Sáng 24/11, tại Cơ sở 2 Trường Cao đẳng nghề TPHCM (TP Thủ Đức) đã diễn ra sàn giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động giữa TPHCM và đồng bằng Sông Cửu Long với hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Lao động nữ ứng tuyển chưa nhiều
Bàn tư vấn việc làm của Công ty Cổ phần Takahiro thu hút đông các bạn sinh viên của Trường Cao đẳng nghề TPHCM đến tìm hiểu thông tin. Theo chị Phương Duyên ở Bộ phận Tuyển dụng của Công ty Takahiro, công ty đang có nhu cầu tuyển 100-200 vị trí gồm phục vụ, pha chế, thu ngân, lễ tân, phụ bếp,… Nhiều công việc rất phù hợp với các lao động nữ.
"Sáng nay cũng chỉ có vài cô lớn tuổi đến hỏi thông tin, xin ứng tuyển vào vị trí phụ bếp nhưng hiện tại, bộ phận này bên công ty chỉ tuyển người từ 18-35 tuổi. Ngoài ra, công ty cũng có tuyển nhân viên tạp vụ, phù hợp cho các cô từ 50-60 tuổi với mức lương 7-8 triệu đồng/tháng (nếu làm ca 9 tiếng).
Bàn tư vấn việc làm của công ty chúng tôi chủ yếu nhận được sự quan tâm từ các bạn sinh viên. Cũng có một vài bạn nữ sinh viên đăng ký, để lại thông tin", chị Duyên cho hay.
Có mặt tại sàn giao dịch việc làm từ sớm, chị Lê Tuấn Minh Thư (Trưởng phòng Nhân sự Công ty Bon Spa) kỳ vọng sẽ có nhiều lao động nữ tham gia ứng tuyển. Chị Thư cho biết, công ty đang mở thêm chi nhánh và vào thời điểm cận Tết, nhu cầu làm đẹp tăng cao nên muốn tuyển dụng thêm. Hiện tại, công ty đang mở tuyển dụng 4 vị trí, gồm: tư vấn viên spa, điều phối viên, điều dưỡng viên/nữ hộ sinh và kỹ thuật viên.
Số lượng tuyển dụng cho cả 4 vị trí là 20 nữ. Thu nhập sẽ dao động từ 7-15 triệu đồng/tháng. Riêng vị trí kỹ thuật viên sẽ giới hạn độ tuổi tuyển dụng dưới 40, các vị trí còn lại không giới hạn độ tuổi. Trừ vị trí điều phối viên cần người có kinh nghiệm ra thì các vị trí khác công ty có thể tuyển người không có kinh nghiệm, kỹ thuật. Họ sẽ được đào tạo miễn phí 2 tháng và được trả lương với điều kiện họ cam kết làm cho công ty 1 năm.
Tuy nhiên, suốt mấy tiếng ngồi chờ đợi, bàn tư vấn việc làm của Công ty Bon Spa vẫn… trống trơn. "Tôi cũng bất ngờ vì sáng giờ không có ứng viên nào đến hỏi thông tin hay có nhu cầu tìm việc", chị Thư vừa nói vừa dọn dẹp bàn tư vấn để chuẩn bị ra về.
Tại sàn giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm còn bố trí riêng một phòng kết nối online giữa người lao động và doanh nghiệp. Trong phòng có khoảng 20 máy tính kết nối mạng Internet (có thiết bị ghi hình kỹ thuật số và tai nghe) nhằm hỗ trợ người lao động phỏng vấn trực tuyến với bên doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, số lượng người tham gia phỏng vấn trực tuyến với doanh nghiệp còn khá ít.
Ngoài ra, cũng nhiều người đến đây để làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp nhưng chỉ một số ít trong đó là quan tâm đến các thông tin tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm.
Chị Nguyễn Thị Thúy Vân (39 tuổi) dạo quanh sàn giao dịch việc làm để xem xét, tìm kiếm công việc mới sau khi hoàn thành thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Chị Vân chia sẻ cách đây nửa năm, chị đã nghỉ việc kế toán ở một ngân hàng vì muốn tìm một nơi làm việc khác có môi trường, mức lương phù hợp hơn.
"Tôi thấy hôm nay chủ yếu là các bạn sinh viên tham gia. Có thể người lao động bên ngoài chưa nắm được thông tin nên vô tình bỏ lỡ sàn giao dịch việc làm được tổ chức hôm nay.
Nãy giờ tôi cũng chưa tìm được công việc nào ở đây phù hợp với chuyên môn. Tôi biết độ tuổi của mình khó kiếm việc nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi tin với kiến thức, kinh nghiệm của mình sẽ tìm được nơi làm việc khác theo nguyện vọng cá nhân", chị Vân tâm sự.
Nhu cầu tuyển dụng cao
Phát biểu khai mạc sàn giao dịch việc làm, bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM - cho biết, tại đầu cầu chính hôm nay có 29 doanh nghiệp tham gia trực tiếp với hơn 2.600 vị trí tuyển dụng dự kiến. Song song đó, 152 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tuyến với hơn 11.000 vị trí tuyển dụng.
Sàn giao dịch việc làm tạo sự kết nối mạnh mẽ giữa TPHCM với đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh lân cận trong việc giải quyết việc làm cho người lao động. Chương trình được tổ chức với mong muốn giúp người lao động tiếp cận thông tin việc làm tốt hơn, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm được nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng hơn.
Từ đó, sàn giao dịch việc làm kỳ vọng tạo ra sự giao thương giữa người lao động và người sử dụng lao động, góp phần giảm tình trạng thiếu hụt lao động tại một số địa phương. Các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp cũng có cơ hội được tiếp cận với chương trình để tìm hiểu về thị trường lao động, kiếm việc làm…
"Sở LĐ-TB&XH TPHCM sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM tổ chức nhiều sàn giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến kết nối với các tỉnh. Sàn giao dịch việc làm hôm nay không chỉ là nơi người lao động tìm kiếm việc làm mà còn là cơ hội kết nối giữa TPHCM với các địa phương để chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong việc tổ chức sàn.
Đồng thời, thông qua tọa đàm xây dựng cơ sở dữ liệu, cung cầu lao động liên thông giữa TPHCM và các tỉnh sẽ phục vụ cho việc tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề cho người lao động.
Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp, các trung tâm dịch vụ việc làm nỗ lực hơn nữa để giúp người lao động và người sử dụng lao động tìm thấy tiếng nói chung. Qua đó sẽ tạo niềm tin cho người lao động trong việc tìm kiếm việc làm tốt để các bạn sinh viên, người lao động tìm đến với sàn giao dịch việc làm nhiều hơn", bà Trang nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn