Ngày 13/01, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, Bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân 61 tuổi (nam, trú tại Bắc Ninh) bị ngừng tim phổi do ngộ độc Methanol.
Trươc đó, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ngừng tim phổi. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã đặt ống nội khí quản, thở máy. Sau khi tim đập lại, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức nội và chống độc (Trung tâm Hồi sức tích cực) tiếp tục cấp cứu.
Gia đình cho biết, bệnh nhân thường xuyên uống rượu. Tuy nhiên, người thân và gia đình không kiểm soát được.
Qua thăm khám, các bác sĩ thấy bệnh nhân hôn mê, thở máy, huyết áp phụ thuộc thuốc vận mạch liều cao, da nổi vân đá toàn thân, không xuất huyết tự nhiên, bụng mềm, gan to 4cm dưới bờ sườn, bờ sắc, mật độ chắc, lách không to, vô niệu. Các bác sĩ nghĩ đến khả năng ngừng tuần hoàn do ngộ độc Methanol.
Ngay sau đó, bệnh nhân đã được thở máy, lọc máu liên tục, điều chỉnh toan kiềm, điện giải, định lượng độc chất. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc methanol cấp (cồn công nghiệp) mức độ nặng (nồng độ methanol 78,13 mg/dl).
Ngay sau khi có kết quả định lượng nồng độ methanol trong máu, bệnh nhân được bổ sung rượu ethanol 20% theo quy trình điều trị bệnh nhân ngộ độc methanol cấp.
Theo đó, bệnh nhân tiếp tục được duy trì thở máy, lọc máu liên tục, điều chỉnh toan kiềm, điện giải, ethanol 20% theo phác đồ trong 48 tiếng. Bệnh nhân diễn biến ổn định, được rút ống nội khí quản, cắt các thuốc vận mạch, chức năng các tạng hồi phục dần.
Sau 1 tuần điều trị nội khoa tích cực, bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch và không để lại di chứng gì.
Theo các bác sĩ, đây là một trong số ít các bệnh nhân ngộ độc methanol cấp tính, ngừng tuần hoàn đã được điều trị thành công, ra viện không để lại biến chứng gì.
Có thể chết người
Các chuyên gia cho biết, methanol (cồn công nghiệp) còn có các tên gọi khác như gọi là ancol metylic, alcohol gỗ, naphtha gỗ hay rượu mạnh gỗ. Đây là một hợp chất hóa học với công thức hóa học của methanol là CH3OH hay CH4O (thường viết tắt MeOH). Methanol tức rượu methyl, là một chất cồn, có dạng là một chất lỏng nhẹ, dễ bay hơi, không màu, dễ cháy, và khá độc, có mùi rất giống với mùi của ethanol nhưng nhẹ hơn.
Trong công nghiệp, dung môi Methanol là nhiên liệu cho ngành giao thông vận tải, tạo metyl tert- butyl ete để pha vào làm tăng tỉ số octan thay cho tetraetyl chì là chất gây ô nhiễm cho môi trường; Methanol là loại dung môi phổ biến sử dụng trong phòng thí nghiệm, đặc biệt dùng để chạy sắc ký lỏng, nâng cap HPLC, chaỵ phổ UV-VIS; Methanol công nghiệp được dùng trong xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp; Methanol thường được dùng trong công nghiệp để làm chất chống đông lạnh, làm dung môi trong nước rửa kính xe, chất tẩy rửa sơn, mực in máy photo và làm nhiên liệu cho các bếp lò loại nhỏ…
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên. Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai)0 cho biếy, khi thấy người có biểu hiện nặng, nguy hiểm sau uống rượu cần được đưa đến bệnh viện cấp cứu khi có các dấu hiệu:
- Co giật Tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo;
- Thở khò khè, ứ đọng đờm rãi ở miệng họng, ho yếu';
- Thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh;
- Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh;
- Đi vệ sinh ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường);
- Nhìn mờ, nhìn một vật thành hai Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng;
- Mệt nhiều.
Về nguyên tắc, methanol có trong rượu ethylic (rượu uống) phải thấp dưới mức 0,1%. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên người ta thường tạo ra các loại rượu trôi nổi có hàm lượng methanol trong rượu rất cao, dễ gây ngộ độc. Theo dược sĩ Lê Thu Phương, Methanol dễ dàng được hấp thu qua ruột, da, phổi của người. Sau khi được đưa vào cơ thể, methanol sẽ đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 30 - 60 phút. Hóa chất này được phân bố rộng rãi vào các chất dịch của cơ thể với thể tích phân phối là 0,6 lít/kg, được chuyển hóa chậm và thất thường ở gan. Khoảng 3% lượng methanol đưa vào cơ thể được đào thải qua phổi hoặc đào thải nguyên vẹn không thay đổi qua nước tiểu. Bản thân của Methanol không mang nhiều độc tính.
Tuy nhiên, methanol khi đưa vào cơ thể chúng ta sẽ chuyển hóa methanol thành phóc-man-đê-hít (Formaldehyde) và tiếp đến là axit pho-míc (formic acid). Khi đó, nó sẽ phá vỡ chức năng tế bào, làm ngưng trệ khả năng chuyển hóa năng lượng, khiến năng lượng bị tích tụ mà không thể giải phóng, để rồi các tế bào nổ tung; 10ml trộn vào đồ uống là đủ để gây ra mù vĩnh viễn; 30ml (1 ngụm) có thể gây chết người.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Hồng Tốt, Khoa Hồi sức nội và chống độc (Trung tâm Hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), rượu nào cũng có hại đối với sức khỏe, ngay cả những loại rượu đạt chất lượng sản xuất theo quy định. Trong trường hợp trên, nếu không được nhập viện, điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong ở mức rất cao, một số trường hợp may mắn được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác.
Bác sĩ Tốt khuyến cáo, hiện đang là thời điểm cuối năm và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Do đó, người dân sẽ sử dụng rượu bia nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu dùng rượu, người dân cần sử dụng rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, người dân cũng nên hạn chế sử dụng rượu bia để đảm bảo sức khỏe, đặc biệt là không uống ượng bia khi tham gia giao thông.
Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết cổ truyền và các ngày lễ hội Xuân, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến nghị đối với người dân:
- Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống;
- Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc;
- Phải uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng;
- Sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,… Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn