Vào mùa lạnh hay thời tiết thất thường, nguy cơ bị viêm mũi, viêm xoang cao hơn do các loại vi khuẩn phát triển và tấn công vào cơ thể. Vi khuẩn thường thông qua mũi hay họng gây bệnh cho con người.
Viêm xoang, viêm mũi nếu không được điều trị dứt điểm có khả năng biến chứng thành viêm màng não, mù mắt thậm chí gây tử vong. Dưới đây là một số sai lầm thường gặp về bệnh viêm mũi, viêm xoang.
Nhiều người nghĩ rằng điều trị viêm xoang, viêm mũi là không phải việc quá cần thiết hay tích cực chữa vì đây chỉ là "bệnh vặt", sẽ tự khỏi. Chính vì vậy, bệnh ngày càng trở nên nặng hơn gây khó khăn trong quá trình điều trị viêm xoang, viêm mũi. Ngay từ khi có những dấu hiệu mới chớm, người bệnh cần chủ động điều trị tích cực, dứt điểm tránh tái đi tái lại nhiều lần.
Tỏi có thể điều trị viêm xoang, viêm mũi, đây là quan niệm của dân gian. Tuy nhiên điều này lại phản khoa học, không chính xác vì tỏi có thể gây bỏng rát, làm phù nề niêm mạc mũi, bệnh còn có thể nặng hơn và khó điều trị.
Việc sử dụng tỏi để điều trị viêm xoang là không có cơ sở khoa học (Ảnh: Internet)
Bia rượu có thể gây ra cơn viêm mũi, xoang cấp tính với cả người có tiền sử bị viêm mũi, xoang hoặc chưa từng bị. Bình thường mũi, xoang thông thoáng nhờ hệ thống lọc bụi bẩn bằng lông chuyển và dịch nhầy. Bia rượu khiến cơ thể mất nước, khiến dịch nhầy của mũi đặc lại, tắc nghẽn và đau tại vị trí xoang.
Lưu ý rằng, khi đang điều trị viêm mũi, viêm xoang, nam giới không nên sử dụng rượu bia và chất kích thích như cà phê thuốc lá.
Thói quen của người Việt là khi thấy có dấu hiệu bệnh thường tự mua thuốc về để giảm các triệu chứng nhức đầu, sổ mũi. Tuy nhiên, việc tự ý dùng thuốc rất nguy hiểm, không những khiến bệnh không được điều trị dứt điểm mà nguy cơ gây ra các tác dụng phụ khác là rất cao.
Các thuốc chống viêm phổ biến có steroid dạng nhỏ và xịt có chứa dexamethasone, nếu không được điều trị đúng cách sẽ gây một số biến chứng như: teo tuyến vỏ thượng thận, gây hiện tượng béo giả, tăng đường huyết, tăng huyết áp, rối loạn cân bằng muối - nước, có hại cho người bị bệnh tim mạch.
Nếu người bệnh sử dụng các thuốc xịt co mạch có chứa xylometzolin trong thời gian dài có thể gây nên xuất huyết niêm mạc mũi, bội nhiễm… trong quá trình điều trị viêm xoang.
Không nên tự ý mua thuốc hoặc tự ý sử dụng các sản phẩm mà không có chỉ định từ bác sĩ để điều trị viêm xoang (Ảnh: Internet)
Như vậy việc tự ý sử dụng thuốc trong thời gian dài, quá chỉ định của bác sĩ sẽ làm giảm sức đề kháng, khiến cơ thể rất dễ bị bội nhiễm, đặc biệt là ở hệ thống mũi xoang. Do đó các thuốc Tây Y khi dùng phải có chỉ định của bác sĩ.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc: cả Tây y và Đông y đều điều trị bệnh trên nền tảng giải phóng các yếu tố gây viêm mũi, viêm xoang ra bên ngoài.
Nếu Tây y điều trị chủ yếu bằng cách uống kháng sinh, chọc rửa hay phẫu thuật mũi, xoang thì Đông y dùng các bài thuốc từ thảo dược để đào thải các dịch mủ ra ngoài, giúp tái tạo lớp niêm mạc mũi, xoang mới.
Cần kết họp Đông - Tây y trong điều trị viêm xoang mũi (Ảnh: Internet)
Vì vậy muốn điều trị viêm xoang mũi hiệu quả và triệt để cần có sự kết hợp giữa Đông và Tây y đúng với từng giai đoạn bệnh khác nhau. Theo đó:
- Người bệnh viêm mũi, xoang ở giai đoạn cấp tính (đau nhức dữ dội, chảy dịch màu xanh vàng hôi tanh, sốt) có thể sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm kết hợp với thuốc thảo dược từ 3 đến 5 ngày.
Việc sử dụng song song Đông – Tây y giúp nâng cao hiệu quả hiệp đồng điều trị của thuốc, giảm liều dùng và hạn chế các tác dụng phụ của thuốc Tây. Sau đó, bệnh nhân nên tiếp tục sử dụng thuốc thảo dược từ 7 đến 10 ngày để điều trị triệt để, tránh nguy cơ chuyển sang mạn tính.
- Đối với người bị viêm mũi, xoang mạn tính, khi bệnh tái phát cần điều trị thuốc thảo dược 1 đến 2 tháng trước khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn nặng. Những người có cơ địa sức đề kháng yếu hoặc dị ứng cũng cần dùng một đợt thuốc thảo dược 2 đến 4 tuần để điều trị từ gốc ở giai đoạn mạn tính.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn