Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp khiến Sài Gòn phồn hoa chịu nhiều tổn thương nặng nề. Đứng trước thành phố thân yêu của mình "bị ốm", anh Bùi Thanh Tùng (34 tuổi, quê Kiên Giang) cũng muốn góp một chút công sức nhỏ bé cho những người tuyến đầu chống dịch, người trong khu phong tỏa, người lao động gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn...
Anh Thanh Tùng chia sẻ, bản thân đã sống và làm việc ở Sài Gòn hơn 10 năm. Anh vốn là một hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Nhưng dịch bệnh bùng phát, công việc tạm dừng, anh bắt đầu nghỉ làm từ tháng 3. Độc thân, sống một mình ở thành phố, không có quá nhiều ràng buộc nên khi thấy thông tin tuyển cộng tác viên của một trung tâm công tác xã hội thanh niên TP HCM nên anh xin tham gia thông qua một người bạn. Công việc ở đây chính là nấu ăn thiện nguyện.
Anh Thanh Tùng
Đầu tháng 7 năm nay, anh bắt đầu gia nhập nhóm. Vì không muốn gia đình lo lắng, anh đã giấu mọi người. Đến khi mẹ biết, bà đã gọi điện muốn con trai đừng đi nữa vì lo lắng anh lây dịch bệnh. Thế nhưng, bản thân đã quyết tâm, 8X đã cố gắng thuyết phục mẹ là chỗ mình an toàn... để được tiếp tục công việc. Thành viên tham gia nhóm gồm nhiều người đến từ các ngành nghề khác nhau như đầu bếp, nhân viên văn phòng, công ty du lịch, chuyên viên tư vấn, nhân viên bảo hiểm, sinh viên, học sinh...
3 "bếp trưởng" của nhóm thiện nguyện
Là một người thích nấu ăn, từ nhỏ anh đã được mẹ truyền cảm hứng, dạy làm nhiều món. Đến khi đi học đại học xa nhà, các bữa cơm đều do anh tự nấu. Anh cũng đã tự mày mò, học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau nên khi vào bếp, anh luôn nhận được lời khen ngợi nấu ngon từ mọi người.
Chính vì thế, khi gia nhập nhóm thiện nguyện, anh Thanh Tùng cùng 2 người bạn nữa được giao làm nhiệm vụ bếp trưởng. Tuy nhiên, nấu ăn với số lượng lớn lại không hề dễ như ở nhà.
Một số món ăn được anh Thanh Tùng và bạn bè nấu
Anh chia sẻ, ban đầu tay nấu rất mỏi vì chưa quen dụng cụ và chảo, nồi to. Bếp ga công nghiệp nhiệt lớn rất nóng. Không chỉ thế, phải đeo bao tay, khẩu trang liên tục khiến người lúc nào cũng đẫm mồ hôi khó chịu. Việc bị bỏng khi nấu diễn ra thường xuyên. Thế nhưng, chút khó khăn đó không ảnh hưởng đến nhiệt huyết của những người trẻ.
Những suất ăn hoàn thiện được đưa đến các khu phong tỏa, cho người lao động, tuyến đầu...
Từ những người chưa bao giờ biết nhau nhưng cùng một tinh thần thiện nguyện đã giúp họ xích lại gần. Có những kỷ niệm không thể quên mà chỉ khi tham gia hoạt động này anh mới được trải nghiệm. Đó có thể đơn giản là những việc chạy mưa, chạy nắng khi nấu, hay mang cơm cho đúng giờ ở các địa điểm, nỗi lo đổ bệnh... thế nhưng mọi thứ rồi cũng qua, các suất cơm đều đặn được 3 "bếp trưởng" cùng 20-30 bạn khác lần lượt hoàn thiện, trao đến tay nhiều người.
Những suất ăn cho bệnh nhi còn có cả sữa tươi
"Nấu lượng lớn, anh Long đồng đội của mình là người trực chiến, ngủ tại bếp nên sáng là anh đã nhờ các bạn cắt rau củ, lên thực đơn đi chợ trước ngày và tận dụng những đồ được tài trợ. Mình chỉ sợ mưa, có lần mưa ai cũng ướt nhưng vẫn mặc áo mưa ngồi làm cá, cắt rau, xếp đồ ăn. Mưa tạt làm cho 2 bếp không nấu được nên năng suất giảm. Bên cạnh đó còn phải chạy cho kịp suất ăn nên vất vả. Mình cũng rất lo mọi người bị ướt rồi cảm, nằm bệnh, thiếu 1 người là thiếu 1 tay làm việc. Có lần dịch cao điểm hơn 5000 ca, ba mẹ mình kêu nghỉ, rồi công việc vất vả mình đã từng muốn dừng. Nhưng nếu mình nghỉ công việc làm không kịp vì thế mình chỉ nghỉ 1 ngày cho khỏe rồi lại đi tiếp.... Cũng có những ngày rau bị úng mưa hỏng hết, mùi khủng khiếp, chạy mùi rau như trốn dịch vậy đó", anh Thanh Tùng tâm sự.
Dù công việc vất vả nhưng nhóm đầy ắp tiếng cười
Khó khăn từ áp lực công việc, từ dịch bệnh nhưng anh Tùng và nhóm vẫn không ngại. Động lực của 8X và bạn bè chính là mọi người trong khu phong tỏa, những người tuyến đầu chống dịch được no bụng. Những câu động viên nhau giữa các thành viên trong nhóm luôn khiến anh cảm thấy vô cùng ấm áp, giống như một gia đình vậy.
"Với các bạn trong nhóm, những lúc giao xong suất cơm trưa, suất cơm chiều, ngồi ăn vội bát cơm, uống vội ly nước, kể cho nhau nghe những chuyện vui, chọc ghẹo nhau... là những thời điểm hạnh phúc nhất trong ngày, vừa lấy chút thời gian để phục nồi năng lượng, các bạn lại tiếp tục lau, chùi, quét, dọn vệ sinh, cắt rau, chặt thịt cho kịp buổi trưa ngày hôm sau. Vì thế, gian bếp của nhóm vẫn đầy ắp tiếng cười. Mình thấy đó là một gia đình thật vui. Gia đình tuy có lúc giận nhau nhưng chẳng bao giờ hết thương nhau", anh nói.
Mỗi ngày anh và nhóm nấu 5000 nghìn suất. Thế là trong 50 ngày liên tiếp, 150.000 suất ăn cho Sài Gòn yêu thương đã ra hoàn thiện tới tay những người cần. Các suất ăn trung bình được lên chi phí 25 nghìn đồng, vô cùng đầy đủ dinh dưỡng.
Các suất ăn được bọc gọn gàng để thuận tiện vận chuyển
"Từ con số dự kiến ban đầu 28.000 suất ăn hỗ trợ cho người dân, sau 50 ngày, nhóm mình đã hỗ trợ được 154.445 suất ăn cho người dân, bệnh nhi và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Con số 154.445 suất cơm đó là thành quả có được từ sự ủng hộ, đóng góp về nhân lực và vật lực của những tấm lòng hảo tâm, các mạnh thường quân trên khắp mọi miền tổ quốc, đặc biệt là các bạn thanh niên tình nguyện đầy nhiệt huyết của thành phố".
8X cũng cho biết thêm, để làm các suất cơm mang đi, nên nhóm thường nấu các món kho, chiên và canh để dễ vẫn chuyển cũng như để được lâu trong ngày. Ngoài ra, các món còn tùy thuộc vào nguyên liệu và rau củ quả từ các mạnh thường quân trên cả nước tài trợ.
Hiện tại, điều anh Thanh Tùng quan tâm nhiều nhất đến là sức khỏe, vì không có sức khỏe không làm gì được. Anh mong muốn sớm được tiêm vacxin để an tâm làm việc thiện nguyện hơn. "Các tình nguyện viên khi tham gia phải trải qua các điều kiện khắt khe về kiểm tra dịch tễ trong vòng 14 ngày, đã có ít nhất 1 lần xét nghiệm âm tính, ngoài ra trong quá trình chế biến tất cả các thành viên phải đảm bảo đeo khẩu trang 24/24 ngoại trừ lúc ăn, ngủ", anh nói.
Để những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, những người tuyến đầu, người dân khu phong tỏa... được no bụng chính là động lực để a Tùng và nhóm bạn cố gắng hơn mỗi ngày
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn