Súc miệng bằng nước muối có nhiều tác dụng, hỗ trợ điều trị các bệnh như viêm họng, nhiễm trùng đường hô hấp do virus như cảm lạnh hoặc viêm xoang. Súc miệng bằng nước muối còn hiệu quả trong việc giảm nhiễm trùng và ngăn ngừa bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, nếu súc miệng bằng nước muối sai cách có thể ảnh hưởng đến niêm mạc họng, làm tình trạng đau họng khó thuyên giảm.
Nước muối có tác dụng trong việc ngăn chặn virus và vi khuẩn, giảm nguy cơ nhiễm trùng ở miệng và cổ họng, đồng thời giảm viêm trong một số trường hợp. Cụ thể:
Các chuyên gia y tế đều khuyên bạn nên súc miệng bằng nước muối để làm dịu cơn đau họng. Vì muối có tính kháng viêm, diệt khuẩn có thể giúp giữ cho miệng sạch sẽ và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Đặc biệt, nước muối hữu ích đối với những trường hợp đau họng do cảm lạnh hoặc cúm. Những trường hợp đau họng nặng hơn, có thể vừa kết hợp sử dụng thuốc với việc súc miệng bằng nước muối.
Nước muối có tác dụng diệt khuẩn nên bảo vệ nướu và răng hiệu quả. Nước muối có thể giúp ngăn ngừa viêm nướu, viêm nha chu và sâu răng.
Một đánh giá năm 2010 cho thấy rằng sử dụng nước muối súc miệng hàng ngày giúp giảm số lượng vi khuẩn có hại được tìm thấy trong nước bọt.
Nước muối còn có tác dụng làm dịu vết loét, làm giảm đau và viêm do tình trạng loét miệng (nhiệt miệng) gây ra nhờ tính kháng khuẩn cao.
Mặc dù súc miệng bằng nước muối có thể làm giảm đau họng, ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp, bảo vệ răng miệng… Tuy nhiên, nhiều người thường mắc sai lầm khi sử dụng nước muối, khiến cho tình trạng đau họng khó thuyên giảm mà còn có thể khiến các triệu chứng trầm trọng hơn.
Nhiều người thường nghĩ rằng, nước muối càng mặn thì càng hiệu quả. Tuy nhiên, nước muối không được pha đúng nồng độ không chỉ không có tác dụng, mà con gây tổn thương cho niêm mạc họng.
Một số trường hợp còn ngậm muối nguyên hạt, nếu duy trì lâu có thể gây dư thừa muối trong cơ thể.
Đa phần mọi người thường súc miệng, họng bằng nước muối sau đó không súc lại bằng nước lọc. Nhưng theo các chuyên gia, mọi người nên súc miệng lại bằng nước lọc để loại bỏ hết lượng muối dưa thừa ở răng, họng hoặc các mảng bám bong ra khi dùng nước muối.
Những người bị đau họng chỉ nên súc miệng, họng với nước muối từ 2 đến 3 lần/ngày, tốt nhất nên súc miệng sáng và tối trước khi đi ngủ. Nhiều người nghĩ rằng súc càng nhiều thì bệnh càng nhanh khỏi. Nhưng điều này có thể làm thay đổi độ pH trong miệng, từ đó dẫn tới khô miệng, khô họng.
Khi súc miệng bằng nước muối, các bạn có thể dùng nước muối sinh lý hoặc pha nước muối ngay tại nhà. Lưu ý, phương pháp này không nên áp dụng cho trẻ dưới 6 tuổi. Nếu bạn tự pha nước muối, hoà tan khoảng 1/4 đến 1/2 thìa cà phê muối với mỗi 8ml nước ấm. Sau đó, thực hiện theo các lưu ý sau:
- Nên súc miệng bằng nước muối một lượt để làm sạch khoang miệng. Sau đó, thực hiện súc miệng và họng trong khoảng 30 - 60 giây rồi nhổ ra. Bạn có thể thực hiện súc họng từ 1 đến 2 lần/lượt.
- Sau khi súc miệng bằng nước muối xong, súc miệng lại một lần bằng nước lọc để giúp làm sạch khoang miệng và cổ họng một lần nữa.
- Mỗi ngày bạn chỉ nên súc miệng với nước muối khoảng 2 lần/ngày. Đặc biệt, không uống luôn nước muối vì có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Ngoài súc miệng và họng bằng nước muối, các bạn có thể áp dụng thêm một số biện pháp khác như:
- Ngậm hoặc uống nước chanh, mật ong ấm: Mật ong và chanh có tính kháng viêm, kháng khuẩn nên rất hữu ích trong việc giảm viêm, làm dịu cơn đau họng. Cách thực hiện rất đơn giản, pha khoảng 1 thìa mật ong với 250ml nước ấm, sau đó cho thêm vài lát chanh hoặc nửa muỗng nước cốt chanh.
- Sử dụng gừng: Gừng cũng có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn nên có tác dụng hỗ trợ điều trị đau họng. Các bạn có thể nhai gừng tươi, uống trà gừng hoặc pha nước gừng mật ong, gừng và muối.
- Uống nhiều nước ấm: Khi bạn bị đau họng do cúm, cảm lạnh, Covid-19..., bạn nên uống nhiều nước ấm để tránh cơ thể bị mất nước, giúp quá trình trao đổi chất diễn ra tốt hơn, làm dịu họng.
- Dùng máy tạo độ ẩm: Bổ sung thêm độ ẩm cho không khí trong phòng ngủ giúp cổ họng không bị kích ứng, làm dịu các cơn ngừa, đau họng hoặc ho.
- Sử dụng thuốc: Nhiều trường hợp đau họng nặng, nguyên nhân do nhiễm khuẩn có thể cần phải dùng thuốc để điều trị. Một số loại thuốc thường được dùng để trị đau họng như acetaminophen (Tylenol), naproxen (Aleve), ibuprofen (Advil) và aspirin. Tuy nhiên, điều quan trọng là người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Nhìn chung, nước muối có tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn, hỗ trợ điều trị đau họng. Tuy nhiên, khi dùng nước muối súc miệng, mọi người nên dùng nước muối pha loãng (tốt nhất nên dùng nước muối sinh lý), không nên súc nhiều lần/ngày. Ngoài ra, súc miệng va họng hàng ngày là biện pháp phòng bệnh hô hấp và răng miệng hiệu quả.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn