Sám hối Đại Tăng mà Trụ trì chùa Ba Vàng bị phạt, thực hiện thế nào theo luật Phật?

20:37 | 27/03/2019;
Sám hối Đại tăng là hình thức quỳ xin lỗi công khai trước nhiều tăng để nghe và suy nghĩ những lỗi lầm mà mình đã gây ra. Nếu bị phạt sám hối Đại tăng đến lần thứ 3 sẽ bị đuổi khỏi chùa.

Liên quan đến vụ việc chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) thu tiền giải vong báo oán, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, ngoài việc đình chỉ các chức vụ trong Giáo hội, Đại đức Thích Trúc Thái Minh (trụ trì chùa Ba Vàng) còn phải sám hối Đại tăng. Vậy sám hối Đại tăng là hình phạt gì là câu hỏi được dư luận quan tâm?

Về vấn đề này, thầy Thích Đạo Thực, trụ trì chùa Ngọc Tân (Hà Nội) cho biết, sám hối đại tăng là một hình thức kỷ luật của giáo hội.

Theo trụ trì Thích Đạo Thực, sám hối có 2 hình thức là tự sám hối và phạt sám hối. Tự sám hối là hình thức các vị tăng tự thực hiện hàng ngày. Khi tự sám hối, các vị tăng sẽ suy nghĩ về những việc làm, lời nói chưa tốt, chưa đúng giới luật để sửa đổi các hành vi đó.

goi-vong-thu-hang-tram-ty-tru-tri-thua-nhan-su-viec-xay-ra-o-chua-ba-vang-tru-chi-1553158149-31-width660height587.jpg
Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng

 Sám hối Đại tăng hình thức xử phạt của giáo hội. Sám hối Đại tăng chỉ thực hiện đối với những người đã vi phạm và bị phát hiện. Theo đó, khi bị phát hiện vi phạm và bị phạt sám hối Đại tăng, người bị phạt sẽ phải quỳ trước nhiều tăng hoặc tổ chức Tăng đoàn và được nghe rõ các tội, lỗi của mình mắc phải. Việc sám hối để nhắc nhở người bị phạt không được tái phạm nữa.

Việc sám hối này diễn ra trong nhiều giờ và vị Tăng mắc lỗi phải làm lễ bái lạy các vị Tăng. Sau đó, vị Tăng này quỳ, gần như không nói gì trong suốt thời gian đó. Khi kết thúc lễ, vị Tăng này phải bái lạy để cảm ơn các vị Tăng.

Ngoài ra, người vi phạm cũng sẽ phải sám hối với các vị lãnh đạo giáo hội nơi quản lý mình.

 “Sám hối Đại tăng là một hình thức quỳ xin lỗi công khai trước nhiều tăng để nghe và suy nghĩ những lỗi lầm mà mình đã gây ra để không tái phạm”, thầy Thích Đạo Thực cho biết.

Nếu tái diễn vi phạm, vị tăng sẽ bị phạt sám hối Đại tăng lần thứ 2. Trường hợp vi phạm đến lần thứ 3, vị tăng vi phạm sẽ bị đuổi khỏi chùa. Đây là hình thức nặng nhất trong Giáo hội Phật giáo.

Trước đó, ngày 20/3, Báo Lao động đăng tải phóng sự “Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỷ” với nội dung phản ánh về hoạt động gọi vong tại ngôi chùa này: “Mọi bệnh tật và xui xẻo trong cuộc sống đều được lý giải  là bởi oán hồn gây ra. Muốn thoát nạn thì buộc phải ‘trả nợ’ cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức vào nhà chùa.

Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và xác định có việc nhà chùa thu tiền giải vong và tiến hành xử lý những người liên quan.

Theo kết luận của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, việc chùa Ba Vàng tổ chức lễ thỉnh vong giải oan gia trái chủ, chữa bệnh cho người dân và phật tử có nhu cầu, trong nghi thức này có việc gọi vong, nhập hồn, phán số kiếp, quy định việc người đăng ký pháp thỉnh oan gia trái chủ buộc phải trả nợ cho vong bằng tiền do vong yêu cầu thông qua hình thức công đức vào chùa Ba Vàng hoặc làm công quả tại chùa Ba Vàng là không đúng với nghi lễ Phật giáo truyền thống.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh và chùa Ba Vàng đã vi phạm Hiến chương GHPGVN, làm tổn thương đến thanh danh Giáo hội, đến Tăng đoàn.

Thường trực Hội đồng Trị sự khu vực phía Bắc đề xuất Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ngay lập tức ra quyết định tạm đình chỉ tất cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong khi chờ Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN ra quyết định cách chức theo đúng quy trình quy định tại Hiến chương GHPGVN tu chỉnh lần thứ VI.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh phải sám hối Đại Tăng, giao cho Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tinh Quảng Ninh làm Thầy giáo giới cho Đại đức Thích Trúc Thái Minh theo Luật Phật.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn