Tại chương trình, các độc giả nhí được giao lưu với dịch giả Chu Thu Phương, xem kịch do CLB tiếng Đức – Học viện Ngoại giao biểu diễn.
Nhà văn Mira Lobe (1913-1995) sinh ra tại thành phố Görlitz (Đức) và có thời gian sinh sống tại vùng Palestine (khi ấy thuộc Anh). Năm 1951, bà theo chồng là diễn viên, nhà sản xuất kịch Friedrich Lobe về Viên làm việc. Bà đã chọn thủ đô của Áo làm nơi sinh sống và nơi đây đã có ảnh hưởng lớn tới các sáng tác của bà. Khi bắt đầu làm mẹ, Mira Lobe viết truyện thiếu nhi, nhờ đó bà nổi tiếng nhanh chóng. Bà đã viết hơn 100 cuốn sách và các tác phẩm của bà đã được dịch ra trên 30 thứ tiếng khác nhau. Những câu chuyện của Mira Lobe luôn tràn đầy yêu thương.
Đồng hành chính trong các sách tranh thiếu nhi của bà là họa sĩ Susi Weigel – người đã biến những cuốn sách trở thành tác phẩm giàu nghệ thuật thị giác cho trẻ nhỏ.
Các tác phẩm của Mira Lobe được giới thiệu trong chương trình Tớ bé nhỏ gồm truyện dài Bà ngoại trên cây táo và 3 tác phẩm sách tranh "Lại đây nào!" - Mèo bảo, Tôi là tôi bé nhỏ, Thành phố quanh vòng quanh.
Trong đó, Bà ngoại trên cây táo kể về khao khát có một người bà của cậu bé Andi. Nỗi khao khát ấy đã đưa cậu đến với những trò chơi tuyệt đẹp, hiện thực hóa giấc mơ của cậu và gắn kết cậu với một người bà có thực. Những ước mơ, khát khao chính là con đường dẫn tới cuộc sống tốt đẹp hơn và nhân văn hơn. Cuốn sách nhận được giải thưởng sách dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên Áo năm 1965 và được xếp trong Danh sách danh dự Giải thưởng Nhà nước Áo năm 1971.
Ba cuốn sách tranh "Lại đây nào!" - Mèo bảo, Tôi là tôi bé nhỏ, Thành phố quanh vòng quanh cũng là những tác phẩm tiêu biểu của Mira Lobe với rất nhiều giải thưởng và được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Dù ở truyện dài hay truyện tranh, Mira Lobe đều thể hiện một cái nhìn trân trọng đối với trẻ thơ. Đối với bà, thế giới chỉ có thể tốt đẹp hơn khi những công dân nhí được có tiếng nói của riêng mình. Văn chương của Mira Lobe đề cao tinh thần bác ái, hòa bình, nhân văn sâu sắc.
Nhà văn Mira Lobe từng tâm sự: "Ý nghĩa sâu sắc của những truyện viết cho trẻ em, theo tôi là giúp trẻ có lòng tự tin. Viết văn là một công việc đẹp đẽ, thật sự rất đẹp, khi viết, người ta cảm thấy mình đang sống. Đấy là cảm giác đẹp đẽ thứ nhì, chỉ sau cảm giác được yêu".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn