Tại Hội thảo Tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội mùa Xuân 2018 do Bộ Y tế tổ chức chiều ngày 31/1, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết, theo số liệu thống kê, năm 2015 cả nước đã sản xuất được 188 triệu lít rượu công nghiệp và tiếp tục tăng hàng năm. Dự kiến đến năm 2025, sản lượng ước đạt là 440 triệu lít. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất rượu thủ công trung bình đạt 255 triệu lít/năm.
Việc sản lượng rượu tiếp tục tăng là dấu hiệu rất đáng báo động, bởi tiềm ẩn nhiều nguy cơ do lạm dụng dụng. Đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, rượu là nguyên nhân của 32% số vụ đánh nhau, 18% các vụ tai nạn giao thông và 60 loại bệnh như gan, dạ dày, tim mạch... Còn theo đánh giá cua Viện sức khỏe tâm thần TƯ, tỷ lệ bệnh nhân phải điều trị tâm thần do rượu chiếm khoảng 6% và có xu hướng gia tăng.
Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, trong giai đoạn 2013-2017, cả nước có 179 người bị ngộ độc rượu, trong đó 34 người chết. Ngoài ra, một số trường hợp nhỏ lẻ có tiền sử sử dụng rượu uống cồn y tế gây ngộ độc bị tử vong và gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong đó có những vụ ngộ độc rượu với số người phải nhập viện và tử vong lớn. Ví như vụ ngộ độc rượu tại Lai Châu (tháng 3/2017) làm hơn 50 người nhập viện, trong đó 10 trường hợp tử vong.
Theo đánh giá của Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), nguyên nhân các vụ ngộ độc rượu thời gian qua chủ yếu là do các đối tượng đã pha chế cồn công nghiệp có nồng độ methanol cao gấp nhiều lần cho phép bán cho người tiêu dùng; nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, rượu thủ công còn hạn chế, nhất là ở nhóm người có điều kiện kinh tế khó khăn; khi bị ngộ độc rượu người dân cho rằng đó là biểu hiện say thông thường nên không đưa đi cấp cứu, đến khi phát hiện thì đã muộn; công tác kiểm tra, quản lý sản xuất, kinh doanh rượu còn nhiều hạn chế…
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, rượu gây rất nhiều tác hại cho cơ thể. Trong đó, rượu là nguyên nhân của nhiều loại bệnh tật. Thế nhưng, dù đã tuyên truyền nhưng nhiều người dân vẫn sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc dẫn đến ngộ độc. Đặc biệt, thời điểm Tết Nguyên đán và trong các lễ hội thì tình trạng ngộ độc ngày càng tăng dẫn đến hậu quả đau lòng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để hạn chế ngộ độc rượu, cơ quan chức năng và ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, thay đổi hành vi cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rượu an toàn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra nhằm ngăn ngừa tình trạng rượu không rõ nguồn gốc, rượu trôi nổi không an toàn. Hơn nữa, củng cố hệ thống giám sát và phòng chống ngộ độc thực phẩm do rượu; đầu tư nhân lực, trang thiết bị, kỹ thuật kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của rượu. Ngoài ra, các ban, ngành, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần phối hợp giám sát đối với sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn.