S-City: Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái

10:45 | 08/02/2019;
Tìm đường, cảnh báo an toàn, số điện thoại khẩn cấp, đánh giá chất lượng dịch vụ và báo cáo tình trạng quấy rối… là một số tính năng có trong ứng dụng S-City, nhằm hướng đến một thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Sau hơn 1 năm triển khai, S-City ngày càng mang đến sự yên tâm cho người yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái mỗi khi ra đường.

“Người bảo vệ thầm lặng” 

Là một phụ nữ khuyết tật, mỗi khi ra đường một mình, chị Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Trung tâm hành động vì sự phát triển hòa nhập, không khỏi lo ngại về sự an toàn. Thế nên, khi ứng dụng S-City được tổ chức ActionAid Việt Nam ra mắt vào tháng 6/2017, chị Oanh thấy yên tâm hơn khi cài phần mềm này vào điện thoại di động.

sc.jpg
Ứng dụng S-City có nhiều chức năng hữu ích như tìm đường, báo động an toàn, gọi điện thông báo hỗ trợ khẩn cấp, đánh giá chất lượng dịch vụ, và báo cáo tình trạng quấy rối

  

“Nó thật sự hữu ích đối với người sử dụng, đặc biệt là với phụ nữ khuyết tật như tôi. Giả dụ bây giờ tôi đến một nơi nào đó, tôi sẽ mở ứng dụng này ra xem ở đó có an toàn hay không. Nếu có phản hồi điểm đó không an toàn lắm, tôi sẽ không đi hoặc đi cùng bạn bè, người thân”.

 

Không riêng chị Oanh, nhiều phụ nữ khác cũng tìm cho mình một “điểm tựa” nhờ phần mềm này. Công việc đặc thù hay phải đi làm về khuya, không ít lần chị Nguyễn Thị Lan (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải đi như chạy khi bị những ánh mắt soi mói, những lời chọc ghẹo ở gần khu vực bến xe Giáp Bát.

 

Qua một người bạn, chị biết đến phần mềm S-City và sau đó đã tải về điện thoại của mình để phòng thân. “Phần mềm sẽ đánh giá độ an toàn nơi mình sắp đi qua, từ đó đưa ra những lựa chọn hữu ích, an toàn hơn. Đặc biệt, ứng dụng này có những tính năng như phát tín hiệu kêu cứu, gọi điện thoại khẩn cấp, chat riêng hoặc chat nhóm với bạn bè. Nó đảm bảo rằng, mình luôn có sự kết nối với những người xung quanh để được trợ giúp khi cần”, chị Lan chia sẻ.

 

Hướng tới con số 10 nghìn người sử dụng 

Chia sẻ về ứng dụng thông minh này, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện ActionAid tại Việt Nam, cho biết, năm 2014 ActionAid tiến hành khảo sát “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái từ năm 2014” tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Có hơn 2 nghìn người tham gia trả lời phỏng vấn về các nội dung mà ActionAid đưa ra.

 

hqdefault.jpg
Theo bà Thảo, S-City dựa trên ý tưởng từ một phần mềm ở Ấn Độ, tuy nhiên khi xây dựng ở Việt Nam, S-City có nhiều điểm mới và phát triển hơn.

 

Theo kết quả khảo sát, 45% số mẫu cho rằng, so với các rủi ro khác như tai nạn giao thông, cướp giật, móc túi, quấy rối tình dục là vấn đề có nguy cơ xảy ra cao nhất đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng tại đô thị. 87% phụ nữ và trẻ em gái được hỏi từng bị quấy rối tình dục. Điều đáng nói, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, có tới 89% nam giới và người chứng kiến những vụ việc này. 

 

Sau khi kết quả này được công bố, các cơ quan chức năng ở Việt Nam đã có nhiều biện pháp nhằm thay đổi thực trạng này như lắp thêm camera ở các điểm công cộng, tăng cường hệ thống chiếu sáng... Đến năm 2016, ActionAid tiếp tục khảo sát và lần này kết quả giảm xuống còn hơn 65%. “Đây là kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên chúng tôi vẫn còn nhiều trăn trở và mong muốn có một môi trường thực sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Năm 2016, phần mềm S-City ra đời xuất phát từ mong muốn đó”, bà Hoàng Phương Thảo nhấn mạnh.

 

ung-dung-4.jpg
Số điện thoại khẩn cấp được cài đặt sẵn

 

Theo bà Thảo, S-City dựa trên ý tưởng từ một phần mềm ở Ấn Độ, tuy nhiên khi xây dựng ở Việt Nam S-City có nhiều điểm mới và phát triển hơn. Những điểm mới của S – City như có thêm số điện thoại nóng, số điện thoại khẩn cấp để người dùng có thể gọi khi cần hỗ trợ. Đặc biệt, những số điện thoại cài vào đây đều gọi miễn phí. Ngoài ra, S-City có đánh giá sự hài lòng của người dùng đối với những nơi mà họ đã đến. Người dùng cũng có thể chat trực tiếp trên phần mềm này với bạn bè của mình.

 

Theo kết quả sơ bộ từ ActionAid, sau hơn 1 năm triển khai, ứng dụng S – City đang dần trở thành “một người dẫn đường, người bạn tin cậy” của nhiều phụ nữ ở các thành phố như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, có hàng nghìn người đã tải và cài đặt ứng dụng này trên điện thoại thông minh của mình.

 

“Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có khoảng 10 nghìn phụ nữ, trẻ em sử dụng ứng dụng này. Tình trạng quấy rối tình dục, sự mất an toàn đối với phụ nữ, trẻ em sẽ được giảm thiểu”, bà Hoàng Phương Thảo chia sẻ.

Nói về dự án này của ActionAid, ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho rằng, với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, ứng dụng S-City sẽ nhận được sự chào đón và phản hồi tích cực từ người sử dụng. Bằng sự chủ động trong việc tự bảo vệ bản thân cũng như tham gia đánh giá chất lượng dịch vụ tại các điểm công cộng, phụ nữ và trẻ em gái sẽ được sống trong một môi trường an toàn. Đây chính là một trong các tiêu chí của Thành phố và Cộng đồng An toàn với Phụ nữ và trẻ em gái mà Vụ Bình đẳng giới mong muốn sẽ xây dựng, thí điểm và áp dụng vào năm 2020.       

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn