Sa sinh dục, nỗi khổ 'thầm kín' của nhiều chị em phụ nữ

22:00 | 31/05/2018;
Bệnh sa sinh dục tuy không đe dọa trực tiếp tính mạng của bệnh nhân, nhưng nếu không điều trị có thể ảnh hưởng đến tình hình sức khỏe chung, khó khăn trong sinh hoạt, biến chứng bí tiểu và phải giải quyết cấp cứu.
Chị Nguyễn Kiều Th (52 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang) hết sức khổ sở vì mỗi khi đi nhanh, vận động mạnh, ho hoặc sổ mũi... thì khối “thịt dư” trong người lại sa ra ngoài nhiều và mỗi lần tiểu tiện đều rất gắt, thỉnh thoảng lại ra máu.
 
Đến khám tại Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, chị Th.  được xác định bị sa sinh dục và được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật kết hợp sử dụng mảnh ghép tổng hợp.
 
Sau khi can thiệp, chị Th cho biết, chị không còn mắc tiểu nhiều cũng như không còn khối “thịt dư” sa ra ngoài âm đạo và vùng bụng dưới cũng đã hết đau tức. Một điều quan trọng nữa là chị cảm thấy tự tin, hạnh phúc và vui vẻ hơn nhiều.
 
Theo bác sĩ, sa sinh dục nữ hay còn được gọi là sa tạng chậu là một trong những bệnh lý phổ biến ở phụ nữ tuổi trung niên. Thống kê của Hội Sàn chậu học TPHCM cho thấy, cứ 3 phụ nữ đã từng sinh con thì có 1 người có vấn đề tiểu không kiểm soát, và cứ 2 phụ nữ đã từng sinh con có 1 người bị sa cơ quan vùng chậu như sa bàng quang, sa tử cung, sa trực tràng.
 
ThS.BS. Trịnh Hoài Ngọc, Phó Trưởng khoa Phụ - Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, cho biết, sa sinh dục là sự đi xuống của tử cung, trực tràng hoặc bàng quang vào trong hoặc ra ngoài âm đạo, phần sa này sẽ tạo một khối phồng trong âm đạo mà dân gian thường gọi là “cục thịt dư”. Tình trạng trên gây nên các rối loạn chức năng về tiết niệu, hậu môn trực tràng, phụ khoa.
 
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sa các tạng vùng chậu như số lần sanh ngã âm đạo, tiền sử gia đình có mẹ hoặc chị em sa tạng chậu, mãn kinh, nâng vật nặng, béo phì, tiền sử có trải qua các phẫu thuật vùng chậu… Bệnh sa sinh dục tuy không đe dọa trực tiếp tính mạng của bệnh nhân nhưng nếu không điều trị có thể ảnh hưởng đến tình hình sức khỏe chung, khó khăn trong sinh hoạt, biến chứng bí tiểu và phải giải quyết cấp cứu.
 
sa-sinh-duc.jpg
Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân về bệnh sa sinh dục

 

Trong năm 2017, Bệnh viện Phụ Sản TP Cần Thơ đã tiếp nhận khoảng 300 trường hợp sa sinh dục đến khám và điều trị. Triệu chứng chính khiến người phụ nữ đi khám là sờ thấy một khối “thịt dư” sa ra ngoài âm đạo, các triệu chứng thường gặp khác là rối loạn đi tiểu, tiểu gắt, tiểu ra máu, đi cầu khó và viêm loét khối sa.
 
Đặc biệt, một số trường hợp đến trễ, có nhiều triệu chứng như viêm loét cổ tử cung nặng phải điều trị một thời gian dài mới có thể phẫu thuật được. Do đó, khi có các dấu hiệu bệnh, chị em nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa sản để được thăm khám và điều trị kịp thời, hiệu quả, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.
 
Theo bác sĩ Ngọc, việc điều trị phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ, sa tạng chậu có thể được điều trị bảo tồn bằng phương pháp vật lý trị liệu (tập cơ sàn chậu, kích thích điện cơ…) hoặc phẫu thuật.
 
Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ ứng dụng các kỹ thuật phẫu thuật tiên tiến kết hợp sử dụng mảnh ghép tổng hợp trong điều trị bệnh lý sa tạng chậu như phục hồi thành trước và sau âm đạo, đặt TOT, nội soi cố định sàn chậu, phẫu thuật điều trị túi sa trực tràng, sa bàng quang….
 
Phương pháp này có tính hiệu quả cao, khả năng phục hồi sàn chậu với tỷ lệ thành công đạt 97,7%, ít xâm lấn, ít biến chứng, không để lại sẹo và tỷ lệ tái phát thấp giúp bệnh nhân sớm trở về cuộc sống sinh hoạt trong gia đình và xã hội như trước.
 
Bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa sớm bệnh sa sinh dục, phụ nữ cần hạn chế táo bón, hạn chế các bài tập thể dục làm tăng áp lực trong ổ bụng, giảm cân, tránh béo phì. Khi mới bị sa sinh dục phải đi khám với bác sĩ chuyên khoa ngay để có biện pháp điều trị thích hợp, tránh khối sa diễn tiến nặng hơn đến mức độ phải phẫu thuật.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn