Sa Pa thời 'tăng trưởng nóng': 'Hãy đặt tình thương, lòng trắc ẩn đúng chỗ'

09:00 | 18/11/2018;
Những năm gần đây, Sa Pa đạt mức tăng trưởng về du lịch “chóng mặt”. Cùng với đó, tỉ lệ lao động nữ, lao động trẻ em đóng góp vào ngành du lịch tại đây cũng tăng cao. Điều đáng lo ngại là nhiều người vì chạy theo thị hiếu của du khách đã làm mất đi bản sắc.

Nỗ lực để Sa Pa không làm thất vọng du khách 

Theo ông Nguyễn Đình Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTTDL) Lào Cai - du lịch Lào Cai liên tục tăng trưởng và đạt những con số ấn tượng: Năm 2017, Lào Cai đạt 3,5 triệu lượt khách, doanh thu 9.443 tỷ đồng. Dự kiến năm 2018 đón 4,2 triệu lượt khách, tăng gấp 2 lần so với năm 2015, doanh thu từ du lịch đạt 12.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2015. đến năm 2020, tỉnh Lào Cai sẽ đón 5,5 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 18.000 tỷ đồng, số lượng lao động và việc làm là 33.000.

2-chu-tich-hpn-lc-21.jpg
Ông Nguyễn Đình Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Lào Cai 

 

Sự tăng trưởng “nóng” với các con số ấn tượng như trên đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho địa phương. Tuy nhiên, ngành du lịch Lào Cai cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới như nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách, thiếu tính chuyên nghiệp dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho phát triển bền vững, như các vấn đề về vệ sinh môi trường, tình trạng bán hàng rong và mai một văn hóa bản địa.

 

Cũng theo ông Nguyễn Đình Dũng, việc phát triển du lịch cân bằng giữa bản sắc và hiện đại là tiêu chí của những người làm văn hóa bền vững. Song, bản thân ông cũng cảm thấy e ngại khi khách du lịch nói rằng “Sa Pa đang mất dần nét văn hóa”. Đó cũng chính là trăn trở của những người làm du lịch và là “bài toán khó” để giải quyết hài hòa.

 

Bà Lưu Ngân Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sa Pa, cho biết, trong nhiều năm qua, Hội LHPN huyện đã tích cực làm công tác tuyên truyền vận động tới hội viên và nhân dân về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bằng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái, vận động phụ nữ ký cam kết thực hiện không bán hàng rong, chèo kéo du khách. Tuy nhiên, với trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế ở một bộ phận phụ nữ thì công tác này vẫn đang gặp nhiều khó khăn, cần nhiều thời gian để giải quyết.

 

Theo bà Lưu Ngân Hà, tính đến tháng 9/2018, huyện Sa Pa có 110 phụ nữ, 59 trẻ em bán hàng rong, ăn xin, chủ yếu đến từ các xã: Trung Chải, San Sả Hồ, Lao Chải... và đa phần là người dân tộc Mông.

img_0840.JPG
Người dân bán những nông sản do mình làm ra ở Sa Pa

 

Tình trạng chèo kéo khách du lịch vẫn là điều nhức nhối mà Hội LHPN huyện Sa Pa rất quan tâm và thường xuyên có biện pháp vận động, khắc phục. Bà Lưu Ngân Hà cho biết, Hội đã và đang phối hợp tuyên truyền cộng đồng, xây dựng băng đĩa tuyên truyền bằng 4 thứ tiếng Việt, Anh, Mông, Dao phát tại khu vực đông khách du lịch, trong các nhà hàng, khách sạn, trên các tuyến đường bằng nhiều hình thức (hệ thống loa không dây, xe thông tin lưu động, họp thôn bản...) cho người dân và du khách về tình trạng chèo kéo khách, đeo bám, bán hàng rong, xin ăn trên địa bàn.

 

Tuyên truyền trực tiếp bằng miệng của đội ngũ hướng dẫn viên, của từng hội viên phụ nữ khu vực thị trấn... với nội dung khuyến cáo và mong muốn khách du lịch không mua hàng, không cho tiền những phụ nữ, trẻ em bán rong vì sẽ làm cho các em đua nhau bỏ học đi bán hàng. Nếu muốn giúp các em thì hãy đặt tình thương, lòng trắc ẩn đúng chỗ... “Hãy mua đồ của các chị, các em bán trong khu vực huyện đã sắp xếp đủ chỗ ngồi bán hàng”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sa Pa cho biết.

 

Về phía Hội LHPN?huyện Sa Pa, chúng tôi cũng đã có kế hoạch rà soát tới từng xã, từng chi, tổ hội, lập danh sách cụ thể từng hội viên, phụ nữ, trẻ em đi bán hàng rong. Tìm hiểu nguyên nhân, lý do, hoàn cảnh cụ thể của từng trường hợp để có biện pháp phối hợp, tham mưu giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

 

Ví dụ, những trường hợp thực sự muốn bán hàng thì được sắp xếp chỗ ngồi tập trung; trẻ em khó khăn được chuyển gửi trung tâm bảo trợ; người nghèo cần canh tác sẽ được cho vay vốn ưu đãi hoặc hỗ trợ một phần cây, con giống để phát triển kinh tế; đào tạo nghề và kết nối thị trường để tạo công ăn việc làm với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/tháng trở lên hoặc 200-250 nghìn đồng/ngày công...

 

“Phụ nữ phải văn minh trong thương mại du lịch” 

Đó là mục tiêu mà Hội LHPN huyện Sa Pa đề ra. Trước tốc độ phát tiển du lịch quá nhanh, nhiều phụ nữ bản địa không bắt kịp xu hướng, mải chạy theo sở thích của du khách để có thu nhập nên đã phần nào đánh mất bản sắc văn hóa. Trước tình trạng này, công tác Hội đã sát sao, thiết thực hơn bằng cách tuyên truyền vận động tới hội viên và nhân dân cảnh giác với các âm mưu, thủ đoạn của những đối tượng trà trộn buôn bán người, tuyên truyền đạo trái pháp luật, ma túy, mại dâm, lừa đảo...

ha.jpg
Bà Lưu Ngân Hà - Chủ tịch Hội LHPN huyện Sa Pa - cho biết, trong nhiều năm qua, Hội LHPN huyện đã tích cực làm công tác tuyên truyền vận động tới hội viên và nhân dân về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bằng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ 

 

Hội cũng tích cực phối hợp tổ chức các hội thảo, hội nghị, các lớp tập huấn nâng cao trình độ, nhận thức và chuyên môn, nghiệp vụ cho phụ nữ về cách ứng xử, giao tiếp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển đổi dần thói quen sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, sản xuất sản phẩm đặc hữu của Sa Pa phục vụ du lịch; Phát triển du lịch cộng đồng, các nghề gia truyền như thuốc tắm và dệt thổ cẩm, hàng thủ công mỹ nghệ..., thành lập các tổ tự quản về thu gom phân loại rác thải, bảo vệ môi trường, tham gia giữ gìn an ninh chính trị và trật tự đô thị.

 

Hội đã đề xuất với lãnh đạo huyện khi các công ty, doanh nghiệp đến làm việc và xây dựng, phát triển trên địa bàn cần cam kết sử dụng lao động nữ tại địa phương, có cơ chế đào tạo nguồn tại chỗ phục vụ các hoạt dộng du lịch, thương mại phù hợp. Phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức các phiên giao dịch việc làm đến tất cả phụ nữ trên địa bàn huyện, để chị em có hiểu biết chính thống, có nhiều cơ hội và điều kiện lựa chọn việc làm phù hợp tại quê hương.

 

Ông Nguyễn Đình Dũng cho biết, năm 2018, Sở VHTTDL Lào Cai đã mở lớp bồi dưỡng cho 200 hướng dẫn viên. Hiện tại, nguồn nhân lực là người bản địa chiếm tỉ lệ cao trong ngành du lịch và cũng là một nét đặc sắc hấp dẫn du khách khi 100% hướng dẫn viên tại điểm (trước đây là thuyết minh viên tại điểm) là người dân tộc thiểu số, đồng thời góp phần tạo việc làm trong khu vực nông thôn và xóa đói giảm nghèo.

 

Trước tình trạng nhiều phụ nữ bỏ canh tác đi làm du lịch, bán hàng rong, nhiều trẻ em sớm phải đi bán hàng, ngủ lang thang... thì vai trò của Hội LHPN càng phải được thể hiện rõ trong việc tuyên truyền, vận động, định hướng, hướng dẫn phụ nữ bản địa, kết nối trong các hoạt động phát triển du lịch.

Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lào Cai

3-chu-tich-hpn-lao-cai.JPG
Bà Hà Thị Khánh Nguyệt 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn