Sai lầm khi làm ngơ trước loạt hành vi xấu của con

13:58 | 31/08/2022;
Đừng cho rằng con vẫn là một đứa trẻ nên bỏ qua, những lỗi này cha mẹ nên giúp con thay đổi càng sớm càng tốt.

Việc nuôi dạy con cái chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với các bậc cha mẹ. Cần rất nhiều nỗ lực và thời gian để đảm bảo rằng một đứa trẻ có thể cư xử đúng mực, được giáo dục đầy đủ và thích ứng tốt với cuộc sống xung quanh. Một trong những vấn đề mà mọi phụ huynh cần lưu tâm đó là các hành vi xấu ở con trẻ. Nếu không được kịp thời uốn nắn, chúng sẽ dễ dàng phát triển thành thói hư tật xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách của trẻ em sau này. Dưới đây là một số hành vi bố mẹ cần để ý nếu phát hiện con đang mắc phải.

Trẻ có thói quen ăn trộm vặt

Nếu mượn đồ, lấy đồ của bất kỳ ai, kể cả người thân như bố mẹ, mà không hỏi mượn, xin và chưa được phép, hành vi đó được xem là ăn cắp vặt. Đây là hành vi trái với cả pháp luật và đạo đức, bị mọi người chê cười và sẽ mang tiếng xấu.

Hầu hết các nguyên nhân đều xuất phát từ tâm lý, nhận thức cá nhân, các thói quen và cả tác động của yếu tố văn hóa gia đình, xã hội. Vì vậy, việc người lớn, đặc biệt là cha mẹ, thầy cô khi phát hiện ra hành vi ăn cắp vặt ở trẻ, có thể ngồi lại trò chuyện, hỏi để giúp trẻ kịp thời thay đổi nhận thức và hành vi cho đúng là điều cần làm.

Biết nhưng vẫn làm ngơ trước loạt hành vi xấu này của con là cha mẹ đang mắc sai lầm, dù là lỗi nhỏ cũng cần thay đổi kịp thời - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trong cuộc sống, hầu như ai trưởng thành cũng có những lần mắc lỗi. Khi nói chuyện với trẻ về hành vi ăn cắp, nếu người lớn chỉ biết phán xét, lên án, dọa dẫm, nhiều khả năng con trẻ cũng lặp lại cách hành xử này với người có hành vi sai. Thay vào đó, câu chuyện nên tập trung vào sự mất mát, tổn hại của người bị mất cắp; tập trung vào những sự ưu phiền, buồn bã của bố mẹ, thầy cô và bạn bè trước hành vi này của trẻ.

Khi phá hiện con trẻ mắc sai lầm, cha mẹ đừng chửi mắng, đánh đập con trẻ, vì làm như vậy không thể giúp trẻ ý thức lỗi lầm đã phạm phải mà chỉ khiến chúng sợ hãi. Trừng phạt nghiêm khắc có lẽ sẽ chấm dứt nhất thời hành vi của trẻ, nhưng không thật sự nâng cao được chuẩn mực đạo đức cho trẻ.

Những việc cha mẹ nên làm trong trường hợp này là:

- Hỏi rõ nguyên nhân sao con làm như vậy: Hỏi trẻ xem do tham lam nhất thời hay không kiềm chế được bản thân? Có phải do người khác sai khiến hay con nghĩ làm như vậy sẽ có lợi?

- Cho con thấy mức độ nguy hại của hành vi do mình gây ra: Có thể để trẻ tự suy nghĩ khi đặt mình ở trong hoàn cảnh người bị hại. Chỉ cho con thấy những việc làm xấu sẽ ảnh hưởng đến chính mình, chẳng hạn không người tốt nào muốn làm bạn với con, việc học tập, làm việc sau này sẽ gặp nhiều khó khăn. Nên nhấn mạnh đến sự tổn thương tình cảm của cha mẹ: hành vi này của con khiến cha mẹ xấu hổ, đau lòng.

- Giúp con nghĩ cách bù đắp, sửa chữa sai lầm: Chẳng hạn ăn trộm đồ ở cửa hàng thì mang đến trả lại, xin lỗi khi nói dối, kết quả học tập thi cử kém thì quyết tâm phấn đấu ở kỳ sau.

Tự tiện vào phòng người khác nghịch đồ đạc mà chưa được cho phép

Bất kì ai cũng muốn có cho mình một không gian riêng, dù là người lớn hay trẻ con. Hãy tưởng tượng, một ngày đi làm về mệt mỏi, bạn vào nhà và phát hiện em bé hàng xóm sang chơi và phá tan tành mọi thứ trong phòng. Khi hỏi chuyện, mẹ của bé lại làm ngơ "Trẻ con ấy mà, phá chút có sao, dọn lại là được mà", lúc đó hẳn tâm trạng bạn sẽ rất tồi tệ. 

Biết nhưng vẫn làm ngơ trước loạt hành vi xấu này của con là cha mẹ đang mắc sai lầm, dù là lỗi nhỏ cũng cần thay đổi kịp thời - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Chính vì vậy, hãy dạy con tôn trọng sự riêng tư của người khác, cũng là thể hiện phép lịch sự tối thiểu khi ra ngoài. Khi chưa có sự đồng ý, bé không được phép xông vào hoặc động vào đồ dùng của bất kỳ ai. Ngoài ra, khi mượn đồ người khác, con cũng phải có ý thức giữ gìn và trả lại, không tự tiện nghịch ngợm. 

Đổ tội cho người khác, không nhận lỗi về mình

Từ 3 - 4 tuổi, trẻ mẫu giáo bắt đầu phân biệt được sự thật và giả dối, nhưng chưa phát triển lương tâm cắn rứt khi nói dối. Theo đó, bé đã biết rằng một số hành động là sai nhưng không muốn gặp rắc rối với bố mẹ, vì vậy không thể đảm bảo trẻ biết trung thực tuyệt đối.

Hơn nữa, trẻ ở độ tuổi này vẫn bị ảnh hưởng bởi sự đãng trí, mơ mộng và trí tưởng tượng. Sự thật là trẻ không thể nhớ mình đã để quên khăn tắm trên sàn nhà để thú tội khi được mẹ hỏi. Bé cũng tin rằng mình không gây ra vết bùn dơ đó, đồng thời cũng chắc chắn rằng gió đã thổi miếng bông cải xanh ra khỏi đĩa và rơi xuống sàn để con chó ăn mất, chứ không phải là do bé làm.

Biết nhưng vẫn làm ngơ trước loạt hành vi xấu này của con là cha mẹ đang mắc sai lầm, dù là lỗi nhỏ cũng cần thay đổi kịp thời - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Sau đây là một số lời khuyên dành cho bố mẹ trong quá trình dạy trẻ trung thực:

- Tránh kết tội: Đừng gọi con là kẻ nói dối. Điều này chỉ khiến con trở nên phòng thủ, và theo thời gian, trẻ có thể bắt đầu tin và sống theo biệt danh đó. Thay vào đó, hãy cho con biết rằng bạn không thích dối trá, nhưng bạn vẫn yêu con cho dù con có làm gì đi chăng nữa. Nói một cách nhẹ nhàng nhưng dứt khoát với con rằng: "Điều con nói nghe có vẻ không phải là sự thật. Đôi khi tất cả chúng ta đều lo lắng và không nói sự thật vì lo sợ về việc mình đã làm sai".

- Tìm hiểu lý do tại sao con nói dối: Đứa trẻ mẫu giáo đã gian lận khi chơi bài cờ cùng với gia đình, và sau đó phủ nhận mọi hành động sai trái. Nhưng thay vì bắt đầu chỉ trích, hãy nhắc con rằng: "Mẹ biết con thực sự muốn chiến thắng trò chơi đó". Sau đó, hãy để con giải thích lý do tại sao lại muốn giành chiến thắng đến như vậy. Tiếp đến, hai mẹ con có thể thảo luận về những cách chân chính để giành chiến thắng và tầm quan trọng của việc chơi công bằng.

- Dạy con rằng nói dối không có tác dụng: Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm và trẻ em cũng không ngoại lệ. Nếu trẻ mẫu giáo kiên quyết phủ nhận việc xô ngã đồ vật và làm vỡ kính, hãy nói lên quan điểm của bạn về sự thật: "Mẹ biết con đang hối hận và ước rằng mình đã không làm vỡ kính". Sau đó bạn có thể cho trẻ bù đắp lỗi lầm của mình bằng cách nhờ bé phụ dọn dẹp. Bé sẽ học được rằng nói dối không giúp bé chối bỏ trách nhiệm.

Không giữ phép lịch sự tối thiểu nơi công cộng

Những nơi như quán cafe hay siêu thị, quán ăn thường xuyên diễn ra tình trạng lũ trẻ cười đùa, nghịch ngợm chạy khắp mọi nơi. Bất cứ ai khi đến quán xá thì cũng có nghĩa họ trả tiền để tận hưởng dịch vụ mong muốn. Những người phải học tập, làm việc sẽ mong muốn có không gian yên tĩnh để tập trung. Hay những người đến trò chuyện riêng tư với bạn bè sẽ hi vọng bầu không khí nhẹ nhàng để tâm sự bộc bạch hết lòng. 

Dù là bất cứ mục đích gì thì ai nấy cũng sẽ cảm thấy dễ chịu nếu không bị làm phiền bởi tiếng khóc, tiếng gào thét, quát mắng và cả sự nghịch ngợm của trẻ. Vậy nên, chị em đừng quên cư xử lịch thiệp, bắt đầu từ việc tôn trọng những người khác và cố gắng để họ không phải chịu đựng những phiền toái do mình và trẻ gây ra.

Biết nhưng vẫn làm ngơ trước loạt hành vi xấu này của con là cha mẹ đang mắc sai lầm, dù là lỗi nhỏ cũng cần thay đổi kịp thời - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

- Kiểm soát tốt con mình cũng là bạn đang bảo vệ cho danh dự và sức khỏe của mọi người: Không gian quán cafe thường được sắp xếp nhiều bàn ghế gỗ và thi thoảng đi lại khá khó khăn, chưa kể sẽ có cầu thang, ban công... Vậy nên chỉ cần lơ là con một chút thì cũng dễ dẫn đến chấn thương khi trẻ nô đùa, chạy nhảy. Các em bé khi tới một không gian mới thường hiếu động, vậy nên bạn cần tập cho bé sự bình tĩnh và không vui chơi thái quá dễ dẫn tới tai nạn.

- Đừng nói "Trẻ con mà, biết gì đâu": Đây chính xác là lời bao biện đầy đáng trách của những bậc phụ huynh thiếu khả năng dạy dỗ con mình. Đồng ý rằng trẻ hiếu động sẽ dễ giận dỗi, khóc lóc, giãy giụa khi không làm được điều chúng muốn song ít nhất chị em vẫn có thể dùng một vài biện pháp nhằm cưỡng chế và nghiêm khắc dạy dỗ. Hoặc tốt hơn, bạn nên tìm hiểu trước các quán cafe định ghé, một số nơi kết hợp cafe lẫn vui chơi cũng rất thích hợp cho gia đình có con nhỏ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn