Sa Pa: Du lịch cộng đồng - "đòn bẩy" nâng cao vị thế phụ nữ dân tộc

21:31 | 10/05/2023;
Giờ đây, trong mái nhà của những người phụ nữ dân tộc ở Sa Pa (Lào Cai) đã có sự thay đổi từ việc phân công lao động đến cơ cấu thu nhập. Họ đang ngày càng thể hiện rõ vai trò, vị thế của mình trong gia đình và cộng đồng.

Những "bà chủ" làm du lịch cộng đồng

Trước kia, vợ chồng chị Giàng Thị Xa, dân tộc Mông, ở thôn Giàng Tra, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa (Lào Cai), chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập từ ruộng nương. Giờ đây, chị Xa đã có thể tạo ra nguồn thu nhập khá ổn định từ các hoạt động du lịch như mở Homestay, sản xuất, kinh doanh hàng thổ cẩm, trang sức, mỹ nghệ... hay trình diễn nghề thủ công truyền thống phục vụ du khách.

Sa Pa: Du lịch cộng đồng – "đòn bẩy" nâng cao vị thế phụ nữ dân tộc - Ảnh 1.

Chị Giàng Thị Xa có thể tạo ra nguồn thu nhập khá ổn định từ các hoạt động du lịch như mở Homestay, sản xuất, kinh doanh hàng thổ cẩm, trang sức, mỹ nghệ

Chị Xa bắt đầu làm Homestay từ năm 2014, ban đầu chị sửa chữa cải tạo lại căn nhà đang ở, sau đó chị tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 5 phòng. "Vào thời điểm chưa có dịch Covid-19, mỗi tháng tôi đón được khoảng hơn trăm lượt khách, với mức thu tiền lưu trú 100 nghìn đồng/người, cộng với các dịch vụ như ăn uống, hàng lưu niệm đi kèm", chị Xa chia sẻ.

Để dịch vụ du lịch hiệu quả, chị Xa luôn phải tự chủ động lập kế hoạch quảng bá Homestay, mua bán, nhập nguyên liệu để sản xuất đồ thổ cẩm sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường, thị hiếu của du khách.

Đặc biệt, chị Xa cho biết, nếu như làm nông nghiệp, chồng chị là người ra quyết định mọi việc thì với du lịch, chị Xa sẽ là người quyết định toàn bộ. "Vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Homestay gần như không có khách, tôi phải quay sang tập trung bán hàng thổ cẩm online để duy trì nguồn thu cho cơ sở du lịch của gia đình", chị Xa kể.

Tương tự, chị Thào Thị Sung, dân tộc Mông, ở thôn Can Ngài, xã Tả Phìn, vay vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội để làm dịch vụ du lịch với số tiền 50 triệu đồng. Số tiền này, chị Sung đầu tư nhập hàng hóa, nguyên liệu để làm hàng thổ cẩm phụ vụ du khách trong và ngoài nước. Hiện hàng tháng, chị Sung có thu nhập khoảng 5 -7 triệu đồng.

Sa Pa: Du lịch cộng đồng – "đòn bẩy" nâng cao vị thế phụ nữ dân tộc - Ảnh 2.

Chị em phụ nữ chính là những người lên kế hoạch và triển khai các hoạt động du lịch cộng đồng

Anh Giàng A Sáu, ở thôn Cát Cát, xã San Sả Hồ, chia sẻ, hầu hết chị em người Mông trong thôn giờ đều làm du lịch, người đầu tư mở Homestay, người buôn bán thổ cẩm, đồ lưu niệm. Vào những ngày cuối tuần, dịp lễ Tết đông khách, họ nghỉ hẳn ruộng nương, ở nhà đón khách du lịch. "Đời sống kinh tế của chị em ngày càng được nâng cao, vị thế trong gia đình, trong xã hội của người phụ nữ Mông được cản thiện đáng kể so với trước đây. Giờ họ đều là các "bà chủ" hết rồi", anh Giàng A Sáu cười cho biết.

Xưa kia, người Mông sống tự cung tự cấp, lấy lao động sản xuất nông nghiệp làm kế sinh nhai, nên mọi quyền quyết định trong gia đình chủ yếu là do nam giới, bởi họ là trụ cột chính trong lao động. Nhưng từ khi có phong trào làm du lịch cộng đồng thì mọi chuyện đã thay đổi. Chị em chính là những người lên kế hoạch và triển khai các hoạt động này.

TS Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Lào Cai

Sa Pa: Du lịch cộng đồng – "đòn bẩy" nâng cao vị thế phụ nữ dân tộc - Ảnh 4.

Du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng tại Sa Pa

Nâng cao vai trò của phụ nữ dân tộc

Bà Lý Mẩy Pham, Chủ tịch Hội LHPN xã Tả Phìn, cho biết, chị em người dân tộc nơi đây tham gia hoạt động dịch vụ du lịch từ trước những năm 2000. Thời điểm ban đầu, họ chủ yếu là bán hàng rong, sau này, các hoạt động được nâng cấp hơn như mở Homestay, buôn bán, sản xuất thổ cẩm...

"Phụ nữ dân tộc ở Sa Pa có một lợi thế nữa, là họ được tiếp cận với các hoạt động du lịch từ nhỏ, nhiều người có khả năng ngoại ngữ, khả năng tiếp cận thông tin truyền thông tốt hơn nam giới, nên nhanh nhạy với thị trường", bà Lý Mẩy Pham chia sẻ.

Sa Pa: Du lịch cộng đồng – "đòn bẩy" nâng cao vị thế phụ nữ dân tộc - Ảnh 4.

Việc làm du lịch của chị em phụ nữ dân tộc đã chuyên nghiệp hơn

Cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các cấp, ngành, giờ đây, việc làm du lịch của chị em phụ nữ dân tộc đã chuyên nghiệp hơn, kỹ năng cao hơn rất nhiều. Họ bắt đầu có những tư duy thị trường và chủ động trong các hoạt động kinh tế, từ đó nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Ngoài ra, Hội LHPN xã Tả Phìn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm cầu nối giúp chị em phát triển dịch vụ du lịch, như việc thành lập Hợp tác xã thổ cẩm, hợp tác với các doanh nghiệp ở Hà Nội để tìm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời cập nhật các loại hình sản phẩm, mẫu mã cho phù hợp nhu cầu thị hiếu của khách hàng. Nhờ đó mà chị em hội viên Hợp tác xã luôn chủ động, tự tin sản xuất hàng hóa.

Sa Pa: Du lịch cộng đồng – "đòn bẩy" nâng cao vị thế phụ nữ dân tộc - Ảnh 5.

Một hoạt động trải nghiệm của du khách tại Sa Pa

Theo bà Lý Mẩy Pham, hiện nay trong xã Tả Phìn có Hợp tác xã thổ cẩm với 120 xã viên; Hợp tác xã du lịch cộng đồng với 40 xã viên. Những người tham gia Hợp tác xã chủ yếu là người Mông và người Dao, trong đó phụ nữ chiếm 80%, đặc biệt là Hợp tác xã thổ cẩm có 100% xã viên là phụ nữ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn