàn cần thiết.
Động vật có thể mang nhiều loại bệnh khác nhau như ghẻ, salmonella, ký sinh trùng, Giardia... Nếu không vệ sinh sạch sẽ sau khi tiếp xúc, vật nuôi có thể gây lây nhiễm bệnh cho bạn. Đặc biệt có rất nhiều trường hợp đã bị nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng.
Có lẽ rất ít người sẽ rửa tay sau khi dùng điện thoại. Tuy nhiên, điện thoại của bạn chứa rất nhiều loại vi khuẩn, chính xác là 25.127 vi khuẩn trên 2,54 cm vuông. Điều này khiến điện thoại di động trở thành một trong những vật dụng bẩn nhất mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày.
Ngoài việc vệ sinh cá nhân, bạn cũng nên vệ sinh điện thoại một cách thường xuyên để giảm thiểu sự tồn tại của nhiều vi khuẩn trên điện thoại của bạn. Bạn có thể sử dụng cồn hoặc dung dịch vệ sinh chuyên dụng cho thiết bị điện tử để làm sạch điện thoại.
Nhà bếp là môi trường chứa đầy vi khuẩn, đặc biệt thớt và miếng rửa bát.
Một nghiên cứu gần đây phát hiện ra rằng cứ mỗi cm2 của một chiếc thớt cũ có thể chứa ít nhất 24.000 vi khuẩn - riêng con số này bẩn hơn bệ bồn cầu 200 lần.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 362 loài vi khuẩn khác nhau trong miếng bọt biển và 45 tỷ vi khuẩn trên mỗi cm vuông. Điều đó có nghĩa là một phần miếng bọt biển nhà bếp của bạn có thể chứa nhiều vi khuẩn như bên trong bồn cầu.
Để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn trên thớt và miếng rửa bát, bạn nên thay các vật dụng này một cách thường xuyên. Thông thường các chuyên gia thường khuyến khích thay thế thớt nhựa 1 năm/lần, nếu là thớt gỗ có thể sử dụng 2 đến 5 năm. Miếng rửa bát nên thay mới khoảng 2 tuần/lần hoặc khi thấy chúng bị nấm mốc, hôi tanh.
Một cây bút văn phòng trung bình có lượng vi khuẩn gấp 10 lần so với bệ ngồi bồn cầu, khoảng 200 vi khuẩn trên 2,54 cm vuông.
Cũng như các vật dụng công cộng khác, khi nhiều người cầm tay vào bút việc, vi khuẩn sẽ từ tay của họ lây sang bút hoặc khi nói chuyện, hắt hơi cũng làm nhiễm khuẩn lên cây viết.
Khi sử dụng bút viết, bạn cũng nên bỏ một số thói quen cho lên miệng cắn, ngậm đầu bút. Hành động này sẽ vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
Ngón tay và bàn tay của chúng ta có thể bị nhiễm đủ loại vi khuẩn trong suốt cả ngày, và nghiên cứu đã chỉ ra rằng bàn phím, đặc biệt là bàn phím dùng chung giữa nhiều người, chứa rất nhiều vi khuẩn có thể gây nguy hiểm, chẳng hạn như E.coli, tụ cầu vàng và liên cầu khuẩn.
Một nghiên cứu trước đây của Đại học Arizona phát hiện ra rằng máy tính để bàn trung bình có lượng vi khuẩn nhiều hơn 400 lần so với bệ bồn cầu. Một số vi khuẩn này có thể sống sót tới 24 giờ và vi-rút gây nhiễm trùng đường hô hấp cũng có thể tồn tại trên bàn phím và các bề mặt dùng chung khác.
Bạn nên thường xuyên vệ sinh bàn phím máy tính của mình bằng cách lau với cồn và hạn chế dùng chung với người khác.
Những chiếc bình đựng xà phòng rửa tay có chứa tới 16% mẫu chứa vi khuẩn coliform. Vi khuẩn này có thể lây nhiễm sang bình từ môi trường nhà vệ sinh và khi mọi người chạm tay vào để lấy xà phòng.
Tuy nhiên, hầu như khi chạm vào bình đựng xà phòng cũng là lúc chúng ta rửa tay. Nên điều này không quá đáng lo ngại.
Hướng dẫn rửa tay đúng cách
- Làm ướt tay bằng nước sạch — tốt nhất là dưới vòi nước chảy.
- Thoa đủ xà phòng để phủ lên toàn bộ bề mặt bàn tay và cổ tay.
- Tạo bọt và chà xát hai bàn tay vào nhau thật nhanh và kỹ. Đảm bảo chà sạch toàn bộ bề mặt bàn tay, đầu ngón tay, móng tay và cổ tay.
- Chà tay và cổ tay trong ít nhất 20 giây.
- Rửa sạch tay và cổ tay dưới vòi nước sạch
- Lau khô tay và cổ tay bằng khăn sạch hoặc để khô tự nhiên.
- Dùng khăn để tắt vòi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn