Tại Việt Nam, từ thời phong kiến triều Lý, nhân dân ta đã tiếp nhận Tết Hàn thực từ Trung Quốc theo tiết nông lịch, nhưng mang đậm truyền thống của một quốc gia nông nghiệp, giỏi nghề trồng lúa nước, phù hợp với tâm lý cũng như cuộc sống thường nhật của người dân.
Những món ăn làm ra trong ngày mùng 3/3 âm lịch được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu đều hướng về tổ tiên, nguồn cội, thể hiện tấm lòng thành kính nhất tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất. Cũng trong dịp này, dù ai đi đâu, ở đâu đến ngày mùng 3/3 âm lịch cũng cố gắng về với gia đình để cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp.
Bánh trôi, bánh chay - món ăn nguội trong ngày Tết Hàn thực của người Việt. |
Một điều đặc biệt, người Việt dùng bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa tượng trưng đó là những món ăn nguội - hàn thực. Vì vậy người Việt còn gọi ngày mùng 3/3 âm lịch là Tết bánh trôi - bánh chay. Truyền thống này ăn sâu vào tiềm thức người Việt, để rồi cứ đến ngày Tết Hàn thực, nhà nhà lại nô nức chuẩn bị làm bánh trôi, bánh chay.
Bánh trôi, bánh chay của người Việt được làm từ bột gạo nếp ngon với đường phên. Bột gạo nếp được cho vào cối xay với nước cho mịn, lọc lấy phần bột rồi nặn thành các viên bánh tròn, trắng mịn. Phần nhân bánh là những viên đường phên cắt nhỏ. Nếu không có cối xay thì bột có thể đem nghiền bằng máy, tuy nhiên bột được xay bằng cối vẫn đem lại hương vị thơm ngon, mềm mịn nhất.
Bánh trôi sau khi nặn xong sẽ được thả vào nồi nước đang đun sôi trên bếp. Khi bánh nổi lên là đã chín, nhanh tay vớt ra để vào thau nước lạnh để bánh nguội và không bị dính vào nhau. Bánh được xếp ra đĩa rồi bày lên ban thờ để cúng.
Còn bánh chay cũng được làm từ bột nếp, nhân đậu xanh. Bánh được nặn dẹt sau đó đem luộc chín như bánh trôi. Người ta sẽ nấu bột sắn hoặc bột đao cho sánh lại rồi múc ra bát, sau đó thả những viên bánh chay vào, rắc dừa sợi lên trên.
Đây là ngày Tết mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, thể hiện tấm lòng thành kính tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất. |
Trải qua thời gian, Tết Hàn thực của người Việt vẫn luôn là một nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa hướng về cội nguồn cần được giữ gìn.
Văn khấn Tết Hàn thực Theo sách Văn khấn nôm tại nhà - Tập văn cúng gia tiên do Đại đức Thích Quảng Định hiệu đính (Nxb Văn hóa Thông tin phát hành) thì phải khấn thần ngoại trước, thần nội sau. Bài văn khấn gia tiên trong dịp Tết Hàn thực 3/3 như sau: "Nam mô A Di Đà Phật (3 lần). Con lạy chín phương trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương. Con kính lạy Hoàng thiên hậu thổ, chư vị tôn thần. Con kính lạy ngài bản cảnh thành hoàng, ngài bản xứ thổ địa, ngài bản gia táo quân cùng chư vị tôn thần. Con kính lạy cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại. Tín chủ chúng con là… Ngụ tại… Hôm nay là ngày…. (đọc ngày theo âm lịch) gặp tiết Hàn thực, tín chủ chúng con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị tôn thần, nhớ đức cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án. Chúng con kính mời ngài bản cảnh thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh thổ địa, ngài bản gia táo quân, ngũ phương, long mạch, tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật. Chúng con kính mời các cụ tổ khảo, tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ… (họ của gia chủ) cúi xin thương xót cho con cháu giáng về chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật. Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai âm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận, trên bảo dưới nghe. Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)". |