Quá hàn lâm dẫn đến quá tải
Để rộng đường dư luận, minh bạch thông tin, Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt và Toán nêu rõ lý do khiến SGK Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại quá hàn lâm, dẫn đến không đạt.
Theo hội đồng thẩm định, các bản thảo Toán và Tiếng Việt lớp 1 của GS Đại không đáp ứng đầy đủ 13 tiêu chí của SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có những tiêu chí như điều kiện tiên quyết của sách giáo khoa, nội dung, phương pháp giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục, cấu trúc, ngôn ngữ sử dụng, hình thức trình bày.
Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt – GS Trần Đình Sử cho biết, SGK chương trình mới phải viết theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT. Để thẩm định sách, hội đồng dựa vào rất nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn khác nhau. Theo ông, sách Tiếng Việt 1 của chương trình mới có các tiêu chí là nghe, nói, đọc, viết, dạy phân biệt chính tả, biết kể chuyện... Tuy nhiên sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục 1 của GS Hồ Ngọc Đại chủ yếu dạy âm, chữ, quy tắc chính tả, thậm chí vượt quá chương trình.
“Sách của GS Hồ Ngọc Đại quá hàn lâm, dẫn đến quá tải, bởi sách Tiếng Việt 1 không cần phải có kiến thức, cấu trúc về ngữ âm, không cần khái niệm âm đầu, âm đệm, âm cuối, âm đôi” – ông giải thích thêm.
Cũng theo GS Trần Đình Sử, thành viên của Hội đồng có đến 5/15 là giáo viên dạy lớp 1 và hiệu trưởng cấp tiểu học, trong đó có người đã dạy sách Công nghệ giáo dục. Bản thân họ thừa nhận, giáo viên phải tranh thủ dạy thêm cho học sinh những nội dung khác còn thiếu, còn yếu so với sách của GS Đại, gặp nhiều khó khăn khi triển khai giảng dạy. Giáo viên dạy sách thầy Đại thậm chí ban đêm phải bổ sung kiến thức của SGK hiện hành, tăng thêm giờ làm việc 2-3 lần.
Dạy tiếng Việt không chỉ dạy viết và đánh vần
Các thành viên Hội đồng thẩm định đưa thêm nhiều lý do và lập luận để cho thấy sách Tiếng Việt lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại không đáp ứng yêu cầu và tinh thần của chương trình phổ thông mới.
GS.TS Mai Ngọc Chừ - thành viên Hội đồng Thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1, cho biết theo chương trình mới, môn học này không đơn thuần chỉ dạy viết, đánh vần mà còn nhiều yếu tố mang tính giáo dục toàn diện, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới…
Trong khi đó, nhận định về sách của GS Đại, ông Mai Ngọc Chừ cho rằng sách này chỉ là “một mớ kiến thức không cần thiết về ngữ âm".
“Nhiều thành ngữ tục ngữ mang tính “bé xé ra to, con cà con kê, trăm thứ bà giằng, vắt chanh bỏ vỏ”…, đúng hơn là kiến thức khó. Học sinh phải tiếp cận với kiến thức ngôn ngữ học, khái niệm âm đệm, nguyên âm đôi. Kiến thức này là quá sức với học sinh lớp 1, trong khi nguyên tắc của chương trình mới là giảm tải nội dung khó và, nâng cao” – ông Mai Ngọc Chừ phân tích.
Một lý do nữa, theo Hội đồng Thẩm định là số lượng tiết học thiết kế theo sách của GS Hồ Ngọc Đại không khớp với yêu cầu của chương trình mới. Theo đó, sách Tiềng Việt lớp 1 chương trình mới được thiết kế 430 tiết thì sách của GS Đại chỉ có 70 tiết. GS Hồ Ngọc Đại không chỉnh sửa bản thảo cho phù hợp với yêu cầu mà chỉ viết thêm một quyển tự học đi kèm bản thảo cũ.
GS Trần Đình Sử thẳng thắn cho rằng, bộ sách bản thảo nộp thẩm định của GS Đại là “vá víu, khó có thể chấp nhận được vì cần thể hiện trách nhiệm với học trò”. Theo ông, GS Hồ Ngọc Đại phải tôn trọng chương trình mới của Bộ GD&ĐT, đáp ứng chủ trương mới một chương trình, nhiều bộ SGK.
Môn Toán: Nhiều nội dung hay, nhưng không bám chương trình mới
PGS Trần Kiều - Chủ tịch hội đồng thẩm định môn Toán, cho biết, hội đồng thẩm định sách giáo khoa phải bám sát vào 4 điều, 13 tiêu chí và 40 chỉ báo trong Thông tư 33 của Bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đây là lần thẩm định chặt chẽ và tỉ mỉ nhất từ trước đến nay, cũng như rõ ràng cụ thể về tiêu chí đánh giá. Hội đồng sẽ loại bỏ những bản thảo không được viết theo khung chương trình mới các môn học của Bộ GD&ĐT đã công bố. Nội dung sách phải đúng, đủ theo chương trình, nếu không sẽ bị loại.
Đối với môn Toán, hội đồng thẩm định khẳng định nội dung bản mẫu SGK của GS Hồ Ngọc Đại chưa thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình, còn nhiều nội dung vượt quá chương trình môn Toán lớp 1 như: các nội dung liên quan đến khái niệm Tập hợp, phương trình; Việc sử dụng lý thuyết tập hợp để hình thành số, phép toán cho học sinh lớp 1 là vượt quá chương trình; Các số “đứng liền nhau”, “dãy số”, “dãy số tự nhiên”, “trục số” không có trong chương trình.
“Nhiều nội dung trong sách Toán lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại rất hay, nhưng không phải tất cả đều như vậy. Chúng tôi mong muốn GS Đại sẽ bám theo chương trình giáo dục phổ thông mới để sửa, viết lại. Vì đã thống nhất khung chương trình mới rồi nên Bộ GD&ĐT không thể thay chương trình để đi theo bộ sách của GS Đại. Chúng ta chỉ có một chương trình, đó là văn bản pháp quy và duy nhất” – PGS Trần Kiều khẳng định.