Rưng rưng hồi ức về Côn Đảo

16:28 | 11/12/2015;
Đến Côn Đảo vào những ngày tháng Tư lịch sử, xúc cảm về những hình ảnh đau thương trong quá khứ và sự bình yên của hiện tại cứ đan cài trong tôi…
Buổi tối đầu tiên đặt chân đến đảo, nhóm tôi đã rủ nhau ra viếng mộ cô Sáu (anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu). Trái với ý nghĩ Nghĩa trang Hàng Dương chắc sẽ vắng vẻ lắm, vào lúc nửa đêm, nơi đây có khá đông người đến thắp hương. Mùi hương trầm, những đốm đỏ lập lòe trên mộ cô Sáu và những chiến sĩ Cách mạng đã hy sinh càng làm tăng thêm không khí linh thiêng ở nơi đây.

Tận mắt chứng kiến những hình ảnh tái hiện cảnh tra tấn tù nhân, không khí ngột ngạt đến khi bước vào những nhà ngục năm xưa, bao người đã không cầm được nước mắt. Những “địa ngục trần gian”, nơi “sống không bằng chết” ở các trại giam Phú Tường (chuồng cọp Pháp), trại Phú Bình (chuồng cọp Mỹ), chuồng bò… khiến mỗi người trào dâng niềm xúc động nghẹn ngào trước những hy sinh quá đỗi lớn lao của những người con yêu nước cho hòa bình, độc lập của dân tộc.

Trong những ngày tháng lịch sử này, người dân Côn Đảo vẫn nhắc đến câu chuyện năm nào, khi trên chuyến tàu đầu tiên ra giải phóng Côn Đảo vào ngày 5/4/1975, 500 tấm ảnh Bác Hồ in lụa đã được chuyển tới Cầu Tàu 914 và được những người tù rước về trại giam một cách trang trọng.

Cái tên 'Cầu Tàu 914' là để tưởng nhớ những người đã chết trong lúc xây dựng Cầu Tàu. Ảnh: Mạnh Tiến, ST

Ở Côn Đảo 4 ngày, sau khi ăn tối, dạo một vòng đảo, tối nào tôi cũng quay về ngồi ở Cầu Tàu 914 - một địa danh lịch sử. Nơi đây được khởi công xây dựng vào năm 1873. Cái tên “Cầu Tàu 914” là để tưởng nhớ những người đã chết trong lúc xây dựng Cầu Tàu. Nhưng thực ra, những con số này chỉ mang tính ước lệ bởi không ai có thể thống kê chính xác có bao nhiêu người bị núi lở, đá đè, hoặc chết vì đòn roi khi chuyển đá, làm Cầu Tàu và kè đá dọc con đường ven biển ở Côn Đảo.

Đường phố ở Côn Đảo buổi tối vô cùng vắng vẻ. Có khi cả Cầu Tàu chỉ có duy nhất nhóm chúng tôi ngồi “nhâm nhi” hạt bàng rang (đặc sản Côn Đảo) và trò chuyện trong tiếng sóng biển rì rào, tiếng gió vi vút thổi. Cảm giác “quá đã” nếu bạn đến từ thành phố sôi động, tiếng còi xe, khói bụi “đeo bám” ngày nối ngày, thật khó để tìm được khoảnh khắc yên bình như thế.
 

Thoáng Côn Đảo. Ảnh: Mạnh Tiến, ST

Xuyên rừng
Chuyến đi tới Côn Đảo lần này, sau khi “xuống biển” - hành trình mà đa số mọi người lựa chọn khi đến đây, nhóm chúng tôi còn dành thời gian để có những trải nghiệm đáng nhớ: Xuyên rừng. Để đến Bãi ông Đụng, hành trình xuyên rừng khoảng 1 tiếng, vừa đi vừa nghỉ, vô cùng thú vị. Đồng hành với chúng tôi là nhóm học sinh trường THCS-THPT Võ Thị Sáu. Những công dân của đảo thoăn thoắt dẫn đường, vừa đi các em vừa kể về cuộc sống của người dân nơi đây, khiến chúng tôi thấy quãng đường như ngắn lại.

Có lẽ vì phải xuyên rừng, khá mệt mỏi, không thích hợp với du lịch nghỉ dưỡng nên không có nhiều khách Việt đến đây, lác đác vài nhóm người nước ngoài ngồi trò chuyện, ngắm cảnh, vô cùng thư thái. Bạn có thể ngả lưng xuống chiếc võng dù, hay ngồi xích đu, thả hồn ngắm trời mây xanh ngắt và màu nước biển xanh như ngọc bích, lóng lánh bạc dưới ánh mặt trời… Bạn nhớ mang theo chút đồ ăn nhẹ, bởi ở đây chỉ có một nhà hàng và không bán đồ ăn vặt… Trước khi ra về, hãy nhớ dọn sạch rác để bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, đúng như khẩu hiệu được treo ở nơi này: “Không lấy gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân”.

Dù đi rừng mệt mỏi nhưng vì muốn được ngắm nhìn toàn cảnh Côn Đảo từ trên cao, nên chúng tôi quyết định tiếp tục xuyên rừng sinh thái Sở Rẫy. Rừng Sở Rẫy khó đi, quãng đường dài hơn nhưng cũng thú vị hơn nhiều. Những rễ cây leo giăng từ bên này sang bên kia khiến cho chúng tôi có cảm giác đang thám hiểm và chinh phục rừng xanh. Thi thoảng, dừng chân nghỉ và ngẩng đầu lên ngắm muôn vàn tia nắng xuyên qua những kẽ lá xanh mướt, bạn sẽ thấy cảm giác vô cùng thú vị. Dù thở không ra hơi, đứng trên cao nhìn toàn cảnh Côn Đảo, để gió chạm thẳng vào mặt, hít thật căng lồng ngực bầu không khí trong lành… quả là không uổng công sức bỏ ra để đến nơi này.
 
Thông tin cho bạn
- Thời điểm tốt nhất để đi du lịch Côn Đảo là vào mùa khô, từ tháng 12 đến tháng 5, ít có những cơn bão bất thường.
- Bạn đặt vé máy bay từ Hà Nội vào TPHCM, rồi nối chuyến ngay sau đó từ TPHCM tới Côn Đảo hoặc có thể đi tàu từ TP Vũng Tàu ra đảo.
- Khi đến đảo, hãy thuê xe máy để tiện khám phá (giá từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng/ngày), đổ đầy xăng để có thể vi vu suốt mấy ngày ở đảo.
- Nhà nghỉ Ba Đoàn ngay gần Cầu Tàu 914, có bố trí gian bếp nhỏ để du khách tự nấu ăn nếu thích.
- Bạn có thể ăn đồ hải sản giá bình dân ở chợ đêm Côn Đảo, có đầy đủ các món đặc sản của vùng này như ốc vú nàng, tôm càng xanh nướng, mực một nắng…
- Các quán cà phê ở Côn Đảo có không gian rộng, thoáng đãng, cà phê khá ngon và giá khoảng 20.000 đồng/ly.
- Nếu bạn đến Côn Đảo vào ngày nghỉ và muốn có bạn đồng hành trong chuyến đi thì có thể gọi cho nhóm học sinh ở đây: Hùng: 0188.3341863, Ân: 0169.9648755.
 
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn