Với các đối tượng bình thường, bệnh Rubella không quá nguy hiểm đối với sức khỏe. Nó chỉ xuất hiện các triệu chứng bệnh trong thời gian đầu khi hệ miễn dịch chưa hình thành được kháng thể chống lại căn bệnh này.
Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai mắc Rubella thì lại rất nguy hiểm bởi vì virus có trong máu và có thể đi qua nhau thai để gây bệnh cho thai nhi.
Rubella là căn bệnh truyền nhiễm, với phương thức lây truyền là bệnh lây từ người bệnh mang virus sang người khỏe mạnh qua đường hô hấp hoặc từ người mẹ sang thai nhi, trong thời gian từ trước và sau 1 tuần phát ban.
Ổ chứa mầm bệnh Rubella duy nhất là con người và tất cả các đối tượng chưa có miễn dịch với căn bệnh này đều có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên, những trường hợp sau khi mắc bệnh sẽ có miễn dịch bền vững.
Điều cần lưu ý là những người phụ nữ đang mang thai mắc rubella cũng có những biểu hiện lâm sàng tương tự với người bình thường nhiễm căn bệnh này. Chỉ có điều đối với sản phụ nhiễm rubella, điều đáng quan tâm nhất chính là virus gây bệnh Rubella đi qua nhau thai, lây truyền qua thai nhi và gây nên hội chứng Rubella bẩm sinh nguy hiểm.
Như vậy, nguyên nhân gây hội chứng Rubella bẩm sinh là do phụ nữ trong thời gian mang thai chưa có miễn dịch với căn bệnh Rubella và tiếp xúc với người bệnh do căn bệnh này lây truyền qua đường hô hấp.
Những trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh là những trẻ sinh ra từ người mẹ có tiền sử nhiễm rubella khi mang thai và có xét nghiệm IgM ( ) với rubella.
Theo các bác sỹ, hội chứng rubella bẩm sinh có thể phân ra thành 2 nhóm:
Nhóm A: tổn thương thính giác, đục thủy tinh thể, glaucoma bẩm sinh, bệnh tim bẩm sinh, , bệnh võng mạc sắc tố.
Nhóm B: não nhỏ, viêm não màng não, chậm phát triển, ban tím, gan lách to, vàng da, bệnh xương trong (thấy trong hình ảnh chụp X-quang).
Để chẩn đoán xác định trẻ sơ sinh có mắc hội chứng Rubella bẩm sinh hay không, các bác sỹ sẽ chỉ định xét nghiệm kháng thể trong máu cuống rốn, theo đó khẳng định nhiễm hội chứng này khi tìm thấy cả IgG và IgM.
Các thống kê cho thấy tỷ lệ bé bị rubella bẩm sinh theo thời gian của thai kỳ cụ thể như sau:
- Tháng đầu tiên thai kỳ: Tỉ lệ bé mắc rubella bẩm sinh từ 81 - 90%;
- Tháng thứ hai: 60 - 70%.
- Tháng thứ ba: 35 - 50%.
- Thai 13 - 16 tuần tuổi: 17%.
- Thai 17 - 20 tuần: 5%.
- Sau tuần thai thứ 20, tỷ lệ trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh giảm dần xuống còn 0 - 5%.
Như vậy, nguyên nhân gây hội chứng rubella bẩm sinh chủ yếu là những phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ, đặc biệt là thai phụ trong tháng đầu tiên thai kỳ nhiễm virus rubella. Có tới 25% các trẻ gặp phải những dị tật nguy hiểm khi mắc hội chứng này. Vì vậy, việc phòng tránh hội chứng Rubella bẩm sinh là cực kỳ cần thiết.
Như đã nói, hội chứng Rubella bẩm sinh xảy ra là do những người mẹ trong thời gian mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt đầu tiên mắc bệnh Rubella do chưa có miễn dịch hoặc do bị lây truyền từ người mắc bệnh. Vì thế, biện pháp phòng ngừa hội chứng này hiệu quả nhất, chủ động nhất chính là tiêm phòng Rubella trước khi mang thai.
Với những phụ nữ dự định sinh con, nên xét nghiệm huyết thanh để kiểm tra đã có miễn dịch với Rubella hay chưa. Trong trường hợp đã có kháng thể và số lượng kháng thể đủ để chống lại bệnh thì không cần phải tiêm phòng bổ sung bởi kháng thể này đủ bảo vệ cơ thể mẹ và bé suốt đời dù tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh Rubella.
Cần lưu ý rằng, với những phụ nữ có ý định có thai, cần tiêm phòng vắc xin tiền sản ít nhất 3 tháng, phụ nữ mới nên có thai. Ngoài ra, miễn dịch của người mẹ truyền cho con có thể bảo vệ trẻ trong vòng 6 đến 9 tháng sau khi sinh. Do đó, phụ huynh cần tiêm vắc xin phòng ngừa rubella cho trẻ từ lúc 12 tháng tuổi hoặc sớm hơn khi có dịch.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn