Rút ngắn khoảng cách “con nhà người ta” với con mình

16:39 | 12/06/2022;
Khi thấy những việc xuất sắc của bạn đồng lứa trong học tập và trong cuộc sống, trẻ có sự khâm phục, có trẻ sẽ ngầm so sánh mình với bạn. Nếu lúc này cha mẹ kịp thời gợi mở, dẫn dắt con một cách đúng đắn thì những tấm gương này sẽ mang lại động lực tích cực, là nguồn cổ vũ to lớn cho con phấn đấu.

Hầu như đứa trẻ nào cũng ghét "con nhà người ta". Bởi do "con nhà người ta" nên mình bị bố mẹ mắng chửi, đánh đập, cằn nhằn không ngớt. Nhiều bố mẹ nói "con nhà người ta" với mong muốn con học theo tấm gương tốt nhưng hiệu quả thường không mấy tốt đẹp.

Bông và cô em họ tên Hà trước đây khá thân nhau. Cứ tưởng, khi học cùng lớp nhau, mối quan hệ của hai chị em sẽ ngày càng gắn kết. Thế nhưng, thời gian gần đây, Bông rất ghét cô em họ của mình. Cứ nhìn thấy cô em họ là Bông cảm thấy khó chịu, không muốn đứng gần, không muốn nói chuyện.

Cũng bởi, hai chị em học cùng lớp nên kết quả học tập rất dễ so sánh. Chỉ cần Bông không chăm chỉ, điểm số không cao là lại bị bố mẹ cằn nhằn: Bố mẹ thật xấu hổ khi con chẳng có điểm gì nổi bật. Nhìn em Hà kìa. Em vừa học giỏi nhất lớp, lại còn xinh đẹp, ngoan ngoãn nữa. Bố mẹ chỉ mong con bằng một phần em Hà thôi.

Đặc biệt, mỗi kỳ thi đến, với Bông, chẳng khác gì cực hình. Rền rã nhiều ngày, bố mẹ cứ lấy em Hà ra để nêu gương, để so sánh. Bông cảm thấy bố mẹ không coi mình ra gì. Trong mắt bố mẹ, em chỉ là đứa con vô dụng, dốt nát. Em ghét Hà là vì thế. Nếu không có em ấy, em đã không bị so sánh sát sàn sạt thế này.

Giống như bố mẹ Bông, nhiều gia đình thường lấy những việc làm xuất sắc hoặc tài năng nổi bật của những trẻ cùng lứa khác để làm gương dạy dỗ con cái mình. Cách giáo dục nếu vận dụng tốt sẽ mang lại tác dụng tích cực, nhưng nếu vận dụng không đúng, có thể sẽ gây phản tác dụng.

Bởi, khen "con nhà người ta", chê con nhà mình với những lời lẽ châm biếm dễ khiến trẻ sinh ta tâm lý chống đối. "Dù gì mình cũng chẳng thể bằng cậu ta. Kệ thôi, cứ thế này cũng dược!". Khi con trẻ đã có tâm lý như vậy, những tấm gương tốt không còn tác dụng giáo dục nữa. Đáng ngại hơn, một số đứa trẻ có thể nảy sinh tâm lý rất tiêu cực, sau này chúng luôn ghét bỏ bất cứ bạn nào có thành tích học tập tốt, được thầy cô, cha mẹ khen ngợi.

Khi thấy những việc xuất sắc của bạn đồng lứa trong học tập và trong cuộc sống, trẻ có sự khâm phục, có trẻ sẽ ngầm so sánh mình với bạn. Nếu lúc này cha mẹ kịp thời gợi mở, dẫn dắt con một cách đúng đắn thì những tấm gương này sẽ mang lại động lực tích cực, là nguồn cổ vũ to lớn cho con phấn đấu.

Làm thế nào để những tấm gương "con nhà người ta" có thể mang lại tác dụng tích cực đối với trẻ là điều cha mẹ cần quan tâm. Cách đơn giản là cha mẹ không nên kéo xa khoảng cách "con nhà người ta" và con mình. Mà hãy rút ngắn khoảng cách này lại để trẻ có ước mơ nằm trong tầm với, tạo động lực và khát vọng theo đuổi ước mơ. Ví dụ, khi thấy một bạn nhỏ viết thư pháp rất đẹp, phụ huynh đừng ngần ngại nói với con mình: Bức thư pháp này viết đẹp quá nhưng bố thấy bạn ấy không phải bẩm sinh đã viết đẹp. Nếu con chăm chỉ luyện tập khoảng nửa năm, chắc chắn con cũng đạt được trình độ như bạn, có khi còn có thể viết đẹp hơn bạn…

Khen con nhiều hơn, con sẽ được khích lệ nhiều hơn, việc dạy dỗ con sẽ thành công. Cha mẹ khen con giỏi, không có nghĩa là con thực sự giỏi mới khen, mà là khen để động viên con phấn đấu hơn. Ví dụ, khi con hát, nếu cha mẹ chê con hát không hay, con sẽ ngày càng mất tự tin và không tiến bộ. Còn nếu cha mẹ khen con hát hay, con sẽ líu lo suốt ngày. Luyện tập nhiều sẽ giúp con hát ngày càng hay hơn.

Kéo xa khoảng cách giữa con và tấm gương chỉ làm con sinh ra tâm lý tự tin, cảm thấy mục tiêu rất xa vời, bản thân không thể với tới. Vì vậy, trẻ sẽ buông xuôi, không có ý chí phấn đấu. Bởi thế, cha mẹ thông thái nên học cách thu ngắn tối đa khoảng cách này. Cổ vũ, khích lệ con nhiều hơn, có như vậy mới giúp con xây dựng lòng tự tin, khiến chúng cảm thấy mình không thua kém bạn, tạo động lực thúc đẩy con học theo tấm gương.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn