Lâu nay nhiều người vẫn thích ăn những món ăn chế biến từ củ sắn bở được trồng tại các vùng bãi màu thì hiện nay nhiều người lại chuộng ăn sắn dẻo ruột vàng.
Chị Trần Thu Hằng, 36 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội – một tiểu thương bán sắn dẻo ruột vàng gần 2 tháng nay cho biết, cứ 2-3 ngày chị lại về cả xe tải sắn dẻo từ Tiền Giang về. Thế nhưng chỉ bán trong khoảng vài ngày là đã hết sạch. Thậm chí có nhiều khách thích ăn sắn dẻo muốn ăn cũng phải đợi xe hàng về mới có.
Tiểu thương này cho biết, hơn 1 năm trước, chị đi du lịch về vùng chợ gạo Tiền Giang. Tại đây chị được người quen mời ăn sắn dẻo (hay còn được gọi là khoai mì ruột vàng). Ban đầu, nghe lạ lạ. Nhưng khi nhìn thấy thì mới để ý khoai mì này có ruột vàng gần ở giữa nhạt dần ra ngoài. Màu vàng của củ sắn nhìn như khoai lang. Đặc biệt khi luộc lên hoặc hấp chúng ăn dẻo, thơm và ngon hơn sắn thường.
Sau khi về Hà Nội, chị Hằng vẫn nhớ như in hương vị của sắn dẻo và đặt mua trên chợ mạng. Sau đó vì quá yêu thích loại sắn này nên chị Hằng quyết định bán loại sắn dẻo ruột vàng Tiền Giang này.
"Bình thường sắn dẻo ruột vàng thường được bán với giá 50 ngàn đồng/kg. Nhưng mình chỉ bán giá 40 ngàn /kg chưa kể phí ship. Nếu khách mua 4kg, mình sẽ bán giá khuyến mãi chỉ 110 ngàn/4kg. Ngoài ra mình vẫn bán sắn nếp bở với giá chỉ 15 ngàn/kg", chị Hằng nói.
Tiểu thương này cho biết, cứ khoảng tháng 9-10 là mùa của sắn dẻo ruột vàng. Mùa sắn này cũng chỉ kéo dài 2 tháng là hết. Khi đến mùa, hầu như ai cũng đặt mua vài kg về ăn. Bởi ăn sắn dẻo không sợ bị say như sắn trắng và rất nhiều công dụng với sức khỏe.
Nếu như sắn bở chỉ đem luộc, hấp hoặc nấu xôi sắn thì sắn dẻo ruột vàng có rất nhiều cách chế biến: "Khách mua về có thể luộc. Khi sôi từ 10-15 phút thì cho nhỏ lửa để sắn không nứt. Sau đó ngâm thêm 10 phút là có thể gắp ra để nguội rồi ăn. Hoặc có thể cắt khúc sắn, lột vỏ hấp đường cùng lá thơm nếu có".
Chị Hằng cũng tiết lộ, nhiều khách mua sắn dẻo ruột vàng nhà chị về thường lột vỏ, cắt khúc, hấp cốt dừa với lá dứa thơm hay họ nấu chè sắn dẻo với đường thốt nốt. Sau đó bỏ thêm dừa nạo tươi dạng sợi là đã có bát chè sắn thơm ngon.
Là một bà nội trợ rất thích ăn sắn nên 1-2 năm nay khi trên chợ mạng thấy lác đác các tiểu thương bán sắn dẻo ruột vàng, chị Đỗ Ngọc Vân (Đông Tác, Hà Nội) đặt mua sắn này về ăn thử. Nào ngờ, chẳng riêng gì chị mà các con chị cũng như anh xã cũng rất thích ăn.
"Ăn sắn dẻo ruột vàng nhìn hình thức vừa đẹp, lại vừa thơm ngon. Đặc biệt thích nhất cảm giác là không bị nghẹn cổ khi ăn như sắn bở. Vì thế nhà mình ai cũng thích ăn. Thậm chí, mẹ chồng mình gần 80 tuổi nhưng vẫn ăn được loại sắn này", chị Vân kể.
Nếu như với sắn bở trước đây chị hay mua về làm xôi sắn dưới mỡ hành thì hiện nay chị thường mua sắn dẻo về để cuối tuần tranh thủ nấu chè sắn cho cả nhà thưởng thức. Nấu chè sắn cũng không mất công chế biến nhưng nhờ có nguyên liệu là sắn dẻo màu vàng, lại thơm dẻo nên bát chè sắn cũng dậy mùi và thơm ngon đúng điệu.
"Chè sắn chế biến đơn giản lắm. Chỉ cần sắn dẻo ruột vàng, đường thốt nốt, nước cối dừa, lạc rang là đã có thể làm nên nồi chè sắn nóng thơm nồng với vị ngọt của đường vàng, độ ấm nồng của gừng. Nhất là miếng sắn béo bùi, lạc rang thơm hòa cùng vị béo ngậy của nước cốt dừa, tạo nên hương vị vô cùng hấp dẫn mà nhà mình ai cũng thích ăn", chị Vân.
Theo người phụ nữ này, tranh thủ mùa sắn dẻo ruột vàng, hầu như tuần nào chị cũng đặt mua khoảng 2-3 kg về ăn: "Mình hay mua sắn dẻo về ăn đến độ 2 con mình chỉ 9-10 tuổi mà cũng biết cách luộc sắn. Bởi luộc sắn dẻo không phải luộc như sắn trắng. Chỉ cần rửa sạch, đất bẩn rồi cho vào nồi chứ không phải bỏ vỏ. Tùy vào sắn có kích cỡ củ to nhỏ khác nhau mà luộc trong 20-30 phút. Nếu xiên đũa qua được củ sắn đang luộc là sắn đã chín. Khi ăn tới đâu thì gọt vỏ sắn tới đó. Muốn ăn ngọt khi luộc có thể bỏ thêm chút đường là ổn".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn