Sản phẩm thật bước ra từ... phim viễn tưởng

16:34 | 05/09/2015;
Rất nhiều “gợi ý” đáng giá từ những bộ phim viễn tưởng cách đây vài chục năm đã và đang được các nhà sáng chế nghiên cứu để cho ra đời vô số sản phẩm công nghệ hữu dụng.
“STAR TREK”: KHO Ý TƯỞNG PHONG PHÚ
“Star Trek” (Du hành giữa các vì sao) là loạt phim viễn tưởng nổi tiếng của Mỹ, tính đến giờ đã có 6 sêri và 11 bộ phim ngắn. Ngay từ tập đầu tiên ra đời năm 1966, các nhà làm phim đã đưa vào hàng loạt các loại thiết bị mà thời bấy giờ vẫn còn là “không tưởng”. Bởi đó là câu chuyện của tận… thế kỷ 23! Nhưng chỉ khoảng 30 năm sau, nhiều thiết bị đã được chế tạo và góp phần làm nên bước đột phá mạnh mẽ của công nghệ.
Thiết bị xuất hiện đầu tiên chính là chiếc điện thoại di động nắp gập. Khi bộ phim ra đời, liên lạc qua điện thoại hữu tuyến mới chỉ bắt đầu phổ cập ở các nước phát triển, còn điện thoại di động thì có thể còn chưa được đưa vào các phòng thí nghiệm. Thế nhưng, trong phim, phi hành đoàn Star Trek thường liên lạc với nhau thông qua một thiết bị giống như chiếc điện thoại di động có nắp gập. Từ ý tưởng đó, vào năm 1996, hãng Motorola đã chế tạo chiếc điện thoại StarTAC có hình thức tượng tự, một thời “làm mưa làm gió” trên thị trường. Tên gọi StarTAC chính là nhằm “tri ân” bộ phim đã “gợi ý” cho họ để có được “siêu phẩm” này.

 Chiếc "điện thoại tưởng tượng" của phi hành đoàn Star trek năm 1966

 ... và chiếc điện thoại di động star TAC thật sự ra đời năm 1996

Một thiết bị khác cũng xuất hiện trong tập phim này là các ổ cứng có hình vuông nhỏ sử dụng trong máy tính hay thiết bị điều khiển. Hồi thập niên 1960, những cỗ máy tính có kích thước bằng ngôi nhà, ghi dữ liệu trên các băng giấy. Dựa theo ý tưởng này, các hãng công nghệ chế tạo ra đĩa mềm 3,5 inch vào khoảng 20 năm sau. Những tập phim sau còn xuất hiện các con chip isolinear để sao lưu hàng gigabyte dữ liệu. Đó là chính là ý tưởng để chế tạo ra USB nhỏ gọn nhưng có dung lượng lớn.
Đến giờ, StarTAC, đĩa mềm và cả USB đều đã “lỗi thời”, nhưng một loại thiết bị khác cũng xuất hiện trong “Star Trek” thì đang ở vào “thời hoàng kim”. Đó là chiếc máy tính bảng. Trong “Star Trek: The Next Generation” (thập niên 1980), các thành viên sử dụng một thiết bị điều khiển cảm ứng có tên là PADDs, với nhiều tính năng khá giống với chiếc máy tính bảng. Phải chăng vì lấy ý tưởng từ đó nên Apple đã đặt tên cho sản phẩm của mình là iPad?
Một loại thiết bị khác cũng đang “hot”, từng xuất hiện trong “Star Trek 1” là hệ thống định vị toàn cầu (GPS). Năm 1995, Chính phủ Mỹ chính thức ra mắt hệ thống định vị toàn cầu GPS sau khi phóng 27 vệ tinh vào không gian, giúp người dùng có thể dễ dàng xác định được vị trí mình đang đứng trên trái đất. Ngày nay, công nghệ GPS cho phép người dùng có thể chia sẻ vị trí của mình từ điện thoại di động và được ứng dụng sâu rộng vào nhiều lĩnh vực khác.
Hệt như phim “bom tấn”
Khó có thể xác định được mối liên hệ giữa các nhà làm phim thế hệ trước với các nhà sáng chế công nghệ thế hệ sau vài ba thập niên, song dường như đã tồn tại một quy luật: Sau những phim “bom tấn” đều xuất hiện các sản phẩm “bom tấn”, ít nhiều lấy ý tưởng từ sự tưởng tượng trong phim ảnh.
Trong phim “Star Wars” (Chiến tranh giữa các vì sao), công chúa Leia xuất hiện trước Luke Skywalker với hình ảnh 3 chiều trong một thiết bị viễn thông. Từ ý tưởng này, công ty Leia Display Systems (Mỹ) đã công bố dự án nghiên cứu và phát triển một chiếc smartphone có khả năng nhắn tin và gọi điện 3 chiều theo “phong cách Star Wars”. Nguyên lý cơ bản của nó là sử dụng một hệ thống cách tử nhiễu xạ thông minh gồm nhiều khe hẹp song song với nhau, có khả năng sản xuất tới 64 phiên bản khác nhau của mỗi hình ảnh. Dữ liệu từ 64 hình ảnh này sẽ dùng để hiển thị hình ảnh người mà chúng ta đang nói chuyện qua smartphone dưới dạng 3D.

 Nike Mag được thiết kế dựa trên đôi giầy trong bộ phim Back to the future

Còn trong phim “Back to the future” (Trở về từ tương lai), nhân vật Marty McFly có đôi giày rất độc đáo với khả năng tự thắt dây. Hãng Nike đã “chớp” ngay ý tưởng này để sản xuất đôi giày Nike Mag được trang bị đèn led 3 màu cùng với đèn LA Gear-esque giống hệt trong phim. Tiếp sau đó, Nike dự dịnh cho ra mắt loại giày với hình thức tương tự và có khả năng tự thắt dây vào năm 2015.
Cũng trong bộ phim này, nhiều khán giả hết sức thích thú với một thiết bị có động cơ chạy bằng nhiên liệu làm từ vỏ bắp, vỏ cam hoặc bất kỳ chất liệu có tác nhân phân hủy sinh học nào, vô cùng an toàn cho môi trường. Dựa vào “nguyên mẫu” này, hãng Cyclone Power Technologies đã chế tạo thành công một cỗ máy tương tự và đang tiếp tục nghiên cứu để nâng cao sức mạnh của động cơ trước khi nhận đặt hàng sản xuất thương mại.
Ở phim “Futurama”, khẩu súng ray nổi tiếng với tốc độ hỏa lực nhanh và phạm vi công phá rộng được sử dụng trong các trận chiến đấu đã trở thành nguồn cảm hứng để các nhà sáng chế tạo ra thiết bị Zeltiq fat burner, có khả năng đốt cháy lượng chất béo trong cơ thể con người, hiện được dùng phổ biến trong các trung tâm thẩm mỹ. Dự đoán trong tương lai không xa, thiết bị này sẽ hạ giá bán và các gia đình trung lưu có thể mua nhằm giúp giảm béo một cách đơn giản, nhanh chóng và an toàn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn