Sách Vật lý 8: Nội dung một đằng, minh họa một nẻo

17:05 | 16/02/2017;
Cùng bài học về Áp suất chất lỏng (sách giáo khoa Vật lý 8) nhưng hình vẽ minh họa cho thí nghiệm trong sách của em Nhật Hà khác hẳn so với sách của bạn bè khiến Hà vô cùng thắc mắc.

Hình minh họa đúng: Các màng cao su ở hình 8.3.b bị biến dạng.
SGK của Nhật Hà: Hình 8.3.b không thể hiện được các màng cao su bị biến dạng như nội dung của bài.

Nhật Hà (học sinh lớp 8 một trường THCS ở Q.Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Trong bài 8: Áp suất chất lỏng - Bình thông nhau (trang 28, sách Vật lý 8), cô giáo giảng về sự tồn tại của áp suất trong chất lỏng bằng hình ảnh minh họa của thí nghiệm. Trong sách ghi có 2 hiện tượng xảy ra, trong đó cách 1 là: Các màng cao su bị biến dạng (H.8.3b) chứng tỏ điều gì? Nhìn đi nhìn lại hình vẽ ở bài, em không thấy hình vẽ thể hiện sự biến dạng của màng cao su nên rất thắc mắc.

Với lỗi sai như vậy, Nhật Hà đặt câu hỏi: Liệu có nên tin vào SGK?

Mang băn khoăn này hỏi bạn bè thì Hà thấy hình vẽ trong sách của bạn thể hiện đúng nội dung bài: Các màng cao su bị biến dạng. “Tại sao cùng nội dung bài học, cùng là SGK Vật lý 8 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mà hình vẽ minh họa lại không giống nhau?”, Nhật Hà thắc mắc.

Nhật Hà chia sẻ: Nội dung một đằng, hình vẽ minh họa một nẻo khiến em rất khó chịu vì không hiểu kiến thức trong bài học. SGK vẫn được coi là chuẩn mực, nhưng với “sạn” như thế này khiến đôi khi em vừa học vừa đặt ra nghi vấn: Liệu kiến thức trong SGK có đúng? Liệu có nên tin vào SGK?

Với cùng một phôi in, sẽ có 140.000 quyển sách sai cùng một lỗi. Điều này đồng nghĩa với 140.000 học sinh phải tiếp cận kiến thức sai.

Chắc chắn, không phải chỉ có Nhật Hà là học sinh kém may mắn khi mua phải cuốn sách có hình minh họa sai với nội dung bài học. Bởi với cùng phôi in này sẽ có 140.000 cuốn sách sai như vậy, nghĩa là có 140.000 học sinh phải tiếp cận thông tin sai trong cuốn sách và khiến rất nhiều học sinh mất niềm tin vào kiến thức, vào SGK.

Theo cô Trần Thị Thủy (giáo viên dạy Vật lý, trường THCS Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội), lý thuyết thường khó hiểu, mơ hồ với học sinh, hình minh họa sẽ giúp học sinh hiểu và nắm vững lý thuyết dễ dàng hơn. Chính vì vậy, hình minh họa phải chính xác, thể hiện đúng nội dung lý thuyết. Hình minh họa sai sẽ khiến học sinh khó hình dung lý thuyết, thậm chí còn hiểu sai nội dung bài học.

Mới đây, một phụ huynh ở Hà Nội cũng bức xúc gửi thông tin về Báo PNVN cho biết, SGK Hóa 8 (con của chị mua tại trường) thiếu hơn 30 trang, cho thấy sự cầu thả, tắc trách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

PNVN sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vấn đề này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn