Hàng năm, cứ đến dịp Tết Nguyên đán, những người làm nghề buôn hoa cây cảnh phục vụ nhu cầu chơi Tết lại tất bật với công việc đi tìm mua hàng, tổ chức vận chuyển hàng hóa và thuê điểm bán hàng. Cùng với đó, một khoản tiền vốn kha khá phải bỏ ra để phục vụ nhu cầu buôn bán, ít thì vài chục triệu, nhiều thì có thể lên tới hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ đồng, đối với những mặt hàng cao cấp.
Anh Hoàng Văn Hưng ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, một người có thâm niên hàng chục năm buôn cây cảnh Tết, cho biết: “Năm nào nhà tôi cũng buôn cây cảnh Tết, mang từ Văn Giang, Hưng Yên xuống thành phố Hải Phòng để bán. Cái nghề này có đặc thù là mỗi năm chỉ làm 1 lần, và diễn ra chỉ trong khoảng 1 tháng, nên việc thắng bại cũng phụ thuộc vào may rủi rất lớn.
Để buôn cây cảnh dịp Tết, ngay từ tháng 11 âm lịch đã phải chuẩn bị vốn, ít thì vài chục triệu, nhiều thì vài trăm triệu. Mình phải đặt cọc cho chủ vườn, đến ngày đánh hàng đi thì phải thanh toán 100% tiền. Khi buôn ngạch này, đa phần những người buôn đều có kinh nghiệm làm lâu năm rồi, chứ mới vào nghề thì dễ gặp rủi ro lắm. Đặc biệt là bối cảnh bây giờ người dân đều thay đổi nhu cầu, kiểu dáng, mẫu mã trong thú chơi rất nhanh. Mình không nhạy bén là dễ thua lỗ lắm", anh Tuyến cho hay.
Việc buôn cây hàng Tết không giống như những loại hàng hóa khác, vì mỗi thị trường lại có nhu cầu khác nhau. Chẳng hạn thị trường xa như miền Nam chủ yếu chơi bưởi cảnh; các tỉnh ở vùng miền núi phía Bắc chủ yếu chơi các loại cây cam, quất cảnh; người dân ở các thành phố lại chuộng quất cảnh mini để bàn. Vì vậy, những người buôn cây đều phải nắm rõ các nhu cầu để lựa chọn mặt hàng phù hợp khi buôn bán.
Với nghề buôn cây cảnh Tết, có những đặc thù riêng, may mắn thì có thể trúng lời to, nhưng nếu không may thì cũng có thể chịu lỗ đậm, bởi rất nhiều yếu tố tác động.
Bà Nguyễn Thị Xuyên ở thành phố Yên Bái có thâm niên nhiều năm buôn cây cảnh Tết cho biết: "Nghề buôn cây cảnh Tết này có nhược điểm là thời gian bán hàng chỉ diễn ra trong khoảng 10 đến 15 ngày. Nếu lượng hàng nhập quá nhiều mà không bán hết thì chỉ có bỏ đi. Ngoài ra còn lệ thuộc giá cả thị trường, năm đắt năm rẻ, thậm chí là ở khu vực này đắt, nhưng ở khu vực kia lại rẻ, thế nên dân buôn hoa cây cảnh Tết thường nhắc nhau câu nói "Đắt chỗ buôn, buồn chỗ bán” là vì vậy. Rồi còn lệ thuộc cả vào thời tiết nữa, năm nào thời tiết mát, lạnh thì tốt, năm nào gặp trời nắng hanh thì cây bị xuống sắc, khô héo là buồn lắm, lúc ấy nhìn thấy lỗ vốn luôn”.
Anh Phạm Thanh Đồng ở thành phố Lào Cai, chia sẻ: "Năm nào tôi cũng lấy hoa mai từ Bình Định, lấy quất từ Hưng Yên về Lào Cai bán. Trước đó, mình phải đến nhà vườn làm hợp đồng mua bán và đặt cọc với chủ vườn. Nếu việc buôn bán gặp bất lợi, ế hàng không bán được thì cũng đành báo với chủ vườn rồi bỏ, chấp nhận mất tiền cọc, vì đã gặp bất lợi thì đánh cây đi cũng sẽ càng thua lỗ hơn, nên người buôn cây cảnh Tết như chúng tôi đều mang nỗi niềm trăn trở lắm”.
Tuy gặp nhiều khó khăn, nhiều nỗi niềm với nghề buôn hoa cây cảnh Tết, nhưng nó như một cái nghiệp với những người thương lái, nên hàng năm họ vẫn phải vật lộn buôn bán như một cái nghiệp mưu sinh, để đem hương sắc mùa xuân tới khắp các vùng miền của đất nước.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn