Ruy băng trắng gắn kết nam giới chống lại bạo lực gia đình

06:00 | 25/11/2019;
Chiến dịch Ruy băng trắng là một phong trào nhằm gắn kết nam giới đứng lên chống lại bạo lực gia đình (BLGĐ). Chiến dịch cũng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái và khuyến khích nam giới cam kết không gây bạo lực, không im lặng đối với vấn nạn này.
 
Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Trên phạm vi toàn cầu, cứ 3 người phụ nữ đã quan hệ tình dục hoặc kết hôn, thì có 1 phụ nữ từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần từ bạn đời... 38% các vụ giết người mà nạn nhân là phụ nữ có liên quan đến nam giới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người phụ nữ, mà còn gây ra những hệ quả về kinh tế - xã hội - an ninh cho mỗi quốc gia. Liên hợp quốc (LHQ) và các nước trên thế giới đã có nhiều cố gắng trong việc phòng, chống bạo lực gia đình và ban hành nhiều văn kiện pháp lý liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình. Hiện đã có 89 nước trên thế giới có các quy định pháp luật riêng về vấn đề này.
 
 
Lời kêu gọi chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ
LHQ kêu gọi các quốc gia cùng cam kết và nỗ lực hành động nhằm đẩy lùi vấn nạn bạo lực gia đình, trong đó chỉ rõ ưu tiên nâng cao vai trò của nam giới để thúc đẩy bình đẳng giới. Kêu gọi nam giới lên tiếng bảo vệ phụ nữ, gắn kết họ trong các chính sách liên quan đến phụ nữ, là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự thay đổi, hướng tới xây dựng xã hội không bạo lực với phụ nữ. Năm 1999, Đại hội đồng LHQ đã lấy ngày 25/11 hàng năm là Ngày Quốc tế xóa bỏ Bạo lực đối với phụ nữ với biểu tượng ruy băng trắng. Chiến dịch Ruy băng trắng cũng được triển khai từ thời điểm đó tại nhiều quốc gia trên thế giới và đạt được những kết quả tích cực.
 
 
Chiến dịch Ruy băng trắng ở Scotland
Chiến dịch Ruy băng trắng thường bắt đầu từ ngày Quốc tế xóa bỏ các hình thức bạo lực đối với Phụ nữ (25/11) đến Ngày Nhân quyền quốc tế (10/12). Chiến dịch Ruy băng trắng đồng thời khởi động cho Chiến dịch 16 Ngày Hành động Xóa bỏ Bạo lực đối với phụ nữ do nguyên Tổng thư Ký Liên hợp quốc Ban-Ki Moon phát động. Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái và khuyến khích nam giới tham gia ứng phó với thực trạng này, cam kết không bạo lực, không im lặng đối với vấn nạn bạo lực.
 
 
Chiến dịch Ruy băng trắng ở Australia
Riêng ở Australia, chiến dịch Ruy băng trắng bắt đầu năm 2003 trên cơ sở tầm nhìn "Tất cả phụ nữ sống an toàn thoát khỏi các hình thức bạo lực của nam giới". Chiến dịch thúc đẩy và khuyến khích lãnh đạo nam giới trong việc ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ dựa trên sự hiểu biết rằng hầu hết đàn ông đều phát sinh bạo lực.
 
Năm 2019, chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison cam kết chi 328 triệu AUD (232,7 triệu USD) để phòng chống bạo lực gia đình, trong đó có việc xây dựng chiến lược quốc gia lần đầu tiên ở Australia cho hoạt động này. Cụ thể gói hỗ trợ này sẽ được dùng để chi trả cho các chương trình ngăn chặn bạo lực gia đình, dịch vụ đường dây nóng, xây dựng nơi trú ẩn an toàn cho trẻ em và phụ nữ cũng như đào tạo nhân viên y tế để nhanh chóng phát hiện nạn nhân của bạo lực gia đình.
 
 
Thủ tướng Scott Morrison cam kết chấm dứt tình trạng bạo lực gia đình
Thủ tướng Scott Morrison cho biết, ông mong muốn gói hỗ trợ này sẽ chấm dứt tình trạng bạo lực gia đình và “những trẻ em gái khi được sinh ra ngày nay sẽ không còn trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình trong 20 năm đầu của cuộc đời”. Cùng với gói hỗ trợ này, kể từ năm 2013 cho đến nay, Australia đã dành ngân quỹ lên tới 840 triệu AUD cho nỗ lực phòng chống bạo lực gia đình.
 
 
Ruy băng trắng mang lời kêu gọi nam giới chung tay chống bạo lực với phụ nữ

 

Trong một diễn biến liên quan, từ ngày 7/3/2019, Bộ trưởng Bộ nhập cư Australia cũng sẽ cấm những người đã từng bị buộc tội bạo lực gia đình nhập cư vào nước này. Trên thực tế, Australia đã từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho một số đối tượng đã từng có hành vi bạo lực đối với những người thân trong gia đình. Theo Bộ trưởng Di trú David Coleman, Australia sẽ không bao giờ dung thứ cho những tội phạm đó. Xứ sở chuột túi từng từ chối để hai ngôi sao nhập cảnh vì lý do trên: Đó là nam ca sĩ người Mỹ Chris Brown với tội danh bạo hành bạn gái cũ Rihanna và võ sĩ quyền Anh Floyd Mayweather.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn